Chàng tiền vệ quê Quảng Nam chia sẻ, điều anh tiếc nuối nhất là cha mình đã không được chứng kiến thành công của con trai ngày hôm nay.
Quãng đường chông gai
Trong số các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam được HLV Philippe Troussier mang sang Qatar chuẩn bị cho Asian Cup 2023, Lê Phạm Thành Long nằm trong số những cầu thủ ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhất, dù không thuộc nhóm cầu thủ trẻ.
Sinh năm 1996 nhưng so với những đồng nghiệp đã thành danh ở đội tuyển như: Tuấn Anh, Bùi Hoàng Việt Anh, Quang Hải, Văn Toàn… hành trang của Long còn khá nghèo nàn. Hồi tháng 6/2023 anh mới lần đầu lên tuyển nhưng tới nay chưa có trận đấu chính thức nào.
Ở dịp hội quân chuẩn bị hướng tới Asian Cup 2023, Long cũng chẳng phải cái tên nhận nhiều kỳ vọng. Dù vậy, với chàng trai quê Quảng Nam, chùn bước trước khó khăn không nằm trong suy nghĩ của anh.
Một thông tin ít người biết, Thành Long từng trúng tuyển khóa 1 Học viện HAGL JMG (nay là Học viện HAGL) cùng lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… khi 11 tuổi. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, anh buộc phải xuống đội năng khiếu vì không phát triển nhanh bằng đồng đội.
Trưởng thành từ đội năng khiếu vốn kém danh giá hơn học viện, lại thêm việc khóa 1 sản sinh ra nhiều tiền vệ xuất sắc nên Thành Long không thể tìm được chỗ đứng ở đội 1 HAGL. Anh cùng nhiều đồng đội phải dạt tới các đội bóng khác để tìm kiếm cơ hội thi đấu, khẳng định bản thân.
Sau hơn 3 năm chơi cho Phú Yên, Đắk Lắk ở giải hạng Nhì, hạng Nhất, bước ngoặt đến với cầu thủ xứ Quảng khi anh được Long An mượn về thi đấu tại V-League 2017. Nhờ dự dìu dắt của HLV Nguyễn Minh Phương, anh dần hoàn thiện được các kỹ năng, đặc biệt là khả năng quan sát, kiểm soát bóng, chuyền bóng.
"Tôi thấy choáng ngợp bởi bầu không khí V-League khác quá nhiều so với hạng Nhất, tốc độ trận đấu nhanh và cầu thủ buộc phải xử lý bóng trong tích tắc. Rất may tôi được HLV Minh Phương chỉ bảo tận tình nên đã thích nghi được", Thành Long nhớ lại.
Năm 2018, Long Bắc tiến, gia nhập CLB Hải Phòng cũng theo dạng cho mượn. Với vốn liếng tích lũy được cùng tinh thần cầu thị, anh chơi nổi bật, được HLV Park Hang-seo gọi vào tuyển Olympic dự ASIAD 2018.
Nhưng điểm nhấn lớn nhất trong sự nghiệp cầu thủ 28 tuổi là khoảng thời gian khoác áo CLB Thanh Hóa. Cả HLV Petrovic và HLV Popov đều ưa sử dụng một nhân tố giàu năng lượng, có khả năng bao sân như Thành Long. Tại Thanh Hóa, Long vươn lên trở thành một trong những tiền vệ hay nhất V-League trước khi đầu quân cho CLB Công an Hà Nội và được HLV Troussier nhắm tới.
Anh chạy gần như không biết mệt, luôn có mặt ở mọi điểm nóng, làm tốt cả vai trò hỗ trợ tấn công lẫn phòng ngự, dù chỉ cao 1m65. Anh cũng không ít lần tạo nên những bàn thắng siêu phẩm.
Nhìn lại hành trình đã qua, Long cho biết mình tự hào vì đã luôn hướng về phía trước: "Mỗi lần ra sân, tôi đều tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn nếu không muốn bị tụt lại".
"Xem Thành Long chơi bóng tôi liên tưởng tới Hùng Dũng. Cả hai đều nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, sức bền tốt, đá theo kiểu box to box. Vị trí này đặc biệt quan trọng, nhất là khi đội chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự hoặc ngược lại.
