Hạ tầng

Đổi đời nhờ có đường ven biển

Trong hơn 3.000km đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đến nay, Bộ GTVT và các địa phương đã đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 1.500km

Các đoạn tuyến sau khi hoàn thành phát huy hiệu quả lớn kết nối thông thương, phát triển KT-XH các địa phương.

“Thay da đổi thịt” nhờ đường ven biển

Những ngày giữa tháng 8/2021, PV Báo Giao thông đi dọc tuyến đường ven biển từ cầu Cửa Hội (xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào đến xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều phân đoạn trên tuyến đã hoàn thành xây dựng, giao thông đi lại thuận tiện, êm thuận.

Trong khi đó, đoạn từ đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh qua địa bàn huyện Kỳ Anh đang tổ chức thi công, các đơn vị đang nỗ lực hoàn thành tiến độ đề ra.

img

Tuyến đường ven biển đoạn đứng từ phía Hà Tĩnh nhìn nối sang với cầu Cửa Hội

Kỹ sư Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cho biết, theo hợp đồng, công trình sẽ hoàn thành sau 13 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng.

Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ khơi thông vùng tài nguyên đất đai rộng lớn, tạo thuận lợi để phát triển KT-XH, nhất là kinh tế biển và kinh tế du lịch.
Quảng Ngãi sẽ tổ chức lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến để trong tương lai sẽ hình thành các khu du lịch - đô thị sinh thái dọc tuyến nhằm tận dụng tối đa lợi thế của các bãi biển để phát triển du lịch, phát triển đô thị…
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi


Ngắm nhìn tuyến đường đoạn tuyến qua địa bàn vừa mới hình thành, ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh không giấu được niềm vui: “Tuyến đường qua xã hoàn thành đã kết nối giao thông của các huyện, xã dọc ven biển và các trục dọc lên thẳng QL1. Giờ đây, từ trung tâm xã đi vào Vũng Áng chỉ còn khoảng 20km, ra biển Thiên Cầm chỉ khoảng 11km, rút ngắn được gần nửa thời gian đi lại”.

Ông Lê Viết Hòa, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, dọc chiều dài 137km bờ biển từ Cửa Hội đến Đèo Ngang, Hà Tĩnh có rất nhiều làng mạc nằm ven biển.

Trước đây, giao thông còn cách trở, tiềm năng, lợi thế của khu vực ven biển không phát huy được.

“Sau khi đoạn tuyến cuối cùng hoàn thành, tuyến đường ven biển Hà Tĩnh sẽ nối liền với các vùng kinh tế của Nam Nghệ An và Bắc Quảng Bình với nhiều cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch… tạo nên trục phát triển ven biển cho Hà Tĩnh nói riêng và khu vực nói chung”, ông Hòa cho biết.

img

Thi công tuyến đường ven biển đoạn qua xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Tại khu vực miền Trung, tuyến đường ven biển Võ Chí Công (tỉnh Quảng Nam) hoàn thành, đưa vào khai thác, không chỉ TP Hội An hình thành loạt dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, mà địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ cũng liên tục hút các nhà đầu tư lớn xây dựng khu nghỉ dưỡng, giải trí.

Đáng kể nhất là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An diện tích 985,5ha thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình với số vốn đầu tư đăng ký lên đến 4 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, từ ngày tuyến đường đưa vào khai thác đã kết nối Đà Nẵng và các địa bàn Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, sân bay Chu Lai.

Tuyến đường còn tạo động lực, thu hút đầu tư, hình thành các dự án về khu dân cư, khu công nghiệp và khu du lịch cao cấp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang nỗ lực huy động nguồn lực để đầu tư, kết nối thông suốt tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.

Theo đó, tuyến đường này có tổng chiều dài 110km, bắt đầu tại huyện Bình Sơn, giáp ranh đường ven biển tỉnh Quảng Nam; điểm cuối xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, giáp đường ven biển tỉnh Bình Định.

Theo ông Đỗ Tâm Hiển, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, sau gần 10 năm triển khai xây dựng, hiện giai đoạn 1 dự án tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã thông suốt. Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự án tiếp tục triển khai xây dựng đoạn từ cầu Cổ Lũy (tại xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) đến điểm cuối Phổ Châu, thị xã Đức Phổ.

Đã đầu tư nối thông 1.500km

img

Theo ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ ven biển Việt Nam dài 3.041km, đi qua 28 tỉnh, thành, bắt đầu từ Quảng Ninh, kết thúc tại Kiên Giang.

Theo quy hoạch, tuyến đường ven biển khu vực phía Bắc (từ Quảng Ninh tới Ninh Bình), Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa tới Quảng Trị), miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế tới Bình Định) có quy mô đường cấp III; vùng Nam Trung bộ (từ Phú Yên tới Bình Thuận), Đông Nam bộ (từ Vũng Tàu tới TP.HCM), vùng Tây Nam bộ (từ Tiền Giang tới Kiên Giang) quy mô đường cấp IV.

Với các dự án đường ven biển do Trung ương đầu tư dài hơn 775km, tính đến cuối năm 2020 đã hoàn thành đầu tư 642km. Còn lại, hơn 100km đang triển khai thi công và khoảng 61km đã được phê duyệt dự án đầu tư.

Với các đoạn tuyến do địa phương đầu tư (dài hơn 2.217km) đã hoàn thành đầu tư theo quy hoạch hơn 814km; đang tổ chức thi công 481km.

Các đoạn đã duyệt dự án đầu tư dài 312,2km; đang lập dự án hoặc hoàn thành lập dự án nhưng chưa có nguồn nên chưa phê duyệt dự án đầu tư dài 332km. Còn lại 519km đường ven biển chưa lập dự án đầu tư.

Để nối thông tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai các dự án được giao và phối hợp với các địa phương trong quá trình triển khai các đoạn tuyến thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT nhưng được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương thực hiện đầu tư.

Với tuyến đường ven biển khu vực phía Bắc, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hải Phòng cho biết, tuyến đường ven biển qua Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống người dân vùng ven biển, giúp rút ngắn khoảng cách từ các địa phương khác đến với Hải Phòng, giảm chi phí vận chuyển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.