Bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Oceanbank |
Sáng nay (29/8), phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank cùng đồng phạm bước sang ngày thứ ba với việc thẩm vấn các bị cáo hành vi xoay quanh hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Làm rõ hành vi phạm tội nêu trên, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, nghệ danh Quỳnh Tứ, từng tham gia nhiều bộ phim truyền hình, cựu nữ thư ký của Hà Văn Thắm) – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP BSC Việt Nam (Công ty BSC). Trước tòa, “bóng hồng” từng tham gia một số bộ phim phát trên truyền hình trình bày, thực tế bị cáo không hề làm bất cứ việc gì tại Công ty BSC.
Tứ khai, năm 2008, khi đang làm thư ký cho HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) thì được Hà Văn Thắm đặt vấn đề đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BSC Việt Nam cho đến khi tìm được người thay thế.
Người đẹp khẳng định, mặc dù mang danh người đứng đầu doanh nghiệp nhưng không hề có một đồng vốn nào, không điều hành công ty và không hưởng lương từ Công ty BSC. Thậm chí, nữ diễn viên điện ảnh này còn không biết trụ sở công ty ở đâu.
Bị HĐXX hỏi rõ về những hành vi trong thực tế, “bóng hồng” này vừa nức nở, vừa trình bày: “Bị cáo không làm gì, không nhận lương, không góp vốn, không làm bất cứ việc gì liên quan đến Công ty BSC”.
Trong nước mắt, nữ bị cáo gây chú ý nhất trong phiên xử nói: “Có nhiều lần bị cáo xin anh Thắm không đứng tên nữa. Em xin anh cho em không đứng tên, vì mọi việc em không làm, em không biết gì cả. Vì thế về sau anh Thắm mới đồng ý cho bị cáo chuyển chức danh đó cho người khác”.
Thấy Tứ mất bình tĩnh, chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà nhiều lần phải trấn an. Đáp lời, người đẹp từng đóng phim cho biết, bị cáo sức khỏe rất yếu, thần kinh yếu nên khi gặp thời tiết thay đổi bị cáo rất dễ xúc động và mất bình tĩnh.
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC. |
Trước tòa, Tứ thừa nhận đã ký tổng cộng 98 hợp đồng dịch vụ (trong các lĩnh vực thẩm định giá bất động sản, cầm đồ, tư vấn, môi giới...) tại Công ty BSC để thu phí trái phép đối với khách hàng với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nữ thư ký của HĐQT Oceanbak khẳng định chỉ biết ký tên vào các hợp đồng dịch vụ mỗi khi Phạm Hoàng Giang – TGĐ Công ty BSC yêu cầu.
Bị chất vấn về hành vi ký “bậy”, Tứ phân trần vì bị cáo tin Thắm và tin Giang là tiến sỹ luật. Ngoài ra, mỗi khi bị cáo ký tên vào hợp đồng thì tất cả nội dung và chữ ký của những người liên quan đều đã có đầy đủ. “Anh Giang nói với bị cáo là ký tên để hoàn thành thiện” – “bóng hồng” thân thiết nhất với Hà Văn Thắm nói.
Ngoài việc trình bày mang danh Chủ tịch Công ty BSC chỉ là “hữa danh vô thực” như nêu trên, Hoàng Thị Hồng Tứ còn cho biết tiền thu phí khách hàng tại Công ty BCS được dùng để “chăm sóc khách hàng” ở Oceanbank. Trong số tiền thu được, Tứ trực tiếp 3 lần mang tiền đến phòng làm việc của Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Ngân hàng TMCP Đại Dương với tổng số hơn 6,6 tỷ đổng.
Lý giải vì sao lại mang tiền cho bị cáo Sơn, “bóng hồng” thân thiết nhất với Hà Văn Thắm cho biết, những lần đó đều là do lãnh đạo ngân hàng yêu cầu. Trong đó, có lần mang tiền “chăm sóc khách hàng” tới, bị cáo Sơn còn bảo Tứ ký nhận thay.
Trước đó, cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng đồng phạm cho thấy, nữ diễn viên Hoàng Thị Hồng Tứ một thời bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a, khoản 4, Điều 280 – BLHS
“Bóng hồng” này được xác định là đã giúp sức cho Hà Văn Thắm cùng Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt gần 70 tỷ đồng thông qua “sân sau” của cựu Chủ tịch Oceanbank là Công ty BSC. Ở hành vi này, cáo trạng cũng xác định còn có Phạm Hoàng Giang – TGĐ Công ty BSC và Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu đều từng là Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Đại Dương.
Bị cáo Phạm Hoàng Giang, cựu TGĐ Công ty BSC. |
Về phần mình, bị tòa thẩm vấn, Phạm Hoàng Giang khai, được tuyển vào Oceanbank là Trưởng phòng pháp chế, sau đó được Thắm đưa sang làm TGĐ Công ty BSC. Cũng như Tứ, Giang không hề góp vốn và không tham gia HĐQT của doanh nghiệp này.
TGĐ Công ty BSC trình bày, nhiệm vụ của bị cáo là ký hợp đồng trong một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ đầu tư thương mại, môi giới của doanh nghiệp. Công việc tại Công ty BSC, Giang đều làm việc độc lập theo chức năng, ngoài một số trường hợp đặc biệt thì phải báo cáo Hoàng Thị Hồng Tứ bằng văn bản.
Theo Giang, việc ký các hợp đồng của bị cáo với tư cách đại diện Công ty BCS là thực hiện nhiệm vụ kinh doanh được giao. Quá trình làm việc, bị cáo không nắm được mục đích sử dụng những đồng tiền sinh ra từ các hợp đồng dịch vụ để làm gì. Cựu TGĐ Công ty BSC quả quyết: “Bị cáo không giữ vai trò giúp sức cho các bị cáo khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, Hà Văn Thắm cho biết, Công ty BSC là do bị cáo này thành lập ra. Việc thu phí trái phép đối với khách hàng vay tiền hoặc mua ngoại tệ ở Oceanbank, Thắm chỉ trao đổi, bàn bạc với Nguyễn Văn Hoàn và Phạm Hoàng Giang.
“Bị cáo xin xem xét lại vấn đề này vì khá nhiều khách hàng là bạn bè của bị cáo, họ không có phản hồi gì cả. Đấy là thỏa thuận dân sự. Tiền thu được, bị cáo nghĩ là tiền của BSC nên chuyển cho anh Sơn để chăm sóc khách hàng” – cựu Chủ tịch Oceanbank lý luận về việc thu phí trái phép tại Công ty BSC.
Theo Thắm, với vị trí của bị cáo thì khi thu 70 tỷ đồng chỉ cần 1-2 khách hàng lớn vay năm bảy trăm tỷ và nhận phần trăm là được, chứ đâu cần phải lập một công ty riêng. Khoản tiền như cáo trạng nêu trong hành vi thu phí của BSC là hơn 69 tỷ đồng, theo bị cáo còn phải chi phí nhiều khoản như thuế và các khoản chi phí khác.
Nói về hoạt động cũng như một số hợp đồng thu phí tại Công ty BSC, cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm trình bày, sở dĩ không để “người đẹp” Hoàng Thị Hồng Tứ tiếp tục tham gia vì không đủ trình độ. Cùng với đó, Thắm còn tỏ ra ngạc nhiên khi thấy một số hợp đồng nêu trong cáo trạng lại có chữ ký của nữ diễn viên điện ảnh một thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận