Hạ tầng

Dồn sức khắc phục, gia tăng biện pháp đảm bảo ATGT trước mùa mưa lũ

06/09/2021, 19:19

Để ngăn ngừa thiệt hại, đảm bảo ATGT, cứu hộ cứu nạn... Quảng Nam đang dồn sức chuẩn bị chu đáo phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ.

Chạy đua với thời gian, dồn sức khắc phục hạ tầng giao thông

Là một trong những tuyến đường bị thiệt hại khá nặng trong đợt mưa lũ vào tháng 10/2020, với hàng chục điểm sạt lở, gây đứt đường, sau những tháng ngày tập trung lực lượng khắc phục, đến nay, các điểm, khu vực mặt đường, mái taluy bị sạt lở,sụt lún, hư hỏng trên tuyến QL40B từ TP. Tam Kỳ đến huyện Nam Trà My đã được gia cố, sửa chữa xong và gia tăng các biện pháp đảm bảo ATGT.

img

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 40B, đoạn từ đường vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước có tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng, với chiều dài hơn 17km, đường cấp IV, nền đường rộng 9m.

Không chỉ sửa chữa những khu vực, vị trí bị thiệt hại do đợt mưa lũ năm 2020 tàn phá, tuyến đường QL40B đoạn qua huyện Tiên Phước dài hơn 17km được thi công, mở rộng đã cơ bản hoàn thành. Đến nay tuyến đường cơ bản đã hoàn thành được trên 98% kế hoạch. Hệ thống điện chiếu sáng được lắp đặt trên 50% chiều dài tuyến đường và đang tiếp tục thi công.

Là đơn vị được giao quản lý nhiều tuyến QL và phần lớn các tuyến ĐT ở Quảng Nam, thời gian qua, Công ty CP công trình GTVT Quảng Nam nỗ lực huy động lực lượng nhân công, phương tiện khắc phục, tu bổ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP công trình GTVT Quảng Nam, để chủ động duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường khi xảy ra tình huống, đơn vị đã có phương án dự trữ thiết bị, nhiên liệu, vật liệu, kể cả lương thực, thuốc men, sẵn sàng huy động khi có tình huống xảy ra theo đúng nguyên tắc “4 tại chỗ”.

Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, mùa mưa bão năm 2020 gây thiệt hại nặng kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Nam, ước tính gần 1.550 tỷ đồng.

Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông bị tàn phá nặng nhất là các đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX) ở các huyện: Phước Sơn, Tây Giang và Nam Trà My. Những tuyến đường vào trung tâm các xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) bị hư hỏng gần như hoàn toàn, gây cô lập dài ngày.

img

Nhiều tuyến đường xã, đường thôn khu vực miền núi huyện Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) bị mưa lũ năm 2020 tàn phá hoàn toàn.

So với các tuyến đường tỉnh lộ, QL, tiến độ, công tác khắc phục thiệt hại tại các tuyến đường huyện, đường xã ở các vùng thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm.

Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hiện nay, đối với 3 tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng vào xã Phước Kim, Phước Thành, Phước lộc đã được HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định chủ trương đầu tư. Tổng kinh phí xây dựng 3 tuyến đường và 2 cây cầu ở đây được phê duyệt gần 500 tỉ đồng.

Ông Trung bày tỏ: Hy vọng trong quý 4 này, địa phương sẽ hoàn thành thủ tục đấu thầu, để đầu năm 2022, dự án sẽ được triển khai thi công.

"Để đảm bảo cho người dân đi lại, thời gian qua, địa phương vẫn tập trung nhân lực, thiết bị khắc phục, duy trì thông tuyến bước 1, tạo điều kiện cho bà con ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc ra vào cho an toàn, thuận lợi”, ông Trung thông tin.

img

Các tuyến đường vào xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim (huyện Phước Sơn) đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng.

Chủ động trước mọi tình huống, sẵn sàng ứng phó, cứu nạn cứu hộ

Ông Võ Công Phúc, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Quảng Nam), cho hay: Thời gian qua, công tác khắc phục, sửa chữa các tuyến đường diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với phương án “4 tại chỗ”, các đơn vị, lực lượng thi công đang tiếp tục nỗ lực khắc phục và chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhân lực cho công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Ông Phú cho biết: Để công tác khắc phục đạt hiệu quả, hiện nay, ngành GTVT Quảng Nam đang kiểm tra toàn bộ cầu, đường; những vị trí xung yếu như đường đèo, dốc, cầu yếu; nhưng đoạn thường xuyên bị ngập lụt để bổ sung các cọc tiêu, cọc thủy chí, biển báo tại ngầm, tràn...Nhằm có phương án gia tăng biện pháp bảo vệ công trình, đảm bảo ATGT, phòng ngừa thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Không những vậy, Sở GTVT còn phối hợp với UBND cấp huyện nơi có các tuyến đường tỉnh lộ (ĐT) và QL lên phương án, kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, thiết bị ứng phó với thiên tai, mưa lũ, đặc biệt là các huyện khu vực miền núi như: Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đại Lộc, Quế Sơn, Phước Sơn, Tây Giang.

img

Theo kế hoạch, công tác sửa chữa, khắc phục các tuyến đường giao thông ở Quảng Nam sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10/2021.

Theo ông Tuấn, công tác sửa chữa, gia cố các công trình đường bộ phải hoàn thành trước ngày 15/10. Đối với các công trình nào sửa chữa định kỳ phải hoàn thành trước 30/9. Tuy nhiên, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, Sở GTVT đã đang đôn đốc nhà thầu, đơn vị quản lý tăng tốc, dồn sức thi công để hoàn thành trước thời gian kế hoạch đề ra, trừ hạng mục khởi công muộn, có khó khăn khách quan thì làm xong trong tháng 10/2021.

Ông Tuấn cho biết, đúc kết từ thực tế, kinh nghiệm phòng chống thiên tai, mưa lũ trong những năm qua, năm nay, ngành GTVT Quảng Nam đã sớm chuẩn bị phương án ứng, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo giao thông, phục vụ thông thương hàng hóa, cứu hộ cứu nạn… một cách chu đáo, kỹ càng, theo phương châm "chờ lệnh, lên đường".

"Để làm tốt nhiệm vụ đó, ngoài dự phòng vật tư, máy móc và nhân lực tại các tuyến đường xung yếu thường xuyên ách tắc do mưa lũ, ngành GTVT đã yêu cầu các đơn vị bảo trì phải khảo sát, có phương án huy động phương tiện, thiết bị của các doanh nghiệp khác đang đứng chân lân cận đoạn đường quản lý; thực hiện công việc theo đề xuất của địa phương, nhất là trong tình huống cần đảm bảo giao thông để cứu hộ, cứu nạn", ông Tuấn chia sẻ.

img

Các đơn vị, lực lượng duy tu, bảo dưỡng công trình đường bộ đang nỗ lực khắc phục, gia tăng các biện pháp đảm bảo ATGT trên các tuyến đường trọng yếu trước mùa mưa lũ năm 2021.

Theo ông Tuấn, không chỉ riêng gì đường bộ, Sở GTVT cũng có phương án ứng phó thiên tai đối với đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không. Hiện ngành GTVT có kế hoạch thanh thải, trục vớt các chướng ngại vật trong luồng tuyến, chủ động kéo, thả, điều chỉnh phao báo hiệu trước và sau các đợt lũ.

Đồng thời, xây dựng phương án trung chuyển hành khách nếu đường sắt bị ách tắc cục bộ dài ngày do thiên tai gây ra. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham gia cứu nạn, cứu hộ đường hàng không và đường biển khi có yêu cầu. Huy động phương tiện vận tải sẵn sàng vừa di tản dân trong tình huống gặp thiên tai, vừa phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.