Giảm thuê mặt bằng để tiết kiệm chi phí
Theo thường lệ, những ngày cận Tết Nguyên đán là thời điểm các trung tâm thương mại nhộn nhịp mua, bán hàng Tết. Đường đi, lối lại bị thu hẹp, nhường chỗ cho những quầy hàng. Nhưng năm nay, tình trạng mua sắm có phần vắng vẻ, nhiều kiot đóng cửa.
Ghi nhận của Báo Giao thông những ngày cận tết Giáp Dần 2024, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Royal City, Vicom Nguyễn Chí Thanh... ảm đạm, khách đến mua sắm giảm rõ rệt.
Các chợ truyền thống nổi tiếng như chợ Hôm (Đức Viên, Hai Bà Trưng), chợ Hàng Da (Hà Nội) thường chen chúc kẻ mua, người bán thì năm nay cũng có nhiều kiot phủ bạt.
Chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên bán hàng tại trung tâm thương mại Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ sau giai đoạn dịch Covid-19, không ít nhãn hàng tại trung tâm thương mại này phải trả lại ki-ốt, mặt bằng khi lượng khách mua sắm ngày càng giảm sút.
Nhiều sàn thương mại điện tử cuối năm liên tục tung ra các mã giảm giá, miễn phí vận chuyển gây áp lực không nhỏ đến các nhãn hàng phải thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ ở trung tâm thương mại, các tuyến phố Hà Nội.
Chị Phạm Thị Thanh Xuân, chủ một nhãn hàng thời trang ở một trung tâm thương mại trên phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội, cho hay công ty chị đang kinh doanh mặt hàng quần áo, thời trang tại trung tâm tâm thương mại Hà Nội.
Năm 2023 lượng khách sụt giảm đến 30-40%, lợi nhuận thu về không gánh nổi chi phí mặt bằng nên phải thu gọn, trả lại mặt bằng ở một số trung tâm thương mại, chuyển sang đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng tình hình chung hiện nay là sức mua kém, giảm sút rõ rệt so với trước dịch Covid-19.
Cuối năm 2023, lượng lớn doanh nghiệp tại Hà Nội phải đối mặt với các khó khăn tài chính, thận trọng khi đưa ra các quyết định trung hạn như mở rộng chi nhánh, mặt bằng kinh doanh, đồng thời dịch chuyển sang bán hàng online. Những lý do này khiến các trung tâm thương mại ế khách.
Vì sao giá thuê vẫn tăng?
Dù "ế" khách nhưng giá thuê sàn kinh doanh ở trung tâm thương mại vẫn tăng. Theo báo cáo của CBRE, năm 2023, thị trường bán lẻ Việt Nam chào đón nhiều dự án mở mới và dự kiến năm 2024 cũng sẽ là một năm nhộn nhịp của thị trường bán lẻ.
Năm dự án mở mới tại Hà Nội với tổng diện tích cho thuê gần 40,000 m2. TP.HCM sẽ có hai trung tâm thương mại quy mô lớn khai trương với tổng diện tích cho thuê của cả hai dự án gần 70.000 m2.
Theo CBRE, thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục duy trì mức tăng trưởng giá thuê. Trong năm 2023, giá thuê tại các vị trí đắc địa tiếp tục tăng nhờ sự gia nhập và mở rộng tích cực của các nhãn hàng cao cấp và hạng sang.
Tại Hà Nội, giá thuê tầng trệt tại khu vực trung tâm ở mức 162 USD/m2/tháng (2,7 triệu đồng/m2/tháng), tăng 13% so với năm trước. Tại TP.HCM, giá thuê trung bình khu vực trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng 6% so với năm trước.
Tại khu vực ngoài trung tâm, các dự án mới khai trương tại Hà Nội nâng mức giá thuê trung bình lên hơn 30 USD/m2/tháng (5,5 triệu đồng/m2/tháng), tăng 12% so với năm trước. Khu vực ngoài trung tâm TP.HCM, nguồn cung khan hiếm giúp mức giá thuê tăng mạnh lên 51 USD/m2/tháng (1,1 triệu đồng/m2/tháng), tăng 28% so với năm trước.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho rằng trung tâm thương mại tại Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm của các thương hiệu quốc tế.
Theo bà Hằng, 5 năm qua và dự báo 5 năm tới được dự báo tiếp tục tăng vọt doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam đã góp phần hình thành động lực cho việc mở rộng và kéo các hãng mới mở về thị trường Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận