Đời sống

Độc đáo 2 cái Tết của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre

26/01/2023, 14:04

Qua rồi thời kỳ đồng bào dân tộc Chứt ở xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) phải ăn lông ở lỗ, nay đồng bào được đón những cái Tết ấm no.

Những cái Tết mang màu sắc độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Chứt

Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Chứt vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn tết Lấp Lỗ và Tết Chăm - cha - bới.

img

Ngoài đón Tết cổ truyền thì đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh còn có 2 cái tết cổ truyền khác là, Tết Lấp Lỗ và tết Chăm - cha - bới

Tết Lấp lỗ của đồng bào Chứt thường được tổ chức tại bìa rừng, gần bản vào ngày 7/7 (âm lịch) hàng năm, với những lễ vật đơn giản nhưng đầy trang trọng mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Bà Hồ Sen (73 tuổi, dân tộc Chứt ở bản Rào Tre) là một trong những người lớn tuổi nhất bản cho biết, Tết Lấp Lỗ ngoài ý nghĩa “cắm lỗ, gieo hạt", thì Tết còn là dịp để người dân tổ chức ăn mừng, cảm tạ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ và phát triển.

img

Già làng làm lễ cúng Tết cổ truyền Chăm - cha - bới

Sau Tết Lấp lỗ là Tết Chăm - cha - bới được tổ chức vào ngày 12/11 (âm lịch) hằng năm. Tết Chăm - cha - bới của dân tộc Chứt là một nét văn hóa độc đáo, khẳng định quá trình hình thành, tồn tại và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Tết này cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng mang đậm triết lý nhân sinh.

Sau hơn 30 năm định cư ở Rào Tre, từ 18 nhân khẩu đứng trước vực thẳm tuyệt chủng, giờ đây cộng đồng người Chứt đã tăng lên 156 nhân khẩu. Cuộc sống người Chứt ở Rào Tre cũng đổi thay từng ngày, đã có những học sinh người Chứt ở Rào Tre đậu đại học.

Trong tiếng của người Chứt, Chăm - cha - bới có nghĩa là mừng cơm mới. Bởi người Chứt quan niệm, sau một mùa thu hoạch bội thu người dân lại làm lễ tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa. Đó như một lời tri ân của đồng bào đối với mẹ thiên nhiên trong một năm qua. Đồng thời, họ cũng gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc thông qua những lời khấn của thầy mo thay mặt cho các gia đình trong bản.

Tết Lấp Lỗ và tết Chăm - cha - bới của người Chứt, được tổ chức gồm 2 phần; lễ và hội. Trong đó, nghi thức phần lễ sẽ được tổ chức tại bìa rừng sau đó mỗi gia đình sẽ về làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia đình mình. Còn phần hội sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian mang nhiều nét đặc sắc…

Đón Tết trong những ngôi nhà sàn xi măng kiên cố

Sau hơn 30 năm hòa nhập cộng đồng, người Chứt ở bản Rào Tre đã có cuộc sống mới, luôn được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chứt ngày càng đổi mới và phát triển. Những cái Tết cổ truyền của người Chứt cũng đầy đủ và sung túc hơn.

Những năm gần đây, người Chứt đã được đón những cái Tết trong ngôi nhà sàn bằng xi măng kiên cố. Chuẩn bị cho ngày Tết, BĐBP sẽ cùng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sắm sửa đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực cho bà con như: thịt, cá, mắm, muối… sau đó chia đều từng phần nhỏ cho mỗi hộ gia đình.

img

Kể từ khi được lực lượng bộ đội BP phát hiện ở trong các hang đá cách đây 30 năm, nay đồng bào dân tộc Chứt đã hòa nhập với cộng đồng, có cuộc sống ấm no, sung túc

“Trước đây, với chúng tôi mỗi khi tết đến thì những người dân trong tộc sẽ chia nhau vào rừng để săn bắt những con thú nhỏ để về để tổ chức nghi lễ, lúc đấy ăn uống đói khổ, bệnh tật nhiều lắm. Nhờ có sự quan tâm, chăm lo của Đảng và nhà nước nên chúng tôi đã có những cái Tết to, không lo đói nữa”, ông Hồ Púc (dân tộc Chứt, bản Rào Tre) nói.

Lãnh đạo UBND huyện Hương Khê cho biết, cuộc sống của người Chứt đã có nhiều khởi sắc. Bà con đã biết chăm lo sản xuất, tạo ra của cải vật chất. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, đồng bào cũng được đón những cái Tết no đủ hơn.

Vào năm 1960, trong lần đi tuần tra đường biên, cột mốc quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện nhóm người lạ sinh sống trong các hang đá vùng núi giáp biên. Sau khi tìm hiểu tập quán, cách sinh hoạt… lực lượng BĐBP xác định đây là nhóm người Chứt di cư từ Quảng Bình ra.

Quá trình tiếp xúc và vận động, 18 người Chứt này được đưa về định cư ở bản Giàng (xã Hương Lâm, huyện Hương Khê). Tuy nhiên, do không quên được chỗ ở cũ trong hang đá và chưa thay đổi được thói quen sinh hoạt ở nơi mới, nên bà con người Chứt lại kéo nhau trở lại với núi cao, rừng thiêng.

Do cuộc sống luôn di chuyển nay đây mai đó nên nhóm người Chứt phải đối mặt với nhiều thử thách như đói rét, bệnh tật, suy giảm giống nòi… Thậm chí nguy cơ tuyệt chủng đã hiện hữu trước mắt.

Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, phát huy, phổ biến những phong tục tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của người Chứt để làm sao từng bước đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ đồng bộ trên các lĩnh vực, sự cố gắng nỗ lực vươn lên của bà con dân tộc, trong thời gian tới đồng bào dân tộc Chứt sẽ đạt được kết quả cao hơn trên các lĩnh vực nhằm góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Chứt. Nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa và quảng bá du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Bảo nhấn mạnh.

Ngoài ra, thông qua các dịp lễ Tết, cơ quan chức năng đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu với những vùng dân tộc ở các tỉnh lân cận. Niềm vui đối với người Chứt hôm nay là tình trạng hôn nhân cận huyết đã gần như không còn. Thanh niên nam, nữ người Chứt đến tuổi dựng vợ gả chồng đã tìm hiểu và lập gia đình với người ngoài bản, ngoài dòng họ.

Cuộc sống người Chứt đang dần ổn định bằng hoạt động sản xuất nông nghiệp lúa nước, bằng việc trồng cây gây rừng, bằng việc chăn nuôi. Nhiều thanh niên người Chứt được học hành đầy đủ đã đi làm ăn xa, để có cuộc sống tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.