Cụ thể, sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy NPK Phú Mỹ đạt hơn 480 nghìn tấn, tăng 60% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng đạm ure Phú Mỹ đạt 430 nghìn tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón đạt 550 nghìn tấn, tăng 29% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng đạm ure Phú Mỹ tăng 53% đạt hơn 400 nghìn tấn, sản lượng kinh doanh NPK Phú Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong sáu tháng qua, sản xuất kinh doanh hoá chất đã đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của DPM. Mặc dù doanh thu của các sản phẩm hoá chất chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 10% nhưng lợi nhuận từ nhóm hàng này chiếm gần 12% trong cơ cấu tổng lợi nhuận.
Theo đó, kinh doanh hóa chất đạt 64 nghìn tấn, tăng 70% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng NH3 đạt 32.700 tấn, tăng 207%, sản lượng CO2 đạt 26 nghìn tấn, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo DPM, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và đến sớm làm thiệt hại một diện tích lớn cây trồng, khiến giảm nhu cầu tiêu thụ phân bón thì mảng kinh doanh hoá chất đã bù đắp đáng kể vào kết quả hoạt động sản xuất và lợi nhuận của DPM.
Nhờ kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trong sáu tháng qua, doanh thu hợp nhất của DPM đạt 3.950 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 493 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ và đạt 96% kế hoạch năm.
Đại diện DPM cũng cho biết, mặc dù doanh thu DPM trong sáu tháng qua tăng trưởng không phải quá cao nhưng lợi nhuận vẫn tăng mạnh là nhờ DPM đã kiểm soát tốt và tối ưu hóa các khoản chi phí.
Bên cạnh đó, giá khí đầu vào giảm theo giá dầu thế giới cũng góp phần quan trọng giúp giá thành sản phẩm của DPM giảm theo.
Ngoài ra, nhờ áp dụng tốt các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ nên mang lại hiệu quả cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận