"Đỏ mắt" tìm lao động
Nhiều tháng treo băng rôn tuyển dụng khắp nơi nhưng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, ông Nguyễn Văn Thành, chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở tỉnh Bình Dương cho hay, hiện xưởng đã kín đơn hàng đến hết năm, cần thêm khoảng 50 lao động làm tăng ca để kịp giao hàng.
Ngành dệt may hiện đang thiếu lao động trầm trọng.
Song, điều ông không ngờ là việc tuyển dụng hiện nay quá khó khăn dù đã tăng rất nhiều ưu đãi so với trước. "Lương cơ bản khoảng 8 triệu đồng/tháng, tăng 2 triệu so với năm ngoái. Chúng tôi cũng phải về một số tỉnh lân cận để tìm người, thay vì trước đây chỉ cần treo thông báo ở cổng công ty", ông Thành nói.
Tương tự, nhu cầu sản xuất tăng cao, Công ty TNHH May Mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang tích cực tuyển dụng thêm 300 công nhân may. Công ty sử dụng nhiều kênh thông tin để tiếp cận ứng viên, bao gồm các nền tảng mạng xã hội và thông qua sự giới thiệu từ chính công nhân hiện tại.
Đặc biệt, công ty này còn quyết định làm điều chưa từng, đó là thưởng lương tháng 13 cho những lao động vào từ tháng 8.
"Thông thường, lương tháng 13 được tính dựa trên số tháng làm việc trong năm, thế nhưng hiện doanh nghiệp sẵn sàng ưu đãi để công nhân mới gia nhập vẫn có thể nhận đủ khoản thưởng này", đại diện công ty giải thích và cho biết thêm, với công nhân đã có tay nghề, công ty áp dụng mức thưởng gia nhập dựa trên bậc tay nghề.
Tuy nhiên, bất chấp những chính sách thu hút lao động, công ty trên vẫn gặp khó trong việc lấp đầy các dây chuyền.
"Ông lớn" cũng gặp khó
Việc khó tuyển dụng năm nay cũng khiến một số doanh nghiệp rơi vào tình cảnh trớ trêu.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc cho biết, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp thất bại trong việc mở rộng sản xuất và tuyển dụng lao động: "Dù công ty đã cam kết đảm bảo tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (trong đó 25% thu nhập đến từ việc tăng ca) nhưng vẫn rất khó tuyển".
Theo số liệu của Cục Việc làm, Bộ LĐ, TB&XH, có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp vẫn tuyển không được người với hơn 836.000 việc làm cần tuyển lao động phổ thông.
Cũng theo ông Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng ở nhà máy rất dồi dào. Công ty đã mở rộng thêm 2 chuyền sản xuất, dự định mở thêm 2 chuyền nữa nhưng phải hủy bỏ kế hoạch vì không tuyển được lao động.
Một số lao động cũ đã nghỉ trước đó, công ty gọi điện mời đi làm trở lại nhưng hầu hết lắc đầu, muốn ở nhà thêm một thời gian nữa để hưởng trợ cấp thất nghiệp. "Nhiều người thậm chí nói thẳng sẽ đi làm lại nếu công ty không ký hợp đồng", ông Sơn chia sẻ thêm.
Ngoài một số lao động "lười" đi làm, ông Sơn nhận định, còn do tâm lý "an cư" của người lao động: "Chính vì thế, mới có nghịch lý ở các quận, huyện khác sa thải hàng loạt lao động, nhưng chúng tôi vẫn không tuyển được nhân công mới. Bởi lẽ, nhiều người đã ở tại một quận, huyện nào đó lâu năm, con cái đã học hành ổn định nên rất ngại chuyển đến nơi khác".
Là doanh nghiệp may mặc với môi trường làm việc tốt, có nhiều đãi ngộ, thế nhưng Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè cũng không nằm ngoài khó khăn chung.
Ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông thương hiệu Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè cho biết, cần tuyển hàng nghìn lao động, nhưng kết quả chỉ "muối bỏ bể".
Nghịch lý thị trường lao động
Đại diện trang tuyển dụng "Việc làm tốt" chia sẻ, trong tháng 8, đơn vị khảo sát 300 doanh nghiệp, 1.600 người lao động đang cần tuyển dụng và cần tìm việc. Kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trên trang tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Xây dựng là nghề có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao (ảnh minh họa).
Các nhóm nghề có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất là tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản.
Trong khi đó, 85% doanh nghiệp cho biết, họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế nữa, 30% doanh nghiệp trong số đó đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.
"Nhiều doanh nghiệp khi gọi điện, các ứng viên đều báo bận hoặc đã tìm được công việc khác. Điều đó cho thấy họ ứng tuyển dạo chứ chưa thật sự muốn làm công việc mà họ ứng tuyển", đại diện trang tuyển dụng nhận định.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, có 3 thách thức lớn trong tuyển dụng nhân sự số lượng lớn. Đó là, 40% nhà tuyển dụng chia sẻ phải mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc do hồ sơ ứng viên không đầy đủ.
Ngoài ra, chỉ có 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra. Đồng thời, thách thức còn là sự cạnh tranh của các công ty trong ngành. Bởi việc điều chỉnh mức lương thưởng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp để thu hút ứng viên.
Cần thêm chính sách an sinh
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM, nguyên nhân còn nằm ở vấn đề an sinh cho nhóm lao động thu nhập thấp. Tức là, giải quyết được vấn đề chỗ ở cho nhóm những doanh nghiệp thu nhập thấp ở những khu, cụm công nghiệp.
Lưu ý về vấn đề thu hút lao động hiện nay, nhất là ngành dệt may – ngành nghề cần hàng triệu lao động mỗi năm, theo ông Hồng, sau đại dịch Covid-19, nhiều lao động đã về quê hoặc chuyển sang các ngành nghề khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong ngành dệt may. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp khi phải tìm cách duy trì và mở rộng để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Ông Hồng cho rằng, các doanh nghiệp cần đưa ra những chính sách tốt nhằm ổn định lực lượng lao động hiện có và thu hút thêm lao động mới.
"Việc cải thiện thu nhập và chính sách tiền lương là rất quan trọng. Doanh nghiệp nên hỗ trợ thêm tiền tăng ca, thưởng hàng tháng và một số chi phí khác cho người lao động. Đồng thời, cần cố gắng không tăng ca quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo thu nhập bằng cách khuyến khích người lao động làm việc năng suất cao hơn", ông Hồng đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận