Đủ lý do chậm
Có mặt tại dự án thành phần 1, thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua Đồng Nai), PV ghi nhận, tới nay nhà thầu đã đồng loạt triển khai máy móc thi công dọc tuyến. Tuy vậy, đoạn qua phường Phước Tân, Tam Phước vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt bằng nên chưa thể thi công.
Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng (thứ 2 từ phải qua) trực tiếp tham gia vận động các cá nhân, tổ chức giao đất triển khai cao tốc.
Vừa kiểm tra thực địa, vừa giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác GPMB dự án thành phần 1, ông Mai Phong Phú, Phó giám đốc Ban QLDA bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, đoạn qua TP Biên Hòa đã phê duyệt phương án bồi thường khoảng hơn 64% hồ sơ, đã giao gần 20ha đất cho đơn vị thi công.
Ông Phú lý giải, trình tự thủ tục phải đúng, thời gian niêm yết công khai đến mấy tháng nên hồ sơ bị kéo dài. Nhiều thửa đất nông nghiệp người dân tự phân lô, xây nhà, mua bán bằng giấy tay qua nhiều chủ khiến thời gian tìm chủ đất lâu. Muốn bồi thường cho đối tượng sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng không cư trú tại địa phương phải có xác nhận của xã nơi có đất và nơi người đó cư trú, mất rất nhiều thời gian.
"Khó khăn chính là người dân còn thắc mắc nhiều về giá bồi thường, tái định cư. Nhiều hồ sơ phải tham vấn ý kiến đơn vị chức năng, lấy ý kiến cộng đồng cả tháng", ông Phú nói.
Tương tự, ông Trần Văn Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, dự án thành phần 1 mới giao được 36ha đất, tương đương hơn 46%. Còn dự án thành phần 2 giao 81/151ha, khoảng 54%. Một phần nguyên nhân chậm là do xây dựng khu tái định cư chưa xong. "Tháng 8 này mới cho người dân xây nhà ở khu tái định cư Long Đức sau khi đã bốc thăm nền. Còn khu tái định cư Long Phước mới thi công được 30%", ông Thân nói.
Có mặt bằng vẫn khó thi công
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài có chiều dài 53,7km, đoạn qua Đồng Nai dài 34,2km, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến độ rất tốt, nhà thầu đang chờ thời tiết thuận lợi để thảm bê tông nhựa, thông xe kỹ thuật dịp 30/4/2025. Trong khi đó, đoạn qua Đồng Nai vẫn chưa xong GPMB.
Dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP.HCM đến nay chưa bàn giao hết mặt bằng.
Ở dự án thành phần 1A - Vành đai 3 TP.HCM, trong khi cầu Nhơn Trạch đang băng băng thi công, đường dẫn phía Nhơn Trạch mới hoàn tất giao đất. Tại dự án thành phần 3 (11,2km) cũng qua huyện Nhơn Trạch đến nay vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng.
Ông Nguyễn Thế Phong, quyền Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện còn vướng mắc một số hộ nên huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động.
Ngoài hai dự án mang tính kết nối liên vùng ở trên, tại Đồng Nai còn những dự án của tỉnh dù đến hạn phải xong trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa xong mặt bằng, gồm: Đường trục trung tâm TP Biên Hòa, cầu Thống Nhất, Vàm Cái Sứt, Hương Lộ 2.
Theo ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai, chủ đầu tư các dự án trên, do mặt bằng không bàn giao kịp, các dự án không thể hoàn thành trong năm 2024 như kế hoạch. Đơn vị buộc phải xin chủ trương điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện.
Tương tự, đại diện nhà thầu Lizen, thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cho biết đã huy động máy móc, nhân sự đến thi công dự án thành phần 2 đoạn qua Long Thành, nhưng mặt bằng bàn giao kiểu "xôi đỗ" nên không thể triển khai nhanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban QLDA thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết mặt bằng bàn giao đứt quãng, không liền khoảnh nên thi công khó khăn. Địa phương giao được khoảng 54% mặt bằng nhưng thực tế để thi công được chỉ khoảng 43%. Phần diện tích còn lại do người dân chưa nhận tiền nên chỉ cho phát quang.
Chưa công bố việc giám sát, thưởng phạt
Tại buổi tổng kết chiến dịch "30 ngày đêm" làm GPMB cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lần thứ nhất vào tháng 6/2024, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cao tốc qua hai địa phương, trong đó đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu mặt bằng đã được giao, đường nối dài nhiều đoạn sắp thảm nhựa. Vì vậy lãnh đạo tỉnh đang đốc thúc các đơn vị, địa phương tăng tốc hơn nữa việc GPMB, làm ngày, làm đêm, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. "Nếu chậm giao mặt bằng, đến ngày 30/4/2025 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông xe cao tốc, khi xe đi đến giáp ranh Đồng Nai rồi quẹo ra đi quốc lộ 51 thì Đồng Nai mắc cỡ lắm", ông Đức nói.
Bà con nhường đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu xem hướng tuyến, phương án giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Đồng Nai sau đó gia hạn cho chiến dịch "30 ngày đêm" GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/7, giao Sở Nội vụ thực hiện quy chế giám sát, thưởng, phạt đối với các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện ký kết giao ước.
Tuy vậy, đến nay công tác GPMB với các dự án trọng điểm này vẫn chưa hoàn tất. Tỉnh Đồng Nai vẫn chưa công bố việc giám sát, thưởng phạt đối với công tác GPMB ở các địa phương ra sao.
Ngày 4/8, trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay huyện Long Thành cơ bản giao đủ đất phục vụ thi công. Riêng TP Biên Hòa đang tăng tốc giải quyết các công việc để sớm giao phần diện tích còn lại. "Cơ bản mặt bằng đáp ứng phục vụ thi công. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị làm ngày, làm đêm cả cuối tuần, xuyên lễ để sớm giao đủ mặt bằng", ông Đức khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận