Xã hội

Dự án bauxite: Chưa đóng góp gì đã đòi ưu đãi

20/03/2014, 06:43

Đúng như nghi ngại của dư luận, kết quả bước đầu của nhà máy khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư...

Đúng như nghi ngại của dư luận, kết quả bước đầu của nhà máy khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, đã cho thấy, mức lỗ còn cao hơn dự báo. Trong khi đó, Bộ Công thương thay mặt TKV, lại vừa đề xuất tăng nhiều ưu đãi, giảm một loạt nghĩa vụ tài chính, môi trường, xã hội...


 

Nhà máy bauxite Tân Rai
Nhà máy bauxite Tân Rai


Vượt kế hoạch... lỗ

Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến 31/12/2013, dự án Tân Rai đã xuất khẩu được 160.430 tấn alumin với mức giá chưa đầy 300 USD/tấn, thấp hơn tới 79 USD/tấn so với dự báo. Như vậy, chỉ sau 3 tháng triển khai, Tân Rai đã lỗ "vượt kế hoạch" gần 1,3 triệu USD.

Kết quả này có vẻ chưa đủ làm TKV thất vọng, bởi theo báo cáo, Tập đoàn đã dự kiến, nhà máy Tân Rai lỗ từ 176 - 258 tỉ đồng/năm từ khi vận hành đến năm 2015; nhà máy Nhân Cơ lỗ từ 2015 đến 2020, tổng mức lỗ tới 3.000 tỉ đồng. Khoản lỗ này, được đại diện lãnh đạo TKV cho là "bình thường trong giai đoạn đầu nhà máy đi vào sản xuất".

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quản lý dự án than Đồng bằng sông Hồng (TKV) Nguyễn Thành Sơn, TKV nói như vậy là "vô trách nhiệm trước người đóng thuế". Ông Sơn phân tích, nếu nói "buộc phải lỗ" trong vài năm đầu còn có thể chấp nhận được (vì phải trả gốc và lãi vốn vay), nhưng sau vài năm lỗ, mức lãi phải tăng lên rất nhanh tới 18-30%, thì tính tổng thể cả đời dự án mới gọi là có hiệu quả. Quả thực, theo báo cáo của TKV, với dự án Tân Rai, TKV phải vay gần 11.000 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư (trên 70%) thì chỉ  riêng tiền lãi suất hằng năm doanh nghiệp này phải trả đã lên tới 600 tỉ đồng.  

"Tôi tin, hiện TKV đang rất “đau đầu”, chứ không “ngon ăn” như Bộ Công thương nghĩ (và giải trình). Riêng về dòng tiền (Cash Flow), nếu không có các mỏ than ngoài Quảng Ninh gánh cho thì trên Tây Nguyên TKV đã “sập tiệm” từ lâu rồi. TKV có thể “sập tiệm”, nhưng ngành Công nghiệp than ngoài Quảng Ninh mà “sập tiệm” thì việc đảm bảo năng lượng cho nền kinh tế sẽ có vấn đề", ông Sơn cảnh báo.

Tăng ưu đãi, giảm nghĩa vụ

Mặc dù nghĩa vụ đóng thuế có thể tiếp tục trì hoãn, do thời gian lỗ kéo dài trong bối cảnh rủi ro gia tăng, Bộ Công thương, thay mặt TKV lại đề xuất giảm một loạt các nghĩa vụ tài chính, môi trường, xã hội. Cụ thể, cơ quan chủ quản của TKV đề xuất giảm cả chục lần mức phí bảo vệ môi trường, từ 30.000 - 50.000 đồng/m3 xuống còn 7.000 đồng/m3; cho phép chủ đầu tư chỉ thuê đất có thời hạn thay vì phải đền bù cho người dân bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng; áp dụng mức thuế suất GTGT 0%, đồng thời giảm thuế tài nguyên cho quặng bauxite. Ngoài ra, bộ này đề xuất áp dụng giá bán điện cho các nhà máy điện phân nhôm chỉ vào khoảng 1.200 - 1.200 đồng/kWh; đặc biệt là, đề xuất giảm mức đầu tư cho hồ chứa bùn đỏ tại nhà máy Nhân Cơ, bằng cách giảm kích thước đập ngăn, rút ngắn hệ thống đường ống... để tiết kiệm đầu tư, thời gian thi công...

Đề xuất giảm chi phí đầu tư hồ chứa bùn đỏ không được Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân đồng tình. Là người từng giám sát dự án này, ông Nhân nhận xét: "Tôi thấy những khoang chứa bùn đỏ mới chỉ đạt yêu cầu chứ không thể nói là thiết kế với độ an toàn quá cao, làm tăng thêm chi phí xây dựng. Công trình bảo vệ môi trường chỉ có làm tốt hơn chứ không thể làm không bằng cái trước. Chủ đầu tư hoàn toàn có thể nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí, hạ giá thành chứ không thể làm giảm hệ số an toàn của hồ chứa. Bởi nếu xảy ra sự cố, chi phí xử lý có khi tốn gấp trăm lần". Ông Nhân nêu quan điểm, TKV không thể đổ lỗi cho áp lực của dư luận và lại càng không có cơ sở để yêu cầu nhà thầu điều chỉnh để tiết kiệm đầu tư, thời gian thi công mà vẫn đảm bảo an toàn.
 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng:

Chủ đầu tư có sức gánh lỗ từng đấy năm?

Liên quan đến kết luận của Bộ Công thương về việc xây dựng hai khoang bùn đỏ đầu tiên "an toàn quá mức cần thiết", tôi cho rằng, phải tính toán kĩ, bởi khu vực Tây Nguyên có địa hình cao, khi xảy ra sự cố, hậu quả đối với đời sống dân cư là khó lường.

Bộ Công thương cũng tính đến năm thứ 8 sẽ có lãi và năm thứ 13 hoàn vốn. Thông thường, làm càng lớn, tăng công suất thì hệ số thu lãi nhanh hơn nhưng kéo theo tăng quy mô đầu tư, khó khăn về vốn (nhất là phần vay nước ngoài). Như vậy, liệu chủ đầu tư có gánh được khoản lỗ từng đấy năm không? Đó là chưa kể phải tính đến việc thay đổi công nghệ có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư cũng như khả năng thu hồi vốn.

Trưởng ban QLDA than Đồng bằng sông hồng Nguyễn Thành Sơn:

Miễn, giảm tất thì đóng góp gì cho xã hội?

Theo kinh tế thị trường “lãi” = “doanh thu” – “chi phí”. Trong trường hợp hai dự án bauxite của TKV, "chi phí" thì phải bao gồm thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí môi trường... Lãi có thể bằng 0, ngân sách không thu được thuế doanh nghiệp, nhưng ít ra phải thu được thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên. Nếu “ưu đãi” cả thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí môi trường như Bộ Công thương đề xuất thì dự án đóng góp gì cho kinh tế - xã hội? Tôi cho rằng, trong trường hợp hai dự án bauxite, có thể hiểu “ưu đãi” là “xin”, không chỉ cho hai dự án này, mà “ưu đãi” cả cho những bất cập trong quản lý về tài nguyên khoáng sản của Bộ Công thương.


Thảo Nguyên - Minh Thành
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.