Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer kéo dài 4 ngày từ 13-16/4/2024 dương lịch (nhằm ngày mùng 5-8/3 Âm lịch). Trong những ngày này, sinh khí tại các phum sóc rất sôi động, các ngôi chùa được chỉnh trang.
Rộn ràng đón tết Chôl Chnăm Thmây
Vừa sơn lại căn nhà, lát gạch phía trước sân đón Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, ông Thạch Cưng (ngụ ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi canh tác khoảng 1,3 hec-ta (trong đó, 1 hec-ta trồng lúa 2 vụ, còn lại 3.000 m2 trồng rau màu), giúp tôi mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, Tết cổ truyền năm nay cũng sung túc hơn".
Với đồng bào Khmer, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức. Chùa không chỉ là nơi thực hiện tín ngưỡng tâm linh, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Ông Tăng Bình (ngụ ấp Cos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước đây, khi nhắc đến ấp Cos Thum là nói đến vùng đất nghèo nàn lạc hậu. Thế nhưng, những năm gần đây với mô hình lúa - tôm - cua - cá kết hợp mang thu nhập ổn định cho người dân.
"Với 3 hec-ta áp dụng mô hình sản xuất nói trên, năm 2023, gia đình ông Bình thu lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Riêng, vụ thu hoạch lúa trên đất tôm mới đây là 270 triệu đồng", ông Bình chia sẻ.
Đại đức Hồ Mít, trụ trì chùa Dì Quán (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho biết: Hầu như tất cả các dịp lễ, tết truyền thống trong năm, đồng bào Khmer đều đến chùa. Chuẩn bị đón tết Chôl Chnăm Thmây, chùa Dì Quán vừa hoàn tất xây dựng ngôi Sala cùng với một số công trình phụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử.
Cùng với đó, nhà chùa còn tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao như đua võ lãi, thi đấu bóng chuyền… để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc
Nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn các giá trị truyền thống trong đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương, ông Ngô Vũ Thăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào.
Trong đó, có thể kể đến, như: Đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ học tập, chăm lo về y tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đất ở, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất…
Ông Thăng cho rằng: "Việc thực hiện tốt việc dạy tiếng Khmer không chỉ góp phần nâng cao trình độ dân trí, mà còn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương".
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 17.000 hộ gia đình người Khmer với hơn 75.000 nhân khẩu (chiếm 7,58% dân số).
Thời gian qua, tỉnh đã áp dụng nhiều chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2023, thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", tỉnh Bạc Liêu đã giải ngân gần 42 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề… giúp hàng ngàn hộ gia đình Khmer phát triển sản xuất.
Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo cũng vì thế mà giảm rõ rệt qua từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,6% so với năm 2022.
Ngoài ra, tất cả 22 chùa Khmer trong tỉnh được chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp quan tâm tạo điều kiện tốt để các vị sư và đồng bào phật tử người dân tộc Khmer thực hiện các nghi thức tín ngưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận