Xã hội

Đồng lương công nhân bao giờ mới mua được nhà ở TP.HCM?

24/04/2022, 16:35

Các nữ công nhân cho rằng với đồng lương công nhân thì không biết đến bao giờ mới mua được nhà ở TP.HCM.

Ngày 24/4, Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức lao động năm 2022, chủ đề chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động.

Tiền đâu mà mua nhà ở thành phố?

Khoác chiếc áo xanh xe ôm công nghệ đến hội trường, chị Nguyễn Thị Phương, chia sẻ: Tôi đang là tài xế xe Grap, là lao động nhập cư, có 1 con trai đang học tiểu học, đang ở nhà trọ. Với mức thu nhập hiện nay khoảng 7 triệu đồng/tháng, chỉ đủ thuê 1 phòng trọ nhỏ với mức 1,5 triệu đồng/tháng và lo chi phí cho cuộc sống hàng ngày của 2 mẹ con nên rất khó có tiền để mua nhà ở tại TP.HCM.

“Cần có giải pháp cho các trường công lập giữ trẻ ngoài giờ hành chính. Xây dựng thêm nhiều nhà trẻ cho con công nhân, và các chính sách hỗ trợ công nhân gởi con ngoài giờ”, nữ công nhân Hà Thị Trang.

“Mỗi quận huyện cần phải xây dựng các chung cư với các loại căn hộ có diện tích phù hợp cho gia đình có 4 người, 3 người, 2 người, giá cả phù hợp với thu nhập trung bình của công nhân, người lao động, bán trả góp với giá cả ưu đãi hoặc cho thuê giá rẻ. Đối với lao động tự do, công đoàn các nghiệp đoàn thành phố cần có quỹ hỗ trợ vay vốn riêng vì hiện nay quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở TP.HCM chủ yếu chỉ dành cho cán bộ, công chức hoặc những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước”, chị Phương đề xuất.

img

Cử tri Nguyễn Thị Phương là tài xế xe ôm công nghệ phát biểu: mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng chỉ đủ sống chứ rất khó để tích luỹ mua nhà ở TP.HCM. Ảnh: Quang Phương.

Cử tri Hà Thị Trang, Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics vina ý kiến: Lương không tăng nhưng vật giá tăng, thêm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đời sống công nhân càng khó khăn. TP.HCM cần có chính sách cho công nhân được mua nhà ở xã hội cũng như xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê giá rẻ để công nhân giảm bớt gánh nặng về nhà ở.

Cử tri Nguyễn Thái Ngọc cho rằng, dù biết các thông tin về đăng ký nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng với mức thu nhập hiện nay của công chức nhà nước thì vẫn không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Vì thế chị Ngọc đề xuất TP.HCM cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho công nhân viên chức ngoài vấn đề vay vốn nên kéo dài thời hơn nữa gian trả góp so với quy định hiện nay. Nếu có đóng tiền trả góp mua nhà thì chiếm khoảng 20 - 25% thu nhập của bản thân.

Cần phát triển thêm nhiều dự án nhà ở xã hội

Để giúp cho công nhân, viên chức có thể mua được nhà tại TP.HCM, các cử tri kiến nghị TP.HCM cần phát triển hơn nữa nhiều dự án nhà ở xã hội.
Cử tri Phạm Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM đặt câu hỏi: Thời gian nào, người lao động có thể tiếp cận được việc đăng ký mua nhà theo đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030”? Và chị đề xuất: Hiện nay, những dự án nhà ở xã hội thường có vị trí cách xa trung tâm thành phố, thiếu sự kết nối hạ tầng giao thông và tiện ích cơ bản. Do đó, chưa thu hút được người dân mua nhà. Chính quyền cần có giải pháp để cải thiện tình trạng trên.

img

Công nhân đang rất cần nơi lưu trú ổn định. Trong ảnh là khu nhà lưu trú mới của khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: CTV.

Còn cử tri Đặng Thị Tuyết Nhung, nêu ý kiến: TP.HCM chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động. Hơn 80% công nhân đến từ các tỉnh hầu hết phải thuê phòng trọ, nhà trọ. Vì vậy, giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ có một số tiện ích cơ bản và an toàn nên được thành phố quan tâm.

"Hiện nay, TP.HCM đã có kế hoạch rà soát và tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội chưa? Giá nhà đất quá cao nên người lao động không thể mua được nhà ở. Chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố có giải pháp để kiểm soát giá nhà đất tăng cao, giá ảo để đưa giá nhà đất về giá trị thực vốn có của nó, phù hợp với túi tiền của người lao động” chị Nhung đề xuất.

Trước ý kiến của nữ cử tri, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nói: Với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, thành phố đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ.

“Trên website của Sở Xây dựng có cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án nhà ở xã hội. Đó là các dự án đủ điều kiện mở bán, pháp lý rõ ràng. Đối tượng được hưởng nhà ở xã hội được quy định rất rõ, có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội”, ông Khiết nói.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nói rằng: Nhu cầu nhà ở đối với người lao động hiện nay rất cao nhưng số dự án, số nhà ở xã hội dành cho người lao động thì rất ít. Do đó nhiều người có nhu cầu, đã chuẩn bị được số tiền ban là ba đến năm trăm triệu nhưng không có nhà xã hội để mua.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến của Hội đồng nhân dân TP.HCM từ 40.950 nữ công nhân, viên chức, lao động, thì có 41% các chị tham gia khảo sát hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố; 64% có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 đến 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50 m2 đến 70m2. Về mức thu nhập, phổ biến từ 5 - 10 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 40%. Khả năng trả nợ: 76% các chị được khảo sát trả lời chỉ có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.