Đời sống

Độc đáo buổi hoán đổi quần áo, mặc đồ cũ sửa lại tại Hà Nội

30/09/2019, 08:30

Những chiếc váy cũ được bàn tay thiết kế "phù phép" trông rất đặc biệt khiến chủ nhân hào hứng mặc lại...

img
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nhà thiết kế và nhóm những cựu sinh viên Thụy Điển tại buổi hoán đổi quần áo bảo vệ môi trường

Một chiều Hà Nội, ven hồ Tây, rất nhiều phụ nữ trẻ, đa phần là dân văn phòng, sinh viên có mặt tại một không gian đặc biệt về thời trang. Tại đây, họ tham gia vào một hoạt động còn khá lạ lẫm ở Việt Nam nhưng đã được tổ chức thường niên ở Thụy Điển. Đó là ngày hoán đổi quần áo đã mặc, thiết kế lại quần áo cũ, hồi sinh tủ quần áo một cách thân thiện với môi trường.
Hoạt động này được tổ chức bởi Hội cựu sinh viên Thụy Điển.

Có mặt tại buổi giao lưu, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Ann Mäwe chia sẻ: "Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới nhưng nó cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất. Chúng ta cần thay đổi, cả các công ty thời trang và người tiêu dùng. Cần tái sử dụng, làm mới và tái chế.

Thụy Điển là một trong những quốc gia bền vững và Thụy Điển đang hướng tới những xu hướng sử dụng thời trang thân thiện với môi trường. Một số thương hiệu đã chấp nhận đổi các sản phẩm cũ tại cửa hàng. Thị trường quần áo cũ, bán tại các cửa hàng và trực tuyến đang phát triển. Thậm chí đã có chuỗi chuyên bán đồ cũ. Chẳng hạn, Vintagemässan được thành lập tại Stockholm năm 2008, hiện thu hút hơn 6.000 khách hàng mỗi năm.

Bà Đại sứ cho biết: "Theo kế hoạch diễn ra vào tháng trước, Tuần lễ thời trang Stockholm đã bị hủy bỏ. Hội đồng thời trang Thụy Điển - nhà tổ chức chính của sự kiện hai năm một lần tuyên bố rằng họ sẽ không còn tổ chức các sự kiện theo cách truyền thống và muốn thay đổi để thích nghi với nhu cầu mới, đạt được các mục tiêu bền vững và đề ra các tiêu chuẩn mới". Chúng tôi muốn lan tỏa tinh thần sống hòa hợp với thiên nhiên ngay cả trong lĩnh vực thời trang, nữ đại sứ chia sẻ.

Trong không gian đặc biệt của cửa hàng thời trang Chulla nằm ven Hồ Tây, nhiều khách mời cởi mở chia sẻ những quan điểm về phát triển ngành thời trang bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường.

Chị Linh, một viên chức Bộ Công thương chia sẻ rất bất ngờ và hào hứng khi tham gia sự kiện này. Đến đây, tôi thấy sự quan tâm của mọi người tới môi trường. Nhiều người mang đến những đồ mình không mặc nữa nhưng còn mới để đổi những bộ đồ của người khác. Thậm chí, có những bộ đồ cũ được nhà thiết kế của công ty Đan Mạch và Học viện Thời trang London chỉnh sửa có thể mặc lại như mới. Rất thú vị.

Nếu những chương trình thế này được tổ chức trong các cộng đồng nhỏ, các group trên mạng xã hội tôi nghĩ sẽ có nhiều người ủng hộ. Từ đó, cũng phần nào thay đổi cách tiêu dùng hiện nay của không ít bạn trẻ, ham mê mua sắm, thậm chí không dùng đến nhưng vẫn mua.

img
Nữ đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ về xu hướng thời trang bền vững, thân thiện với môi trường
img
Những người tới dự hoạt động hoán đổi quần áo do Hội Cựu sinh viên Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức lựa chọn những bộ đồ phù hợp của bạn bè để dùng lại
img
Những bộ đồ cũ được thiết kế lại mang tới cảm giác tươi mới cho chủ nhân cũ
img
Mục đích của phong trào Mặc lại (Re - dress) nhằm khuyến khích mọi người giảm thiểu mua sắm và tái sử dụng những bộ đồ cũ vẫn còn tốt, giáo dục về quy trình sản xuất và nguyên liệu thô cũng như trao đổi thông tin về thời trang bền vững
img
Những thành viên tổ chức hoạt động Hoán đổi quần áo bảo vệ môi trường mong muốn lan tỏa xu hướng giảm thiểu mua sắm, tận dụng những đồ cũ còn hữu ích để bảo vệ môi trường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.