Dịch Covid-19 bùng phát, cả tỉnh Nghệ An phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+, nhưng nhờ những cách làm riêng, biện pháp chủ động, các công trình giao thông ở Nghệ An vẫn giữ vững tiến độ thi công, nhiều công trình chuẩn bị cán đích.
Dù mới triển khai được 3 tháng nhưng nhiều đoạn thuộc dự án Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền giai đoạn 2 đã chuyển sang giai đoạn láng nhựa mặt đường.
Phòng dịch ở dự án mở đường vùng biên, giúp xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Những ngày này tại dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền giai đoạn 1, tranh thủ nắng lên, các nhà thầu đang lắp đặt hệ thống hộ lan, biển báo. Những đoạn mương cuối cùng cũng đang được hoàn thiện để chuẩn bị bàn giao.
Ở giai đoạn 2 của dự án, tuy mới bắt đầu thi công từ giữa tháng 7, nhưng đến nay tất cả 5 nhà thầu trên tuyến đều đã làm đạt và vượt tiến độ đề ra.
Dẫn tôi đi dọc tuyến, kỹ sư Nguyễn Sỹ Nam – cán bộ tư vấn dự án, cho biết: Kể từ khi bắt đầu triển khai dự án đến nay, Nghệ An đã phải trải qua 3 lần bùng phát dịch, trong đó có 2 đợt dịch tháng 6 và tháng 8 là ảnh hưởng trực tiếp tới dự án.
Bản thân kỹ sư Nam cũng từng trở thành F1 trong lần về Vinh đưa xe đi sửa. Tuy nhiên, công trường vẫn không vì dịch mà phải nghỉ ngày nào. 100% kỹ sư công nhân đều an toàn giữa đại dịch.
Kỹ sư Hồ Đức Tiến – Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Xây lắp 469, cho biết: "Tháng 7, chúng tôi nhận tuyến và đưa hơn 100 kỹ sư công nhân vào công trường thì tháng 8 bùng dịch.
Từ đó đến nay, 100% anh em được tổ chức ăn ngủ nghỉ tại công trường. Quá trình làm việc tất cả thực hiện theo chu kỳ khép kín 3 tại chỗ, người trong công trường không tiếp xúc với người ngoài.
Khi cần thêm nhân công thì thuê luôn lao động địa phương, người ở bản làng không có dịch, trước khi tới công trường đều phải có kết quả test PCR âm tính. Ngoài ra, đơn vị còn mua 2 tủ lạnh lớn để tích trữ thực phẩm tươi sạch cho anh em.
Địa hình hiểm trở, đường độc đạo, vật liệu đắt đỏ khan hiếm, dịch bệnh... nhưng vẫn không cản được bước chân của các những kỹ sư, công nhân ngành giao thông trong công cuộc mở đường xóa nghèo.
Đứng chỉ huy máy 4 máy xúc đào đất đá giữa lưng chừng trời, một bên núi cao, một bên là vực sâu hun hút, Kỹ sư Trương Văn Hà – Chỉ huy trưởng công trường Công ty Bắc Miền Trung, cho biết: Công việc đào bạt mái taluy mở đường ở giữa vùng rừng núi là vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Chưa nói đến chuyện đi lại mà chỉ cần tìm được chỗ dựng lán an toàn, có nước sinh hoạt cho anh em đã là vấn đề nan giải. Chúng tôi phải thuê nhà xin ở cùng dân bản nhưng cũng cách công trường 2km.
Khu vực này không có điện, không có nước sạch... đơn vị phải đầu tư cả bồn chứa, máy lọc nước, máy phát điện chạy điều hòa buổi trưa cho anh em ngủ nghỉ. Ngày dịch thì đưa cả tủ lạnh tới bảo quản thực phẩm.
Có thời điểm, đơn vị còn chi tiền cho tiểu thương test PCR 3 ngày/lần để họ giúp mình đưa hàng từ thị trấn vào. Nhờ vậy, anh em yên tâm làm việc, không ai bỏ về giữa chừng, tiến độ thi công đảm bảo.
Đến giờ khối lượng đào bạt mái taluy đã đạt 45.000/68.000 m3. Dự kiến cuối tháng 10 sẽ chuyển qua làm nền đường và, tháng 2 năm sau láng nhựa.
