Dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, song thói quen tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng nghiên cứu cho ra đời sản phẩm mới bắt nhịp với bối cảnh “bình thường mới”…
Thay mẫu mã, điều chỉnh cả máy móc
Để chuẩn bị cho sự “trở lại” sau dịch Covid-19, từ 2 tháng trước, ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty DVC Hà Nội đã quyết định nghiên cứu thay đổi mẫu mã, sản phẩm để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới khi bệnh dịch được kiểm soát.
Kinh nghiệm thương trường cho ông Quân nhận định, kinh tế thu hẹp hơn người tiêu dùng ít nhiều rơi vào cảm giác “cuộc sống mong manh” hơn bao giờ hết. Vì vậy, khác với tư duy trước đó là phải làm sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất và chỉ trung thành với 1 sản phẩm duy nhất cho một dòng hàng (như dòng chiếu nhựa chỉ có một mẫu duy nhất, dòng chiếu trúc chỉ một mẫu duy nhất), thì công ty đã nghiên cứu để cho ra đời nhiều mẫu khác nhau theo những tiêu chí khác nhau.
“Từ thành công trong việc thay đổi nguồn nguyên liệu không còn phụ thuộc vào thị trường độc quyền Trung Quốc, nhận thấy nhiều lợi ích từ việc dám thay đổi thay vì ngồi đợi thị trường ổn định trở lại, tôi đã thuê chuyên gia cải tiến lại các khâu sản xuất để có thể sản xuất được nhiều dòng sản phẩm hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng cách tạo ra sản phẩm rẻ tiền hơn để kích cầu tiêu dùng khi người tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục thắt lưng buộc bụng, giảm bớt các khoản chi tiêu tùy ý”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, hiện xưởng sản xuất của ông đã tạo ra được 2 mẫu rẻ hơn từ máy móc sẵn có cải tiến. Cụ thể, một mẫu công ty giảm 40% lượt chỉ ngang và giữ nguyên đường chỉ dọc, công nghệ vẫn như nhau. Như vậy, sản phẩm giảm được chi phí nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo được độ bền, nhờ đó giá thành giảm được gần 10%.
Mẫu thứ hai, công ty chọn giãn cách gần 50% sợi chiếu, giữ nguyên các lượt chỉ ngang dọc để tạo độ bền. Sản phẩm chất lượng vẫn đảm bảo song giá thành cũng giảm đến 20%. Tuy nhiên, để sản xuất được mẫu này thì phải điều chỉnh lại máy móc.
Đánh giá về thị trường sau hơn 1 tháng triển khai, ông Quân cho biết: Sản phẩm ra thị trường đang bán rất tốt với doanh số đã tăng thêm 30%, lượng khách hàng cũng rộng hơn, nhiều người hài lòng hơn khi có nhiều mẫu mã chọn lựa. “Nghiên cứu hành vi tiêu dùng là bước đầu quyết định thành công của doanh nghiệp, nếu làm bừa mà không biết mình phục vụ đối tượng nào thì đã thua hơn 50%. Qua đây cho thấy, sau dịch, quan trong nhất vẫn là sự phân tầng sản phẩm theo hành vi của người tiêu dùng”, ông Quân đúc rút.
Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinanalink, Chủ tịch CLB SEO Việt Nam có chung góc nhìn này khi cho rằng, dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, song một trong những dư âm để lại và sẽ tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là người dân sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu vì nhận ra cuộc sống có thể tiết giảm như trong thời kỳ dịch bệnh. Theo ông Tuấn, sau một thời gian dài “nhịn” hưởng thụ, không ít người tiêu dùng đã hình thành thói quen chi tiêu tiết giảm, giống như qua một đợt “cai nghiện” vậy. Và phải mất một thời gian dài để họ trở lại thói quen tiêu dùng cũ. Do vậy, doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới.
“Nếu tính đến việc dịch chuyển, chúng ta phải quyết định lúc này luôn. Những sản phẩm gì phục vụ cho xu hướng xã hội như: Sát thiết yếu, có thể linh động - tức là có thể tiêu dùng tại chỗ hoặc mang đi. Ví dụ, các nhà hàng từ ăn tại chỗ sang sản phẩm phục vụ tại nhà. Hoặc dịch chuyển sản xuất sản phẩm theo trend (xu hướng) như: Các công ty sản xuất quần áo chuyển sang sản xuất khẩu trang; mỹ phẩm chuyển sang sản xuất nước rửa tay… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải tính đến khả năng hấp thụ của thị trường, nhất là khi dịch bệnh chấm dứt thì những sản phẩm đó có thể cung vượt cầu…”, ông Tuấn lưu ý.
Sản phẩm phân hóa mạnh
Cũng dự báo hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi sau dịch và đã chớp thời cơ đầu tư cách đây vài tháng, song Công ty TNHH Sản xuất két sắt Việt Tiệp và An toàn kho quỹ (Đại Từ, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) lại mở rộng sang phân khúc thị trường cao cấp hơn, an toàn hơn, với nhìn nhận: Những khách hàng có thu nhập cao thì nhu cầu tiêu dùng tương đối ổn định, kể cả trong hay sau dịch.
Ông Dương Văn Đông, Giám đốc công ty cho biết, công ty ông đã ấp ủ nhiều năm nay kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm cao cấp, kho xưởng đã chuẩn bị sẵn gần 1.000m2 nhưng chưa có thời cơ tốt để bắt nhịp tiêu dùng. Nhận định thời điểm này là cơ hội hiếm có nên cách đây vài tháng, công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, thuê chuyên gia để bắt tay vào sản xuất.
Đến nay, hơn 200 chiếc két sắt đã hoàn thiện có mức giá cao hơn 40% so với mức cao nhất trước đây, bởi sản phẩm sản xuất với tiêu chí thép 10 - 12 ly 100%, đảm bảo độ an toàn tuyệt đối. “Trong thời gian tới, công ty sẽ vừa rút kinh nghiệm vừa hoàn thiện sản phẩm để đưa vào sản xuất ồ ạt vào cuối năm”, ông Đông khoe.
Ông Đông nhận định, dù mới hoàn thiện bước đầu của chiến lược hướng tới sản phẩm mang giá trị cao cấp nhưng ông tin sẽ thành công và các doanh nghiệp khác cũng sẽ nhanh chóng bắt nhịp sự thay đổi này. “Trải qua những lúc cận kề cái chết, tôi nhận ra rằng, nếu chúng ta nỗ lực thay đổi, chuẩn bị kỹ lưỡng, thì khó khăn lại chính là “bệ phóng” tiếp cận với nhu cầu khách hàng”, ông Đông tự tin.
Tương tự, chị Phượng, chủ một xưởng sản xuất thời trang túi xách, ví da thương hiệu Hasamia, cho biết: Trước đây, phần lớn xưởng của chị vẫn sản xuất đều các mặt hàng giả da và da thật, lượng hàng bán ra ngang bằng nhau.Tuy nhiên, tác động của dịch, mọi thứ thay đổi hẳn. Khách hàng được chia thành 2 nhóm, một là thật cao cấp, 2 là thật rẻ. Đến mức, chị phải sản xuất thêm loại túi vải cách điệu, phối thời trang có giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng tiêu thụ rất mạnh. Những dòng trung đều bị treo lại, trong khi hàng da thật lại tiếp tục bán tốt.
Chị Phượng cho rằng, mọi người hướng đến sản phẩm tiện ích hơn là sản phẩm mang tính trang trí, tức là giá trị sử dụng đang được thể hiện cao hơn, không còn sự mua bán ngẫu hứng như trước mà khách hàng đã lựa chọn vì mục tiêu. “Tôi cũng thấy rõ người ta chọn những dòng túi da thật với ý nghĩa “ăn chắc mặc bền” thay vì “tốt mã hơn tốt nước sơn”, chị Phượng nói.
Chị Phượng cũng cho biết, đây cũng là chủ đề mà nhiều nhà sản suất đã bàn với nhau ngay từ khi còn dịch, một sự dịch chuyển đậm chất không lẫn đi đâu được. Có thể mọi người nhìn nhận nó sẽ thay đổi trong thời gian ngắn, nhưng thực tế hành vi xảy ra nó sẽ tạo thành thói quen và không dễ phai.
Theo kết quả khảo sát của McKinsey & Company về hành vi tiêu dùng của người Việt cho thấy, người tiêu dùng Việt thuộc nhóm người lạc quan nhất ở châu Á khi cho rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức do khủng hoảng Covid-19 đặt ra. Đơn vị này cũng đưa ra những khuyến nghị giúp cho những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng tại Việt Nam.
Đáng chú ý, cuộc khảo sát nhận định, sau dịch, hành vi tiêu dùng của người Việt được hình thành 2 hình thái rõ rệt. Đó là sự cắt giảm chi tiêu và tập trung vào giá trị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng bắt kịp cảnh báo để tái cơ cấu lại sản phẩm nhằm phù hợp hơn với hành vi mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận