Xã hội

Đồng Tháp sẽ phát triển 3 tuyến cao tốc, 7 tuyến quốc lộ

22/02/2024, 14:11

Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, trung tâm sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Ngày 22/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giao thông đi trước

Theo thông tin tại hội nghị, Đồng Tháp có nhiều lợi thế về mặt giao thông khi có vị trí chiến lược với gần 50km đường biên giới, hai cửa khẩu quốc tế với Campuchia. Các tuyến giao thông kết nối với TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận thuộc khu vực ĐBSCL.

Trong nội dung quy hoạch được trình chiếu tại hội nghị, tỉnh Đồng Tháp định hướng trong thời gian tới, tận dụng nguồn lực từ Trung ương và của địa phương để phát triển ba tuyến cao tốc; 7 tuyến quốc lộ; 18 tuyến đường tỉnh sẽ nâng cấp và kéo dài. Đồng thời, mở thêm 16 tuyến đường mới.

Trên thực tế, tỉnh Đồng Tháp đang hiện thực hóa định hướng vừa nêu với việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm.

Cụ thể, tỉnh đang thực hiện tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.

Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Đồng Tháp sẽ phát triển 3 tuyến cao tốc, 7 tuyến quốc lộ- Ảnh 1.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm đang được triển khai tại Đồng Tháp sẽ mở đường cho thế mạnh của tỉnh vươn xa theo quy hoạch vừa được công bố.

Dự án giao thông quan trọng khác cũng đang được khẩn trương thi công là tuyến tránh thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) dài 14,5km, có điểm đầu nối quốc lộ 30 tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh, điểm cuối tại cầu Phong Mỹ.

Mặt đường thiết kế rộng 11m, vận tốc 80km/h. Ngoài phần đường, dự án còn xây cầu, cống, nhánh ra các điểm giao cắt.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, khởi công trở lại vào ngày 27/7/2022 và dự kiến đưa vào sử dụng trong quý III/2024.

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 có tổng mức đầu tư 2.180 tỷ đồng cũng khởi động trở lại.

Quy mô đây là đường giao thông cấp IV đồng bằng, chiều dài tuyến khoảng 45km, nền đường rộng 9m, mặt đường láng nhựa rộng 7m. Trên tuyến xây dựng mới 27 cầu và 58 cống. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2025 cũng đang được tỉnh khẩn trương thực hiện với mục tiêu đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới…

Mở đường cho thế mạnh vươn xa

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2023, quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh vượt mốc hơn 110.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng và thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng.

Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về tổng sản lượng lúa và đứng thứ tư cả nước về xuất khẩu thủy sản, trong đó cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.

Trong năm qua, với nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động và sáng tạo, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 98% - là năm giải ngân cao nhất, nằm trong tốp đầu cả nước.

Đồng Tháp sẽ phát triển 3 tuyến cao tốc, 7 tuyến quốc lộ- Ảnh 2.

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp mang đến sự phát triển cân bằng để kinh tế - xã hội vươn lên.

Cũng theo ông Nghĩa, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện các thế mạnh, điểm yếu của từng lĩnh vực, quy hoạch tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc, gồm: bốn vùng kinh tế - xã hội, ba hành lang kinh tế và bốn đô thị trung tâm.

"Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ", ông Nghĩa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.