Điện ảnh

Doanh thu phim Việt thật giả lẫn lộn!

17/02/2020, 06:33

Năm 2020, phim Việt rơi vào thế bị động, đặc biệt khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây nên đang có diễn biến phức tạp.

img
Phim “Gái già lắm chiêu” được cho là khai khống doanh thu

Năm 2019, tổng doanh thu phòng vé phim Việt Nam ước khoảng 1.150 tỷ đồng, trở thành năm có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Sang đến đầu năm 2020, phim Việt rơi vào thế bị động, đặc biệt khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây nên đang có diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, “Gái già lắm chiêu 3” (đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito) được thông báo phim cán mốc 165 tỷ đồng sau 2 tuần phát hành (từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán) khiến nhiều người đặt dấu hỏi.

Ngoài ra, “30 chưa phải là Tết” cũng được thông báo thu về 11 tỷ trong ngày đầu công chiếu, được cho là phim Việt bán vé chạy nhất những ngày đầu năm mới cũng khiến nhiều khán giả hoài nghi về sự chân thực doanh thu phim.

Đây không phải lần đầu tiên phim Việt bị nghi “khai khống” doanh thu. Năm ngoái, “Cua lại vợ bầu” và “Trạng Quỳnh” đều công bố phim mình đứng đầu phòng vé ngày mùng 1 Tết và vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận. Cả hai tác phẩm này đều dừng ở mức nhẹ nhàng, dễ xem. Song, cách xây dựng nhân vật, nội dung, tình tiết còn nhiều khiên cưỡng, không thể để lại những dấu ấn điện ảnh.

Những con số doanh thu phim Việt trước nay đa phần đều do nhà phát hành chính thức của phim hoặc nhà sản xuất phim công bố. Vì thế, con số này vẫn chỉ mang tính một chiều và chưa được kiểm chứng. Vẫn biết các nhà phát hành, nhà sản xuất có thể coi đây là một “chiêu” để PR phim của mình. Thế nhưng nếu “hét” con số quá chênh lệch so với chất lượng thật của phim thì sẽ khiến khán giả hoang mang, thậm chí quay lưng với bộ phim đó. Có không ít phim hái ra tiền nhưng lại là nỗi ngao ngán của giới bình luận, yêu phim.

Thị trường phim Việt vẫn đang phát triển, khán giả ra rạp đông hơn, cụm rạp được xây nhiều hơn… nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phim kiếm được doanh thu dễ dàng hơn, bởi khán giả ngày càng văn minh, yêu cầu cao hơn. Cuối cùng, chỉ có một bộ phim đủ hay, chạm đến cảm xúc của khán giả mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định nên thành bại của một bộ phim điện ảnh Việt Nam.

Câu chuyện về doanh thu phim Việt cũng thể hiện một nghịch lý giữa điện ảnh Việt và thế giới. Ở Hàn Quốc, Hội đồng Điện ảnh (KOFIC - Korean Film Council) - đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có chức năng nắm giữ số liệu vé bán được của các bộ phim được phát hành trong nước.

Tại Hollywood, Box Office Mojo là trang web chuyên theo dõi doanh thu phòng vé nhờ một hệ thống thuật toán. Các số liệu được tính toán đến từng ngày nhằm giúp cho người xem biết được chính xác một phim có ăn khách hay không.

Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có đơn vị nào chuyên trách việc thống nhất, kiểm soát phòng vé của các bộ phim với con số thật sự chính xác, đáng tin cậy. Doanh thu luôn bị coi là vấn đề nhạy cảm và là “bí mật” của riêng nhà sản xuất, phát hành phim.

Phải chăng, đã đến lúc điện ảnh Việt cần có một hệ thống thông tin phòng vé để tạo sự minh bạch, tổng quát về điện ảnh trong nước? Điều này không chỉ giúp xoá bỏ nghi ngờ về các con số doanh thu hàng trăm tỷ, mà còn là cách để các nhà sản xuất nhìn được xu hướng để đưa ra những bộ phim hay, chất lượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.