Tai nạn rách nhãn cầu khi dọn nhà
Ông N.V.T (58 tuổi, trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mắt phải phù nề, đau, nhìn mờ, sợ ánh sáng.
Ông T cho biết trong quá trình dọn dẹp, sửa nhà cuối năm, ông bất ngờ bị một mảnh kim loại văng mạnh vào mắt phải. Tại bệnh viện, ông T được xác định chấn thương rách xé nhãn cầu. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật xử trí tổn thương, bảo tồn nhãn cầu.
Theo BS Nguyễn Hải Dương, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy, quá trình phẫu thuật kiểm tra bệnh nhân có vết rách giác mạc, mống mắt dính mặt sau vết rách, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng yếu. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết rách, lấy bỏ dị vật và khâu giác mạc, tiêm kháng sinh tiền phòng, bảo tồn nhãn cầu, kháng độc tố uốn ván.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục được điều trị kháng sinh, chống viêm. Bệnh nhân rất may mắn khi tới viện sớm, nếu không kịp thời xử trí bệnh nhân có thể mất thị lực vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống.
Theo BS Lưu Thị Quỳnh Nga, Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy, thời điểm cận Tết, Khoa Mắt thường tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nhãn cầu do dị vật cứng, thậm chí dị vật sắc nhọn, văng, va đập mạnh trong quá trình lao động, sinh hoạt như sửa sang, dọn dẹp nhà cửa… Có trường hợp vết thương rất nhỏ nhưng do chủ quan, bệnh nhân không đi khám và sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ chuyên khoa, tự mua thuốc về dùng đã dẫn tới nhiễm nấm vị trí tổn thương, nguy cơ cao mất thị lực vĩnh viễn.
"Người dân cần cẩn trọng, trang bị bảo hộ lao động đối với mắt trong quá trình lao động để tránh những tổn thương nhãn cầu nặng nề. Khi bị tổn thương mắt do dị vật, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được thăm khám, xử trí kịp thời", BS Nga khuyến cáo.
"Sập lưng" vì bê chậu cây cảnh
Gần 1 tuần nay, ông H.V.P (Hà Nội) vừa uống thuốc vừa đi vật lý trị liệu chữa đau lưng cấp của mình. Ông P cho biết tranh thủ ngày cuối tuần, ông lên dọn lại sân vườn, kê lại mấy chậu cây cảnh để chuẩn bị đón Tết. Vừa cúi xuống bê chậu cây khế cảnh, lưng ông bỗng nhói đau rồi toàn bộ phần lưng cứng ngắc. Cơn đau buốt dọc lưng khiến ông không đứng nổi, phải bấm điện thoại cầu cứu cậu con trai lên đỡ xuống phòng.
"Đến bệnh viện, bác sĩ cho hay cơn đau lưng cấp tính là do cơ lưng co thắt, bó chặt, cần uống thuốc, vật lý trị liệu để phục hồi lại. May mắn chỉ co cơ, không ảnh hưởng gì đến thoát vị đĩa đệm", ông P nói.
Theo BS Tăng Hà Nam Anh, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BV Đa khoa Tâm Anh, đau lưng cấp khi dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết là tình trạng có thể gặp phải ở tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị thoái hóa cột sống. Khi bị thoái hóa, hệ thống cơ xương khớp cột sống trở nên yếu hơn và dễ bị kích thích. Lúc này, việc cúi người đột ngột có thể dẫn đến co thắt các cơ vùng cột sống thắt lưng, một trong những nhóm cơ hoạt động mạnh nhất trên cơ thể, gây ra những cơn đau dữ dội. Nghiêm trọng hơn là tình trạng rách các vòng xơ bao quanh nhân đĩa đệm, làm thoát vị cấp, chèn ép rễ thần kinh. Người bệnh không chỉ cảm thấy đau mà còn xuất hiện những cơn tê buốt kéo dài từ lưng xuống chân.
Hầu như năm nào thời điểm cuối năm, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca đau lưng cấp tính do dọn dẹp nhà cửa. Công việc tất bật cuối năm, nhiều người thường làm quá sức, tình trạng cơ vốn không được nghỉ ngơi, cộng thêm chuyện làm sai tư thế nên dễ dẫn đến tình trạng đau lưng cấp.
Lý giải thêm, BS Nam Anh cho rằng ở một độ tuổi nhất định, các khớp trên cơ thể thoái hóa. Cột sống cũng có các khớp để giúp chúng ta cúi người về phía trước, ngửa người về phía sau hoặc nghiêng người, các khớp này cũng bị thoái hóa y như khớp gối vậy. Khi chúng ta cúi lên, cúi xuống quét dọn nhà cửa, khuân bê đồ nặng, các mấu khớp vốn bị thoái hóa sẽ khiến co thắt cơ đột ngột khi co thắt, hoặc khiến nhân đĩa đệm thoát vị chèn dây thần kinh... Tình trạng này gây các cơn đau đột ngột, dữ dội.
Các bác sĩ khuyến cáo trong quá trình dọn dẹp, mọi người cần hạn chế khom cúi lưng, không bưng bê các vật nặng quá sức hoặc nặng hơn 2 kg, nâng nhấc đồ vật đúng cách, tránh rướn người quá mức khi quét bụi trên cao hoặc lau nhà và đừng quên nghỉ ngơi mỗi 30 phút lao động, đặc biệt là khi các cơ có dấu hiệu mỏi. Nếu xuất hiện cảm giác đau, thay vì chờ cho cơn đau tự qua đi, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh để lại hệ lụy đáng tiếc sau này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận