Thị trường

Định hướng thị trường carbon tập trung vào điện gió ngoài khơi, mặt trời

24/04/2023, 08:41

Đó là thông tin được đại diện Bộ TN&MT cho biết tại tọa đàm “Thị trường carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?” do Báo Giao thông tổ chức sáng 20/4.

Giá trị giao dịch thị trường carbon lên đến hàng trăm tỷ USD một năm

Để có cái nhìn khái quát về thị trường carbon, ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, thị trường carbon có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch.

Đầu tiên là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Có thể hiểu Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch đó cho doanh nghiệp (DN), DN sẽ có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các DN khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao. Loại thứ 2 là tín chỉ carbon. Cơ bản giống hạn ngạch (cùng đơn vị là tấn/Co2), tuy nhiên, tín chỉ mang tính chất tự nguyện nhiều hơn. Tức là, khi DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, ví dụ như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó.

img

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)

Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được một tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ rất rẻ, ngưỡng 1 USD/tấn, cũng có thể rất cao, ngưỡng 15 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.

Cũng theo ông Công, hiện nay, trên thế giới, cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Thị trường carbon chúng ta thường nói có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang triển khai, với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD một năm.

Trao đổi tín chỉ carbon giữa các nước ra sao?

Thứ nhất là Nghị định Kyoto, với cơ chế phát triển sạch (CDM-Clean Development Mechanism). Chúng ta đầu tư vào dự án, sau đó bán tín chỉ cho quốc tế. Tuy nhiên, nghị định này có hiệu lực đến năm 2020 nên hiện nay đã tạm dừng hoạt động và đang đợi hướng dẫn mới để triển khai cơ chế dưới điều 6 của thỏa thuận Paris.

Hiện nay chúng ta đang triển khai biên bản hợp tác với Nhật, tín chỉ chung theo cơ chế JCM từ 2023. Cơ chế giống như cơ chế phát triển sạch. Các DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, sau đó được bên thứ 3 kiểm định, thẩm định rồi gửi hồ sơ để được ban hành tín chỉ.

Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ ngành cũng đang làm việc tích cực với các quốc gia khác quan tâm mua tín chỉ như Hàn Quốc, Singapore…, hoặc các đối tác tư nhân muốn đầu tư vào tín chỉ để thực hiện cam kết giảm phát thải tại quốc gia của mình.

Tuy nhiên, bài toán quan trọng là cân bằng lợi ích cho DN về hiệu quả kinh tế, nhưng việc bán tín chỉ cũng phải đảm bảo được cam kết của chúng ta như phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.

Tức là, thị trường carbon vẫn phải thúc đẩy tư nhân đầu tư, nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với các lợi ích khác của quốc gia và các bên tham gia.

Cách nào khác để hình thành tín chỉ carbon?

img

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc, Trưởng bộ phận ESG của Vinacapital

Trong thời gian tới, ông Công cho biết, định hướng tập trung thiên nhiều hơn về các nguồn năng lượng tái tạo và nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi và năng lượng sinh khối.

Thứ 2 là tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, DN đầu tư vào điều hoà, như điều hoà inverter, nếu đầu tư đủ lớn có thể mời các đơn vị thẩm định vào đo đạc và xác định tín chỉ.

Các quốc gia họ xác định thay vì 1 dự án nhỏ lẻ, thì có thể đầu tư vào cả hệ thống, hay 1 thành phố. Như ở Thái Lan là dự án xe điện cho cả một thành phố, một khu vực…

Hay Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách đổi mới sáng tạo, cũng được nhiều bên quan tâm, đề nghị có thể đo đạc hiệu quả chính sách đó, để hình thành tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, đại diện Bộ TN&MT nhấn mạnh, quan trọng vẫn là cân bằng chi phí vì hiện nay chi phí tư vấn, đo đạc tín chỉ carbon khá cao.

Đại diện cho đơn vị kinh doanh, ông Vũ Chí Công, Trưởng phòng Cấp cao về ESG của Vinacapital lưu ý, phát thải tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới. Nhưng tiềm năng giảm phát thải, hấp thụ carbon ở Việt Nam cũng rất cao.

Song, vấn đề là cơ chế ra sao để đảm bảo hài hòa loại ích, doanh thu cho nhà đầu tư, phân chia nguồn doanh thu cho các bên liên quan như thế nào. Thì đó là thách thức để theo kịp thị trường quốc tế.

“Tôi hy vọng Bộ tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư có kế hoạch định hướng, thể chế chính sách rõ ràng hơn để theo kịp quốc tế, cần đẩy sớm hơn”, ông Vũ Chí Công bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.