Theo kỹ sư Nam, thời gian thi công trong hợp đồng là 12 tháng. Nhưng để sớm có đường cho người dân đi lại và phát triển kinh tế, lãnh đạo Sở chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào tháng 4/2022 - Chính thức đưa xã Mường Ải và Mường Típ ra khỏi “danh sách xã trắng” vì không có đường ô tô vào trung tâm xã.
Nói về phòng chống dịch ở dự án vùng biên, không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng biên phòng. Kỹ sư Nam nói “Khu vực triển khai dự án là vùng biên giáp Lào nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây dịch từ bên kia biên giới.
Suốt thời gian qua, nhờ anh em biên phòng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở mà các nhà thầu cũng chủ động kiểm soát chặt kỹ sư công nhân, không để ai rời khỏi phạm vi công trường hoặc vượt sông, vượt đồi sang đất bạn”.
Dự án nâng cấp mở rộng QL15 đã có lúc ngừng trệ vì đại dịch, nhưng nhờ các biện pháp chủ động và sáng tạo nên đến nay các đơn vị đã thi công vượt tiến độ dự kiến.
Ưu tiên vaccine, tiêm tại công trường
Còn tại Dự án nâng cấp mở rộng 14,6km đường QL15 (đoạn qua huyện Nam Đàn và Đô Lương), công tác thi công thuận lợi hơn khá nhiều.
Dự án triển khai từ tháng 6/2021, nhưng đến nay đã hoàn thành trên 70% khối lượng. Sở GTVT Nghệ An và các nhà thầu đang phấn đấu cuối tháng 11 năm nay sẽ cơ bản hoàn thành (rút ngắn tới 10 tháng so với hợp đồng).
Nhớ lại thời gian 1 tháng dịch bùng phát, 2 huyện cùng thực hiện giãn cách xã hội cao hơn Chỉ thị 16, kỹ sư Hà Trung Dũng – cán bộ điều hành dự án, kể: Khi đó, mọi thứ gần như đình trệ.
Mặt bằng vướng không được tổ chức họp dân nên không giải phóng được. Một số kỹ sư công nhân sợ dịch bỏ về. Trong khi theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh thì các dự án giao thông trọng điểm vẫn phải triển khai, không vì dịch mà chậm tiến độ.
Lúc này, lãnh đạo Sở đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt 5k theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở còn yêu cầu điều chỉnh phương thức tổ chức công trường: 100% kỹ sư công nhân làm việc 3 tại chỗ; test Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần; quá trình ăn nghỉ, làm việc đều tuân thủ việc giữ khoảng cách giữa người với người.
Đặc biệt, Sở còn đề xuất tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho gần 300 kỹ sư, công nhân tại công trường. Nhờ vậy, mọi người mới yên tâm ở lại công trường làm việc, tiến độ thi công không những được đảm bảo mà còn được đẩy nhanh lên rất nhiều.
“Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 5 dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, gồm: Dự án đường ven biển giai đoạn 1, Dự án đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền, Dự án nâng cấp mở rộng QL15A, Đường Vinh Cửa Lò, dự án LRAM và nhiều dự án khác.
Hiện tại đã có dự án Vinh – Cửa Lò về đích, 2 dự án bước sang giai đoạn nước rút để chuẩn bị về đích, riêng dự án Mường Xén – Ta Đo – khe Kiền giai đoạn 2 cũng đã vượt tiến độ đề ra.
Có được kết quả này là nhờ vào việc Sở đã kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, phù hợp diễn biến dịch. Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng một mô hình kiểm soát phòng dịch chuẩn, áp dụng chung cho tất cả các nhà thầu ở các dự án.
Ngoài những quy định chung của tỉnh, mô hình này còn quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện với từng bộ phận. Ví như: kỹ sư công nhân của nhà thầu tới công trường phải test PCR âm tính, thực hiện 5k, test định kỳ 3 ngày/lần; xe máy thiết bị, kể cả xe vận chuyển vật liệu, phải được Sở duyệt danh sách, niêm yết tên đơn vị lộ trình di chuyển, có lệnh điều động để khai báo khi qua chốt kiểm dịch...
Ngoài ra, Sở cũng gắn trách nhiệm cho cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát trong công tác kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thực hiện; chịu trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra...” – ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận