Cầu sắt Kênh Xáng |
“Ai thắc mắc thì bắc cầu khác đi”!
Để tìm hiểu sự việc, chiều 21/11, PV Báo Giao thông đã đến trụ sở doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trình ở đường Nguyễn Đáng, TP Trà Vinh, đối diện trụ sở Sở GTVT. Tại đây, Giám đốc là ông Nguyễn Văn Trình cho biết, việc xây dựng cầu sắt tạm là do DN của ông ký hợp đồng vận chuyển tro từ nhà máy nhiệt điện lên TP.HCM tiêu thụ.
Đội xe của ông có 10 chiếc xe bồn loại 48 tấn chở tro chuyên chạy tuyến đường này. Do Hương lộ 81 thi công chậm, cầu Kênh Xáng mới đáng ra hoàn thành từ tháng 7/2017 nhưng đến nay vẫn còn dở dang. Muốn qua cầu Kênh Xáng cũ tải trọng 18 tấn phải san tải nên mất thời gian, chi phí nên ông đã đề xuất Sở GTVT cho phép xây cầu sắt tạm.
Theo ông Trình, ông đã làm đơn đề nghị bắc cầu tạm trình Sở GTVT, Công an, Sở TN&MT, UBND tỉnh Trà Vinh và được đồng ý thực hiện. Sở GTVT chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các DN vận tải thường xuyên chở tro từ nhà máy nhiệt điện. Cuộc họp đề nghị tất cả các DN bỏ tiền ra làm cầu nhưng không ai chịu, trừ một DN ở Hà Nội đồng ý góp 1/3 số vốn trong tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng.
Ông Trình cho hay, theo tính toán của ông thì trung bình có 30 xe một ngày, thời gian thu phí 18 tháng thì mức phí phải 1 triệu đồng/lượt mới thu hồi vốn, nhưng sau đó các DN phản ứng, rồi Sở GTVT thống nhất ý kiến 700.000 đồng/lượt. Cộng cả chi phí xe của mình chạy và cả các xe khác đóng phí ông vẫn lỗ một nửa. Nhưng do đã ký hợp đồng với nhà máy nên lỗ cũng phải làm.
“Quan điểm của tôi khi làm cầu là chỉ xe tôi chạy, ai muốn chạy thì phải trả tiền cho tôi. Tôi không cần đơn vị nào khác chạy. Nếu DN nào nói đắt tôi không cho chạy luôn vì tôi không cần. Vụ này là do ghen ăn tức ở. Ông nào thích mua đi tôi bán luôn cái cầu cho. Còn nếu ra mặt thì bắc cầu khác mà qua, đất vẫn còn”, ông Trình nói.
Mỗi lần qua cầu sắt tạm, tài xế phải bấm bụng trả 700.000 đồng/lượt |
Không thẩm định giá, chỉ tự thỏa thuận
Làm việc với PV Báo Giao thông, ông Phan Anh Quốc, Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh cho biết, ngày 2/8/2017, DN tư nhân Nguyễn Trình có tờ trình đề nghị được đầu tư xây dựng cầu tạm qua Kênh Xáng để phục vụ nhu cầu vận chuyển tro cũng như vật tư phục vụ thi công Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải. Xét thấy đề nghị của DN là hợp lý, mặt khác cầu tạm được xây dựng sẽ giảm áp lực lưu thông, đảm bảo an toàn cho cầu Kênh Xáng cũ, do đó ngày 7/8/2017 Sở GTVT tổ chức cuộc họp với các cơ quan và 7 DN liên quan.
Ông Quốc cho hay, tại cuộc họp các bên đã thống nhất trình UBND tỉnh để DN tư nhân Nguyễn Trình đầu tư cầu tạm Kênh Xáng quy mô 3 nhịp, mỗi nhịp 27,3m, tải trọng khai thác 45 tấn, kinh phí 8 tỷ đồng. DN Nguyễn Trình góp vốn 2/3 giá trị đầu tư, Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu và thương mại Phương Nam góp 1/3 giá trị.
Các DN không góp vốn đầu tư sẽ chịu kinh phí theo từng chuyến xe lưu thông qua cầu với mức giá 700.000 đồng/lượt để thu hồi vốn đầu tư. Thời gian khai thác dự kiến 18 tháng, đến khi cầu Kênh Xáng mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau thời gian đó, nhà đầu tư phải tự tháo cầu tạm và chịu các chi phí. Ông Quốc cũng cho biết, do dự án đầu tư không nhằm mục đích kinh doanh nên không đề nghị thu các loại thuế.
Sở GTVT đã làm tờ trình UBND tỉnh Trà Vinh và ngày 11/8/2017 UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản 3023/UBND-CNXD chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu tạm qua Kênh Xáng. Trả lời câu hỏi: “Mức giá thu phí qua cầu có được Sở Tài chính thẩm định hay không?”, ông Quốc cho biết: “Cái này là do các DN họp và tự thỏa thuận rồi Sở GTVT làm tờ trình được UBND tỉnh đồng ý chứ Sở Tài chính không thẩm tra giá”.
Theo tính toán của chúng tôi, với lưu lượng 30 xe/ngày, mức phí 700.000 đồng/lượt trong thời gian 18 tháng thì DN Nguyễn Trình sẽ thu được hơn 11 tỷ đồng chứ không chịu lỗ như vị giám đốc DN này nói. Hơn nữa thời gian 18 tháng là dự kiến, còn thời điểm cầu Kênh Xáng mới được xây dựng xong là bao giờ thì chưa ai biết. Bởi theo ông Quốc, hiện chưa xác định được thời gian hoàn thành dự án, do đang gặp khó khăn trong việc GPMB.
Chưa thẩm định giá thu là sai quy định
Về ý kiến cho rằng Sở GTVT hạ tải trọng cầu Kênh Xáng từ 26 tấn xuống còn 18 tấn và bố trí tổ TTGT túc trực 2 đầu cầu như kiểu “ép” xe phải qua cầu tạm, ông Quốc cho biết đã thuê đơn vị tư vấn kiểm định cầu Kênh Xáng cũ và thấy dấu hiệu xuống cấp nên cắm biển 18 tấn, nhưng Sở cũng cấp cho những xe có tải trọng 26 tấn lưu thông trong trường hợp đặc biệt và phải đi qua từng chiếc. Tổ TTGT cũng tuần tra thường xuyên trên tuyến chứ không phải túc trực liên tục tại cầu. “Cầu Kênh Xáng là cầu huyết mạch của Hương lộ 81 nên phải bảo vệ. Khoảng 1 năm nữa cầu mới hoàn thành thì phương tiện tha hồ lưu thông”, ông Quốc nói.
Theo luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM), Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, mức phí mà DN Nguyễn Trình đưa ra đến 700.000 đồng/lượt là không hợp lý. Địa phương duyệt cho DN thu với mức phí đó cũng sai quy định. Các quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư, cho phép thu phí của cơ quan quản lý và DN là chưa đúng.
Luật sư dẫn chứng, theo Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, tại điểm b, điều 2 về loại đường bộ được tổ chức thực hiện thu phí phải có đủ các điều kiện sau đây: Đối với đường địa phương, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của UBND cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ GTVT chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Theo luật sư, đây chưa phải là hình thức đầu tư BOT nhưng cũng là dạng đầu tư có thu phí. UBND tỉnh Trà Vinh có thể chấp thuận phương thức đầu tư của DN, nhưng mức phí thu như thế nào thì phải có cơ quan chuyên môn là Sở Tài chính thẩm định xem thời hạn thu bao lâu, mức thu bao nhiêu là hợp lý… Sau đó, trình HĐND thông qua mới được thu. “Xem xét tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước, khi nhà đầu tư đề xuất mức thu phí để thu hồi vốn phải qua nhiều cơ quan thẩm định mới ban hành giá thu. Đâu phải ai muốn xây cầu, làm đường rồi thu phí giá nào thì thu?”, ông Chung nói.
Ông Lê Hoàng Tâm, đại biểu HĐND TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc bắc cầu sắt tạm qua Kênh Xáng để giải quyết cho các phương tiện có tải trọng lớn vào nhà máy nhiệt điện là cần thiết nhưng mức giá 700.000 đồng/lượt quá cao. Ông cho biết, tại kỳ họp HĐND thị xã sắp tới, ông sẽ đưa vấn đề này ra để chất vấn. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, đối với các công trình giao thông thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Theo ông Huy, những dự án sử dụng vốn huy động xã hội hóa có tổng mức đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên đều phải tuân thủ các quy định của Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án đầu tư phải đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công bố danh mục dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 30 ngày để các nhà đầu tư tham gia tìm hiểu, dự án có hai nhà đầu tư trở lên phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư… “Liên quan đến công trình xã hội hóa như cầu tạm Kênh Xáng - Duyên Hải với mức kinh phí xây dựng khoảng 8 tỷ đồng, chính quyền địa phương cần phải làm rõ công trình được đầu tư căn cứ vào các quy định nào”, ông Huy nói. Đình Quang |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận