Khám phá

Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay

10/04/2023, 12:08

Những ngày này, các ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL đều rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Đây là cái Tết vào năm mới của đồng bào Khmer, diễn ra từ ngày 14 - 16/4 hàng năm. Chol Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam.

img

Vào mỗi dịp lễ hội truyền thống, ngôi chùa luôn là trung tâm thực hành tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer

Với đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL nói riêng, ngôi chùa vừa là trung tâm thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lại vừa có ý nghĩa như một “điểm đến” không thể thiếu vào dịp mừng năm mới.

Bà Sơn Thị Bích ở thị trấn Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Chol Chnam Thmay năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều lên chùa dâng lễ vật, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, gặp gỡ người quen và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.

Riêng ngày 16/4, ngày cuối cùng của Tết, nhà ai cũng chuẩn bị sẵn bình nước ướp hương đem lên chùa làm lễ tắm tượng Phật, cầu mong mọi sự tốt lành”.

Theo báo cáo của ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, toàn vùng có hơn 460 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer.

Ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL, qua lối kiến trúc và trang trí, ngôi chùa Khmer còn thể hiện rõ sự giao thoa, dung hợp giữa các sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc.

img

Đua ghe Ngo cũng là sự kiện đặc biệt của đồng bào Khmer

Hòa thượng Kim Hoàng Hưng, trụ trì chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer đều thực hiện tại chùa.

Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm hướng dẫn bà con thực hiện đúng phong tục, tập quán, bảo đảm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vui tươi nhưng tiết kiệm, tránh lãng phí, sa đà”.

Những ngày Tết, các gia đình đồng bào dân tộc Khmer nào cũng tập trung ăn mặc đẹp, mọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn, thức uống, bánh trái, hoa quả, cá thịt… đầy đủ.

Cho dù giàu hay nghèo, các gia đình đồng bào đều không thể thiếu được bánh tét, bánh ít và bánh gừng… Các loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, dùng để cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên; dùng làm lễ vật, đi chùa và để tiếp khách trong những ngày Tết.

Đêm giao thừa, mọi nhà đều thắp nhang đèn, hoa quả, ly nước ướp hương hoa… cúng trên bàn thờ trước sân nhà để tiễn vị Chư thiên cũ (Khmer gọi là Thần Têu-va-đa) và rước vị Thần Têu-va-đa mới xuống cai quản đất đai, thổ trạch.

img

Trước Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay hơn một tuần lễ, những ngôi chùa đều quan tâm dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan sạch sẽ, thông thoáng

Đồng bào dân tộc Khmer tin rằng hàng năm Thần Têu-va-đa đều luân phiên nhau xuống một vị để cai quản dương thế trong một năm.

Cho nên, đồng bào dân tộc Khmer rất tôn kính, ngưỡng mộ và trong đêm giao thừa mọi người ngồi xếp chân trước bàn thờ sân nhà, khấn vái để vị Thần Têu-va-đa năm mới ban phước lành cho cả gia đình trong năm.

Ngày Tết thứ ba - nhằm ngày 16/4 dương lịch, gọi là “Lơn-sắtk” là ngày có rất nhiều ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Khmer. Buổi sáng mọi người đến chùa dâng huê ẩm thực đến chư tăng. Và chư tăng cùng mọi người tắm các tượng Phật, giữa trưa cùng ngày.

Buổi chiều, đồng bào Khmer mọi người đều cung thỉnh chư tăng đến gia đình tụng kinh cầu siêu cho bàn thờ tổ tiên và những mộ phạm vi gia tộc mình thể hiện lòng thành kính tri ân đến tổ tiên, ông bà đã quá cố trong năm…

Một số hình ảnh đồng bào Khmer chuẩn bị ăn Tết:

img

Không gian, tiểu cảnh trong khuôn viên chùa được chăm sóc chu đáo, trang hoàng rực rỡ

img

Lễ hội này có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar

img

Ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, hầu như ấp, xã nào cũng có một ngôi chùa

img

Nét trang trí chùa, miếu của người Hoa nơi cổng vào ngôi chánh điện chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu), tỉnh Sóc Trăng

img

Ngôi chùa còn mang ý nghĩa như một “điểm đến” không thể thiếu vào dịp đón chào năm mới

img

Nôn nao chờ đón năm mới

img

Trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, nghi thức tắm tượng Phật (diễn ra vào ngày 16, còn gọi là Ngày thêm tuổi) luôn được chờ đợi nhiều nhất với ý nghĩa đưa tiễn mùa khô, đón mùa mưa tới; gột rửa những đều không may mắn của năm cũ để bước vào năm mới với tinh thần thanh sạch

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.