Nhiều bệnh viện còn tiếp nhận những trường hợp bị đột quỵ khi mới 18, 20 tuổi - Ảnh: Tạ Tôn |
Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm
Theo PGS. TS. Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM, thông thường, đột quỵ não được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình của bệnh từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đã có xu hướng ngược khi những năm gần đây, đột quỵ não đang ngày càng trẻ hóa với mức tăng trung bình khoảng 2%/năm. Nhiều bệnh viện (BV) thậm chí còn tiếp nhận những trường hợp bị đột quỵ khi mới 18, 20 tuổi.
Gần đây, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận nam bệnh nhân 30 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ, các bác sĩ đã chụp mạch máu não. Kết quả, bệnh nhân đã bị vỡ mạch máu não, máu chảy tràn vào khoang trống bao quanh não. Được biết, trước đó, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, rồi đột nhiên kêu đau đầu dữ dội, kèm theo co giật toàn thân, nôn ói và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê.
Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não VN, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong, khoảng 30% có thể bị liệt. Càng tái phát nhiều, tỉ lệ tử vong càng lớn. Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ ba sau tim mạch, ung thư và đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. |
PGS. TS. Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, BV Bạch Mai cho biết, đột quỵ là căn bệnh khiến người bệnh tử vong nhanh, nếu không cũng sẽ để lại những di chứng hết sức nặng nề. Theo thống kê của Hội Tim mạch VN, cứ 4 người trong độ tuổi 25-49 thì có một người tăng huyết áp hay mỡ máu cao. Đây lại là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ ở người trẻ. Bên cạnh đó, không ít người trẻ bị đột quỵ do bất thường về mạch máu như bị dị dạng động tĩnh mạch, u thể hang, túi phình mạch não... không phát hiện sớm, khi căng thẳng quá mức hoặc theo thời gian dài mạch máu phình dần ra, gây đột quỵ.
Cũng theo BS. Tôn, trước lúc bị đột quỵ, 80% người bệnh sẽ có dấu hiệu cơn thiếu máu não thoáng qua. Đầu tiên bệnh nhân có cảm giác tê yếu tay chân, tê yếu tay chân cùng bên nửa người hoặc cơn mờ mắt, nói khó, mất kiểm soát tay chân... “Vì là những dấu hiệu thoáng qua nên rất dễ bị bỏ qua, khiến người bệnh mất cơ hội dự phòng sớm”, BS. Tôn cho biết.
Thay đổi lối sống để phòng tránh bệnh
Theo PGS. TS. Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, BV Bạch Mai, sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi bởi các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống hiện đại, công việc bận rộn khiến người ta dần bỏ quên thói quen vận động cơ thể; cùng việc ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều thức ăn công nghiệp… dẫn đến rối loạn chuyển hóa, thừa cân béo phì. Đây lại là tiền đề gây nên các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường... Hơn nữa, ở người trẻ luôn có tâm lý chủ quan, ỷ lại sức khỏe nên không để tâm lưu ý phòng tránh bệnh. Ông Khanh cho hay, nếu nhóm tuổi ngoài 30 nguyên nhân tăng huyết áp chiếm đến 50-60% ca cấp cứu đột quỵ, thì ở nhóm dưới 20 tuổi lại chủ yếu do dị dạng mạch máu não.
BS. Tôn khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ, mọi người hãy từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường tập thể dục. Đặc biệt, những người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường cần thường xuyên lưu ý chỉ số cân nặng, huyết áp… để điều chỉnh cho phù hợp, khám sức khỏe định kỳ.
Đặc biệt với người trẻ, cần thay đổi lối sống, tránh mất ngủ, stress. Duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, đường, tránh thức ăn nhiều muối, ăn nhiều rau, củ, trái cây, vận động thường xuyên 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần/tuần. Bên cạnh đó, cần lưu ý giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh để tránh huyết áp tăng đột ngột. Hàng ngày phải theo dõi sát huyết áp, nếu không được điều trị sẽ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột tử.
Người trẻ không nên chủ quan với những cơn đau đầu thoáng qua. Bởi chính sự chủ quan, không tìm tường tận nguyên nhân gây đau đầu mà không ít người trẻ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm nguy cơ gây đột quỵ.
Theo ông Tôn, “thời gian vàng” đưa bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế chuyên sâu là 4,5-6 giờ đầu. Do vậy, việc nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong. Theo lưu ý của BS. Tôn, có 3 dấu hiệu để nhận biết đột quỵ. Thứ nhất, người bệnh đột ngột tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, hôn mê. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt. Nếu người bệnh có 3 dấu hiệu cảnh báo trên thì chắc chắn là đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận