Đường bộ

Đủ điều kiện khai thác cát biển khu B1 của tỉnh Sóc Trăng

25/12/2023, 19:43

Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Sóc Trăng chuyển giao kết quả dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Chiều 25/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chuyển giao kết quả Dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm việc với tỉnh Sóc Trăng về cát đắp nền cao tốc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160,3km2, tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đối với diện tích B1 đủ điều kiện chuyển giao đơn vị khai thác ngay theo NQ43/2022/QH15.

Đồng thời, kiến nghị, đơn vị khai thác áp dụng giải pháp công nghệ khai thác hợp lý theo điều kiện khí tượng, hải văn khu vực đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị thêm, trong quá trình khai thác, cần thực hiện công tác quan trắc giám sát môi trường nước biển, trầm tích, thay đổi địa hình đáy biển và xói lở, bồi tụ bờ biển. Đồng thời, đánh giá các diện tích còn lại của đề án để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho khu vực ĐBSCL để giảm áp lực khai thác cát sông.

Đủ điều kiện chuyển giao khai thác cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 2.

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, về thí điểm cát biển cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Giao thông vận tải cơ bản hoàn thành giai đoạn thí điểm cát biển, đang hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Trên cơ sở kết quả thí điểm hiện trường, các nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia, cơ bản là có thể sử dụng được cho dự án đường cao tốc", Thứ trưởng Lâm cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, đối với nhu cầu vật liệu cát hiện nay, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3. Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long bố trí nguồn được 85%, đã khai thác một số mỏ, đang làm các thủ tục để khai thác toàn bộ các mỏ cát.

"Tuy nhiên, thực tế đến nay chỉ đưa vào hiện trường được khoảng hơn hai triệu m3, để dự án hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2025, thì năm 2023 sẽ thi công hoàn thành 35% khối lượng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Trong đó, chủ yếu là đắp nền đường. Đến ngày 30/6/2024, hoàn thành đắp nền đủ 18,5 triệu m3. Sau đó, chờ lún 12 tháng, rồi mới triển khai thi công kết cấu mặt đường", Thứ trưởng Lâm cho hay.

Đủ điều kiện chuyển giao khai thác cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 3.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL" cho đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng, yêu cầu cát đắp nền đường cho dự án cao tốc rất cấp bách. Khi hoàn thành các thủ tục, tổng số các mỏ cát cấp cho dự án hiện nay có thể khai thác được 50.000m3 cát/ngày. Để hoàn thành theo kế hoạch cần tăng số lượng mỏ, tăng sản lượng khai thác lên mới đáp ứng được yêu cầu.

"Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các ban quản lý dự án lập hồ sơ nghiên cứu. Các tuyến cao tốc còn lại sẽ được triển khai trong giai đoạn 2026-2030, như cầu Cần Thơ 2, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu… cần khối lượng cát lớn, dự kiến cần trên 50 triệu m3 cát đắp nền", Thứ trưởng Lâm thông tin thêm.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để sớm đưa vào khai thác mỏ cát

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng băn khoăn, đối với việc khai thác cát biển, tỉnh Sóc Trăng chưa có tiền lệ, nên quy trình thủ tục còn lúng túng. Sau khi bàn giao, rất mong Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho tỉnh trong việc lập các thủ tục để khai thác sớm nhất có thể.

"Hiện nay, để khai thác cát biển ở khu B1, để giao mỏ cho nhà đầu tư khai thác theo cơ chế đặc thù, qua nghiên cứu trong hồ sơ của các dự án chưa có khu mỏ đã khảo sát. Trong khi thời gian rất cấp bách, mong các bộ, ngành Trung ương và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận giúp tỉnh Sóc Trăng bổ sung hồ sơ để đưa các mỏ vào trong hồ sơ dự án", ông Lâu chia sẻ.

Đủ điều kiện chuyển giao khai thác cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 4.

Bản đồ khu vực khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lâu cho rằng, đây là nguồn tài nguyên của Quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chứ không phải tài nguyên của tỉnh Sóc Trăng, nên tỉnh sẵn sàng chia sẻ tài nguyên này cho các dự án trọng điểm của quốc gia, chứ không chỉ riêng của ĐBSCL.

"Tỉnh Sóc Trăng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa vào khai thác, khi đầy đủ các cơ sở pháp lý", ông Lâu nói.

Về băn khoăn của tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, các mỏ cát khai thác theo cơ chế đặc thù không phải làm thủ tục thăm dò, không phải làm thủ tục đánh giá tác động môi trường, nhưng phải đăng ký khai thác. Không được khai thác cát phục vụ ngoài các công trình đã đăng ký, khai thác phải đúng khối lượng đã đăng ký, kiểm soát được sản lượng khai thác.

"Đã áp dụng cơ chế đặc thù là không cấp giấy phép, chỉ đăng ký khu vực khai thác, tọa độ, công suất, các biện pháp bảo vệ môi trường và nghĩa vụ tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương", ông Kiên nhấn mạnh thêm.

Trước đó, sáng 9/12, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ bàn giao hồ sơ mỏ cát cho nhà thầu thi công dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có 5 mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, mỏ MS 03 thuộc khu 4 của quy hoạch, diện tích 52,9833ha, trữ lượng 1.190.520m3 (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách); Mỏ MS 05 thuộc khu 5 có diện tích 100ha, trữ lượng 3.360.000m3 (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); Mỏ MS 06, thuộc khu 5, diện tích 57,3ha, trữ lượng 1.978.133m3 (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); Mỏ MS 11, thuộc khu 6 với diện tích 73,62ha, trữ lượng khoảng 1.987.740m3 (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề và xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung); Mỏ MS 14, thuộc khu 5, với diện tích 167,93ha, trữ lượng 2.518.950m3 (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung).

Năm hồ sơ mỏ cát được giao cho bốn nhà thầu thi công để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công các gói thầu xây lắp của dự án thành phần 4.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.