Xã hội

Diện tích rừng giảm, lũ quét, sạt lở đất gia tăng

14/09/2023, 09:59

Số trận thiên tai trung bình nước ta gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.

Sạt lở đất, trẻ nhỏ bị đá đè tử vong ngay trên giường ngủ 

Tối 12/9, nước lũ tại 3 con suối Nậm Pá, Nậm Than, Nậm Cang (xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, Lào Cai) dâng lên đột ngột, hình thành lũ ống. Nhận thấy nước lên nhanh, nhiều người dân Nậm Cang hò nhau bỏ chạy. Nhờ vậy, có người thoát nạn, song cũng có người không kịp, bị cuốn trôi theo dòng nước dữ.

Diện tích rừng giảm, lũ quét, sạt lở đất gia tăng - Ảnh 1.

Cơn lũ ống xảy ra tại khu vực suối thuộc xã Liên Minh, thị xã Sa Pa tối 12/9 gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Gia đình ông Vù A Trùng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh là một trong những hộ dân chịu nhiều mất mát nhất sau cơn lũ này. Không chỉ toàn bộ hệ thống ao nuôi cá tầm, cá hồi bị phá hỏng, nước lũ còn cuốn theo 3 người thân của ông Trùng, trong đó có 1 con trai, 1 em trai và 1 cháu trai.

Ông Trùng chia sẻ trong nỗi xót xa: "Đêm qua, tôi đang làm việc tại trụ sở xã thì vợ gọi điện báo tin con, cháu và em trai đi trông ao cá, kiểm tra hệ thống nước thì mưa to, mãi không thấy về. Một lúc sau thì vợ gọi lại báo tin vừa tận mắt chứng kiến 3 người thân bị lũ cuốn đi".

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, trận mưa lũ chiều tối 12/9 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã làm 5 người chết, 4 người mất tích và 5 người bị thương.

Diện tích rừng giảm, lũ quét, sạt lở đất gia tăng - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác kiểm tra trực tiếp công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Sa Pa.

Trước đó (5/8), mưa lũ lớn cũng đã xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Hậu quả đã làm 3 người chết, 2 người chết do bị sạt lở đất đá, 1 người bị lũ cuốn trôi. Lũ làm thiệt hại 248 nhà, và nhiều công trình giao thông, giáo dục, y tế, ước thiệt hại 150 tỉ đồng.

Người dân xã Hồ Bốn cho PV biết, đây là trận lũ lớn thứ hai xuất hiện trong khoảng 6 năm trở lại đây. Lần trước vào ngày 3/8/2017. Những dòng nước từ trên cao đổ xuống trong đêm đã mang theo những hòn đá to vài mét khối cùng cây cối. Con lũ đi qua đã phá tan bản làng hàng ngày vốn yên bình, để lại những khuôn mặt đau buồn không thể nói thành lời, những tiếng khóc xé lòng nơi núi rừng hoang sơ vì mất đi người thân do lũ dữ.

Chiều 13/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã kiểm tra trực tiếp công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Sa Pa.
Phó thủ tướng chỉ đạo các lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống.

Ông Giàng A Trống (bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) vừa thoát chết trong trận lũ cho biết: Nhà ông bị sập hoàn toàn, toàn bộ tài sản bị cuốn theo dòng nước."Gạo ngô bị ướt, mọc mầm hết cả, 10 nhân khẩu trong gia đình không biết sống sao! Chúng tôi đang sống nhờ vào hỗ trợ của chính quyền với 30kg gạo/1 nhân khẩu/1 tháng và một số nhu yếu phẩm cần thiết", ông Trống mệt mỏi nói.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, cùng bản với ông Trống chưa hết bàng hoàng, kể: "Tôi nghe tiếng ầm ầm, mọi người hô hào chạy liền hốt hoảng chạy theo, ngã cả xuống cống, mọi người phải lôi lên. Khi ấy, lũ đã ngập ngang người. Nhanh lắm, lũ dâng lên chỉ tính theo giây!".

Diện tích rừng giảm, lũ quét, sạt lở đất gia tăng - Ảnh 2.

Cơn lũ quét xảy ra ngày 5/8 đã phá hỏng toàn bộ trang thiết bị Trạm Y tế xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Trong khi đó, hai vợ chồng anh Cứ A Sinh, Vàng Thị Dí (Bản Háng Bla Ha A, xã Khao Mang) đang khóc hết nước mắt, đau đớn quằn quại vì 2 đứa con anh chị dứt ruột đẻ ra (cháu Cứ Thị Tú Uyên, sinh năm 2021 và cháu Cứ Thị Thơm, sinh tháng 2/2023) tử vong do đá rơi trúng đầu khi đang ngủ.

Ánh mắt đỏ hoe, chị Vàng Thị Dí nghẹn ngào kể lại: "Cả nhà đang ngủ thì một tảng đá lớn rơi từ phía taluy dương xuống, lăn qua QL32 vào trúng giường hai con đang ngủ...", chị Dí ngừng nửa chừng vì tiếng nấc, người nhà chị phải tiếp lời: Ngay lúc đó, đất đá vẫn tiếp tục rơi, thi thể 2 cháu phải chuyển sang nhờ nhà hàng xóm, cách đó 200m để an táng.

Ông Cứ Chang Mua (Bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải) cũng đã bị lũ cuốn mà không kịp chạy thoát thân.

Tương tự tại Lai Châu, đợt mưa lớn, sạt lở đất hôm 4-6/8 đã làm 4 người thiệt mạng và 3 người bị thương, cùng với đó nhiều công trình cơ sở hạ tầng và tài sản của nhân dân bị thiệt hại nặng nề.

Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu chỉ là 2 trong số nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề vì mưa, bão, lũ, sạt lở đất vừa qua. Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin: Từ đầu năm đến ngày 5/7, nước ta chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai. Trong đó 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận giông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất ...

Thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.

Rừng giảm, lũ quét, sạt lở đất gia tăng

Trong 4 năm trở lại đây, thống kê chung số trận thiên tai (gồm cả lũ lụt, sạt lở, bão...) nước ta gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nếu như năm 2018 chỉ có 240 trận thiên tai, thì đến năm 2022 dã tăng lên 1.069 trận. Riêng 7 tháng đầu năm 2023 xảy ra 861 trận. Bình quân mỗi năm thiên tai làm chết, mất tích khoảng 250 người, thiệt hại hơn 20 nghìn tỷ đồng về tài sản.

Diện tích rừng giảm, lũ quét, sạt lở đất gia tăng - Ảnh 3.

Cơn lũ quét xảy ra tối ngày 5/8 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã làm chia cắt QL 32 tại km 326+250.

Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến những vụ thiên tai, sạt lở đất nghiêm trọng, ngoài hậu quả trực tiếp từ mưa lớn, các chuyên gia cũng chỉ ra những nguyên nhân gián tiếp từ các hoạt động xây dựng giao thông, nhà ở, phá, chuyển đổi đất rừng.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: Mù Cang Chải là nơi núi sâu đèo cao, địa hình hiểm trở. Trong quá trình mưa, cành lá cây rơi xuống theo dòng nước mắc lại những khe trên núi cao trở thành một chiếc đập chứa nước ảo từ trên đỉnh núi. Khi không thể chống đỡ được, những chiếc đập ảo này vỡ chảy xuống sẽ gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng".

Theo PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó viện trưởng Viện Xã hội học, sạt lở núi liên tục gia tăng là do phá rừng đầu nguồn, chuyển đổi đất rừng ồ ạt, khai thác khoáng sản, lâm sản không theo quy hoạch, nhiều hầm mỏ, thủy điện đua nhau xây dựng.

Ngoài ra, do muốn ra mặt đường để tiện kinh doanh, đi lại, nhiều nơi đã bất chấp nguy hiểm, san đồi bạt núi làm nhà cửa, xây dựng công trình dân sinh ở chân núi, chân taluy, đầu các ngầm, tràn, cửa suối… dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy, sụt đất.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) làm rõ thêm, nước ta đa dạng về địa chất. Theo đó, có khoảng 9 nhân tố ảnh hưởng đến trượt lở đất đá. Độ phủ của rừng là một nhân tố và đóng vai trò quan trọng.

Như khu vực miền núi nước ta, tỉnh nào cũng có phong hóa (phong hóa là đá gốc qua thời gian, thời tiết, mưa làm cho đá mủn dần và hóa thành đất, gắn kết yếu). Có nơi phong hóa dày, mạnh 100%. Vỏ phong hóa dày, nằm trên sườn dốc dẫn đến tạo thành khối đất lớn như một khối bùn treo trên đầu.

Những khu vực này nếu có thảm phủ rừng, nước không ngấm ngay trực tiếp vào đất, bộ rễ và bộ lá cây làm nước mưa ngấm vào nước chậm, từ từ. Thảm phủ dày sẽ giữ nước, điều tiết nước chảy dần. Tuy nhiên, khi mất thảm phủ, bão hòa nước diễn ra nhanh hơn, gây nhão, hóa lỏng sạt lở, lũ quét nhanh hơn.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&M cho rằng, giải pháp trước mắt là điều tra tìm hiểu nguyên nhân, phân vùng nguy cơ sạt lở. Sau khi có khoanh vùng nguy cơ mạnh yếu để thực hiện cảnh báo, di dời dân, công trình và có những giải pháp gia cố, kè chắn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.