Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đất đai tương đối rộng, tỉnh Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ ba vùng sinh thái, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, đất liền nhìn ra vịnh Bắc Bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km2. Chính vì vậy, Thanh Hóa là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Sớm trở thành một cực tăng trưởng mới.
Tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới
Chính sách cho xứ Thanh
Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trên cơ sở nội dung Nghị quyết, ngày 28/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW.
Trong đó, xác định rõ việc cấp thiết phải xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao là nền tảng. Các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics tạo đà phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội.
Khu lọc hóa dầu Nghi Sơn Thanh Hóa
Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp. Có vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào. Hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quốc gia quan trọng đi qua...
Đây chính là những tiềm năng khác biệt, cơ hội và là lợi thế cạnh tranh để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một cực tăng trưởng mới, kết nối, thúc đẩy phát triển các tỉnh phía Bắc và cả nước.
Vừa qua, ngày 26/10/2021, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số 4239/QĐ-UBND “về việc phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, trong đó khẳng định: Tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo; du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị hiện đại; đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, ngày 13/11/2021 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Nghị quyết sẽ tạo điều kiện để kinh tế các tỉnh bứt phá nhanh hơn, trong đó tỉnh nằm tại vị trí trung tâm của các vùng như Thanh Hóa.
Theo đó, về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế giá trị gia tăng) nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn…
Được biết, tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Hoạt động đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Cùng với khởi công xây dựng một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo ra diện mạo mới cho tỉnh.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa đang triển khai cũng sẽ là lợi thế cho việc giao thương giữa các khu vực
Môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư
Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW, của Bộ Chính trị đã đề ra; đồng thời, nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã làm việc trực tiếp và trực tuyến với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn như Ngân hàng phát triển Châu Á, Foxconn, WHA (Thái Lan), T&T, TNG, AeonMall, Đại sứ quán các nước Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ấn Độ… nhằm giới thiệu, thu hút đầu tư; ký thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch với Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Viễn thông Mobifone, ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu về đầu tư dự án Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và Hạ tầng KCN số 6 tại KKT Nghi Sơn; thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 9 tháng đầu năm ước đạt 102.914 tỷ đồng (tăng 6,7% so với cùng kỳ).
Cảng biển Nghi Sơn trong Khu kinh tế Nghi Sơn
Ngoài ra, cũng đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số dự án lớn, quan trọng, như: Đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (1.480 tỷ đồng), Bệnh viện đa khoa - Trường cao đẳng Y dược Hợp Lực khu vực Nghi Sơn ( 480 tỷ đồng), Trung tâm đào tạo nghề Tập đoàn Hong Fu tại Khu kinh tế Nghi Sơn (445 tỷ đồng), Trạm nghiền xi măng Long Sơn (1.400 tỷ đồng), Nhà máy may xuất khẩu Speed Motion Thanh Hóa (400 tỷ đồng). Khởi công xây dựng một số dự án lớn như: Dây chuyền 4 Nhà máy Xi măng Long Sơn (4.300 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Đại Dương 2 (3.354 tỷ đồng), Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa (3.000 tỷ đồng), Dự án Khu du lịch sinh thái phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn giai đoạn 1 (533 tỷ đồng)…
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tuy bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 toàn cầu từ năm 2020 nhưng vẫn có 25 dự án được cấp mới đầu tư vào Nghi Sơn, khu công nghiệp Bỉm Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn (22 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 4.431 tỷ đồng và 150 triệu USD. Lũy kế đến nay, đã thu hút được 630 dự án; trong đó có 570 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 156.489 tỷ đồng và 60 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 13,45 tỷ USD.
Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ là một trong những điểm thu hút khách, góp phần phát triển du lịch xứ Thanh
Trong năm qua, các doanh nghiệp tại đây đã xuất khẩu lượng hàng hóa tương đương giá trị hơn 2,92 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 15.000 tỷ đồng, đang giải quyết việc làm cho hơn 95.300 lao động.
Là một trong 8 Khu kinh tế động lực của Việt Nam, được quy hoạch mở rộng lên 106.000ha, Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Bỉm Sơn đã trở thành nhân tố quan trọng cho tỉnh Thanh Hóa mời gọi thu hút các dự án đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Chưa kể đến tuyến dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đường cao tốc Bắc - Nam kéo dài đi qua tỉnh Thanh Hóa kết nối giao thương giữa hai miền Bắc và Trung bộ.
Còn theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu năm 2022 tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa phiên thường kỳ cuối tháng 11/2021 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2021 ước đạt 8,84%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Sản xuất công nghiệp được duy trì và phát triển khá, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 32.420 tỷ đồng, vượt 22% dự toán năm, tăng 3% so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 137.630 tỷ đồng, đã thu hút 87 dự án đầu tư trực tiếp (8 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 23.878 tỷ đồng và 112,7 triệu USD.
Mặc dù năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực và đời sống Nhân dân, nhưng tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Có thể nói, khát vọng phát triển để đưa xứ Thanh trở thành cực tăng trưởng mới càng được nhân lên khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 58-NQ/TW. Nhìn vào các “con số biết nói” đã đạt được trong nhiều năm qua, từ những tiềm năng, lợi thế, trong thời gian không xa, tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận