Tài chính

Doanh nghiệp “ngồi trên lửa” vì lạm phát toàn cầu

23/08/2022, 06:47

Doanh nghiệp Việt như “ngồi trên lửa” bởi những tháng cuối năm là thời điểm quyết định đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm.

Lạm phát toàn cầu tăng cao, khách hàng nước ngoài dè dặt đơn hàng… khiến doanh nghiệp Việt như “ngồi trên lửa” bởi những tháng cuối năm là thời điểm quyết định đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm.

img

Thiếu đơn hàng xuất khẩu, dự báo tác động đến đời sống công nhân nhiều ngành nghề

Các nước lớn thắt chặt hầu bao

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, 7 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận mức hồi phục nhanh kỷ lục khi lần đầu tiên trong 20 năm qua xuất khẩu được 6,7 tỷ USD.

Dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 12 - 15% so với năm 2021.

Tuy nhiên tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn cầu đã khiến người dân nhiều nước thắt chặt chi tiêu, làm giảm sức mua tại các thị trường đang xuất khẩu.

Theo ông Nam, nhiều doanh nghiệp trong số 279 thành viên của VASEP cho biết, hiện nhiều nhà nhập khẩu không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10, còn sau đó cũng chưa biết thế nào.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tồn kho, không có tiền để trả ngay cho ngân hàng. Từ đầu tháng 8, các ngân hàng đều thông báo sẽ không cho vay khoản vay mới, khiến các doanh nghiệp không thu mua được nguyên liệu của nông dân.

Tương tự, các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn khác như dệt may, da giày, chế biến gỗ... cũng đang chịu chung tình cảnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17,7% (22,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, thị trường 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do là bởi lạm phát ở nhiều nước tăng, sức mua toàn cầu giảm sút, lượng hàng tồn kho khá lớn khiến đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Cùng đó, giá bông nguyên liệu lại tăng gần 20% nên hàng dệt may Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thông tin, hiện có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ có mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.

Đặc biệt, khoảng 71% doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng từ nay đến cuối năm và 44% doanh nghiệp dự báo nguồn thu sẽ giảm hơn 40% trong cả năm 2022.

Tại thị trường Anh, trong 26 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Anh thì có 17 doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu với mức giảm trung bình 42,8%. Còn tại thị trường EU, mức giảm trung bình khoảng 44,6%.

Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp da giày cũng đang “ăn đong” đơn hàng. Đại diện, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, đơn hàng giảm dần trong các tháng 8, 9, 10… với ngưỡng 30% so với cùng kỳ những năm trước.

Nếu trước đây, doanh nghiệp có thể nhận đơn hàng trước từ 1 - 2 quý, thì giờ chỉ nhận được đơn đặt hàng trước 2 - 3 tháng. Tỷ lệ hàng tồn kho của các doanh nghiệp lên đến 40%.

Ngoài việc thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp, Hiệp hội đều cho biết thêm, chi phí sản xuất đang tăng cao đến mức đáng lo ngại, dù giá xăng dầu có giảm, bớt áp lực chi phí vận tải.

Cần chính sách riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm 2022 với tổng kim ngạch 56 tỷ USD. Kinh tế Mỹ suy thoái chắc chắn sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ ở mức từ 3 - 3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng, ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam nửa cuối năm.

Trước thách thức đặt ra, các hiệp hội ngành hàng đều có chung đề xuất: Ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp...

Đồng thời đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40.000 tỷ đồng để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Cần thiết, phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam cho biết, tình trạng giảm đơn hàng ngưỡng 30% kéo dài đến tháng 9/2022, do đó rất cần chính sách riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm thuế, phí, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác mới, tránh đứt gãy nguồn cung...

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, để duy trì sản xuất và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp đã phải vận dụng nhiều giải pháp khác nhau.

Hơn 70% doanh nghiệp lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí. Một số ít doanh nghiệp đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm; giảm giá sản phẩm để kích cầu, mở rộng thị trường khách hàng khu vực EU, Australia, tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù...

Theo đại diện Hiệp hội ngành gỗ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp kịp thời để bình ổn giá cả, giảm thanh, kiểm tra, hỗ trợ công nhân đóng bảo hiểm xã hội, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thiết kế các gói cứu trợ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và ổn định sản xuất trong dài hạn.

Lạm phát toàn cầu tăng kỷ lục

Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của quốc gia này tăng 9,1% so tháng 6/2021, cao kỷ lục trong vòng bốn thập kỷ qua (từ năm 1981) và cao gấp bốn lần mức lạm phát mục tiêu 2%/năm mà Mỹ hướng đến. Cùng thời điểm, Italy cũng ghi nhận lạm phát 8% (cao nhất kể từ năm 1986), Tây Ban Nha vượt ngưỡng 10% lần đầu tiên kể từ năm 1985…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.