Thị trường

Điều gì xảy ra sau cú bắt tay của bầu Hiển, Vietnam Airlines và đường sắt?

22/08/2022, 13:28

Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Vietnam Airlines và VNR.

Ngày 11/8/2022, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đối thoại lần thứ 3 trong vòng 1 năm giữa người đứng đầu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh phức tạp của thế giới với dịch bệnh, thiên tai và xung đột địa chính trị. Chuỗi cung ứng toàn cầu đã đứt gãy trong thời gian dài, gây khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới việc tăng cường hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới.

img

Từ ICD Vĩnh Phúc, hàng hóa có thể vận chuyển thuận lợi bằng tất cả các phương thức vận tải

Kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực

Chỉ ngay sau đó 1 ngày, Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Công ty T&Y SuperPort – liên doanh giữa T&T Group và Tập đoàn YCH (Singapore) cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực vận tải hàng không và đường sắt này.

T&Y SuperPortTM là chủ đầu tư của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc – siêu cảng đầu tiên khởi động cho Mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN.

Khởi công vào cuối năm 2021, siêu cảng ICD Vĩnh Phúc có diện tích quy hoạch hơn 83ha, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm.

Siêu cảng có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) với hệ thống điều khiển hiện đại, ứng dụng công nghệ IoT cùng các robot tự động hóa hoạt động trong kho hàng.

Việc lựa chọn xây dựng một Trung tâm Logistics với quy mô “siêu cảng” tại Vĩnh Phúc là có lý do, khi đây vốn là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi cùng hệ thống giao thông phát triển, cũng là địa phương được đánh giá cao về môi trường đầu tư. Năm 2021, Vĩnh Phúc nằm trong top 5 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất cả nước.

Nằm tại huyện Bình Xuyên – “thủ phủ” khu công nghiệp của tỉnh, siêu cảng ICD Vĩnh Phúc sở hữu một vị trí chiến lược khi được bao bọc bởi Đường tỉnh 310B, sông Cầu Bòn và hành lang đường sắt Hà Nội – Lào Cai, kết nối thuận tiện đến sân bay Quốc tế Nội Bài, cảng biển Cái Lân (Quảng Ninh), cảng biển Hải Phòng và cửa khẩu Lạng Sơn.

Như vậy, từ ICD Vĩnh Phúc, hàng hóa có thể vận chuyển thuận lợi bằng tất cả các phương thức vận tải, trong đó tuyến đường bộ và đường sắt nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thành phố Côn Minh với thành phố Hà Nội và cuối cùng kết thúc tại Cảng quốc tế Hải Phòng.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích cho thuê hơn 1.200 ha. Riêng huyện Bình Xuyên đã tập trung 6 khu công nghiệp bao gồm Bá Thiện 1, Bá Thiện 2, Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Bình Xuyên, Bình Xuyên 2, Sơn Lôi. Theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển thêm 7 Khu công nghiệp với tổng diện tích cho thuê 1.176 ha.

Nhờ vị trí thuận lợi, từ lâu Vĩnh Phúc đã được lựa chọn bởi đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Toyota, Honda, Sumitomo Corporation… Năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI, bằng 253,75% kế hoạch và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định mục tiêu xuyên suốt của địa phương là thúc đẩy việc thu hút đầu tư để lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có, bổ sung quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp mới.

Hàng loạt khu công nghiệp mới được phát triển trong tương lai gần sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế cho Vĩnh Phúc.

Với việc “ăn hàng” thuận lợi từ 16 khu công nghiệp cùng lợi thế từ vận tải đa phương thức, theo đánh giá của YCH, siêu cảng cạn ICD Vĩnh Phúc sẽ là nút kết nối chính cho chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN với các thị trường quốc tế khác để thúc đẩy giao thương.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, ICD Vĩnh Phúc sẽ xử lý khoảng 10% tổng sản lượng hàng hóa container ở các tỉnh phía Bắc.

Theo Tiến sĩ Tan See Leng, Bộ trưởng thứ hai Bộ Công thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore, sau khi hoàn thành, siêu cảng ICD Vĩnh Phúc sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực và Công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group kỳ vọng rằng siêu cảng cạn ICD sẽ mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam, với tham vọng chi phí logistics giảm xuống 14% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2025 và đến 2035 xấp xỉ Singapore ở mức 8-10%. Hiện chi phí logistics tại Việt Nam chiếm tới 21% tổng sản phẩm quốc nội, cao gấp đôi so với các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

img

Phối cảnh dự án SuperPort Vĩnh Phúc

... Và hơn thế nữa

Trở lại với Hội nghị của Thủ tướng và Doanh nghiệp, những nhấn mạnh của Thủ tướng đã cho thấy định hướng khuyến khích của Chính phủ với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài để cùng phát triển.

Để làm được điều mà lãnh đạo Nhà nước yêu cầu, cũng như làm được điều mà ông Đỗ Quang Hiển kỳ vọng với siêu cảng ICD Vĩnh Phúc, qua đó thiết lập một mạng lưới Logistics ASEAN xuyên suốt, toàn diện và cạnh tranh, giúp khu vực phát triển thành một khối kinh tế lớn mạnh thì sự hợp tác để nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics được xem là “chìa khoá”.

Trong những thỏa thuận hợp tác của T&T Group, T&Y SuperPort, Vietnam Airlines và VNR, T&T Group đóng vai trò là đầu mối kết nối và cung cấp dịch vụ từ hệ sinh thái đa ngành của mình. Riêng các định chế tài chính thành viên của T&T có thể cung cấp các dịch vụ về vốn, tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như các dịch vụ tài chính hiện đại cho hệ khách hàng của đối tác.

Trong khi đó, T&Y SuperPort sẽ cùng Vietnam Airlines và VNR hướng đến việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ giữa hai doanh nghiệp, tận dụng mạng lưới khách hàng tại Việt Nam và các quốc gia khác.

Toàn bộ các dịch vụ/mô hình thương mại của Vietnam Airlines với Kho hàng không kéo dài (OACT) của ICD Vĩnh Phúc cũng như tiềm năng hàng hóa từ mạng lưới của YCH tại Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN sẽ được khai thác hiệu quả nhờ năng lực, kinh nghiệm của các bên tham gia và công nghệ hiện đại được ứng dụng.

Người ta đã nghe nhiều về Thành phố Chuỗi cung ứng (SCC) của YCH ở Singapore. Cùng với hệ thống cảng đồ sộ và hiện đại, SCC là mô hình giúp củng cố vị trí trung tâm hậu cần lớn nhất thế giới của quốc đảo này.

Thành phố Chuỗi cung ứng chính thức khai trương từ tháng 9/2017 tại vị trí chiến lược trong Khu Đổi mới Jurong, đầu tư cực lớn về mặt công nghệ và được ví như một Thung lũng Silicon nhỏ phục vụ ngành hậu cần logistics. Đây là một thành phố tự động hóa bằng máy móc, hoạt động 24/7.

Bằng công nghệ, trong bối cảnh ngành hậu cần của Singapore chịu áp lực về đất đai, nhân lực thì Thành phố Chuỗi cung ứng đã tăng năng suất và tốc độ trong chuỗi cung ứng lên hàng trăm lần.

Có thể hình dung, với sự hợp tác của T&T Group, YCH và các doanh nghiệp Việt, siêu cảng ICD Vĩnh Phúc sẽ trở thành cú thúc vào sự phát triển thần tốc, hiệu quả và bền vững cho ngành logistics Việt Nam. Trong tương lai, rất có thể một Thành phố Chuỗi cung ứng được ra đời mà siêu cảng ICD Vĩnh Phúc là trái tim kết nối các địa phương tại Việt Nam và kết nối Việt Nam với khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.