Cơ hội để cậu ấy đá chính tại Asian Cup không lớn bởi ông Troussier ưa dùng Thái Sơn và Tuấn Anh, một người thiên về phòng ngự, một người thiên về tấn công cho khu vực giữa sân. Nhưng cậu ấy vẫn là lựa chọn tốt khi đội tuyển cần thay đổi chiến thuật", bình luận viên Vũ Quang Huy nhận xét.
Những nỗi niềm đau đáu
Mùa giải 2019, Thành Long đã được HAGL giữ lại thi đấu cho đội 1. Nhưng thời điểm đó, đội bóng phố Núi vẫn còn giữ bộ khung cũ nên anh quyết định tiếp tục ra đi để tìm kiếm cơ hội ra sân nhiều hơn. Nếu không có quyết định dũng cảm này, có lẽ V-League sẽ không được chứng kiến một Thành Long nổi bật như hôm nay.
Dù vậy, trong sâu thẳm trái tim, anh vẫn coi HAGL là nhà mình: "Tôi tới đây khi 11 tuổi và rời đi khi 23 tuổi. 12 năm đủ làm cho mọi thứ ở HAGL thân thuộc với tôi. Chỉ đáng tiếc tôi đã chơi cho nhiều đội bóng nhưng chưa một lần được khoác áo đội 1 HAGL".
"Tôi nhớ như in khi về Long An được vài tháng thì đội gặp HAGL ở vòng 18 V-League. Đấy là lần đầu tôi được ra sân cùng HAGL ở V-League nhưng không cùng chiến tuyến. Tôi đá đủ 90 phút còn Long An thắng HAGL 2-1.
Tâm trạng tôi hôm đấy kỳ lạ lắm, cứ lưng lửng, chòng chành. Đội mình thắng thì vui rồi nhưng kia là nơi đã nuôi dưỡng mình, là ngôi nhà thứ 2 của mình", tiếp lời tuyển thủ Việt Nam.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Thành Long nói cho tới lúc này anh không tiếc nuối điều gì nhưng có một chuyện làm anh canh cánh trong lòng. Lần anh được HLV Park Hang-seo triệu tập vào tuyển Olympic Việt Nam trước thềm ASIAD 18 cũng là lúc anh mất đi người cha nơi quê nhà.
"Tôi còn chưa kịp báo tin tôi được lên tuyển thì bố đã mất. Mười mấy năm lăn lộn cùng trái bóng, tôi vẫn mong có ngày trở thành niềm tự hào của bố, được làm tròn đạo hiếu. Vậy mà…", Thành Long bồi hồi.
Nói thêm về người cha quá cố, tiền vệ thuộc biên chế Công an Hà Nội bộc bạch, bố chính là người truyền cảm hứng chơi bóng cho anh.
"Bố tôi làm phụ hồ thôi, nhà tôi nghèo lắm nhưng ông luôn ủng hộ tôi theo đuổi trái bóng. Ngày vào Gia Lai thi tuyển, mẹ gàn mãi nhưng bố vẫn khăn gói đưa tôi đi thi. Mỗi lúc khó khăn tôi đều gọi về nhà tâm sự, bố bảo đã đi cả chặng đường rồi thì không thể từ bỏ dễ dàng. Lời nói đó giúp tôi vững vàng hơn.
Chỉ tiếc bố không còn để thấy tôi trưởng thành, có sự nghiệp tạm ổn định, có gia đình nhỏ của riêng mình. Nhưng tôi tin bố vẫn dõi theo chỉ đường cho tôi. Trên lưng tôi có hình xăm la bàn và đôi mắt. Đó là đôi mắt của bố, người chỉ đường để tôi không bao giờ lạc lối", cầu thủ quê Quảng Nam trải lòng.
Lê Phạm Thành Long thấp nhất đội tuyển Việt Nam
Tại Asian Cup 2023, tuyển Việt Nam có chiều cao trung bình thấp nhất (24/24 đội) với 1m75,38. Trong đó, Thành Long là cầu thủ sở hữu chiều cao khiêm tốn nhất với chỉ 1m65.
Tuyển Thái Lan đứng thứ 23 với chiều cao trung bình 1m76,31. Một đại diện Đông Nam Á khác là Indonesia xếp thứ 11 (1m79,65). Điều này không bất ngờ bởi đội bóng xứ vạn đảo sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận