Du lịch

Du khách mê mẩn vườn chà là 4.000m2 của lão nông bỏ điện ảnh về quê

19/09/2023, 15:06

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Xuân ở xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). 30 năm trước, ông bỏ nghề điện ảnh và bắt đầu câu chuyện có hậu với cây chà là.

Bỏ nghề điện ảnh

Một ngày đầu tháng 9, khi những cây chà là đang cho trái vàng mọng, PV Báo Giao thông có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Văn Xuân, chủ vườn chà là Xuân Trang.

Ông kể, để có được vườn chà là rộng 4.000m2 như hiện nay là cả một câu chuyện dài. 

Vào những năm 1993 - 1994, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Đồng Tháp di chuyển từ Sa Đéc lên Cao Lãnh.

Bỏ nghề điện ảnh, bén duyên với cây chà là - Ảnh 1.

Vườn chà là của ông Xuân đang cho trái vàng sum suê.

Thời gian này, ông Xuân đang là nhân viên thuộc Công ty Điện ảnh Đồng Tháp. Công việc chính của ông là phụ trách kỹ thuật cho công ty, với nhiệm vụ là mở/tắt máy chiếu phim.

Đắn đo giữa việc theo nghề thì phải xa gia đình, còn ở lại với gia đình thì phải bỏ nghề điện ảnh. Cuối cùng, ông Xuân chọn ở bên gia đình và bỏ nghề điện ảnh gắn bó gần chục năm.

"Lý do tôi không theo nghề điện ảnh nữa là vì lúc đó đường sá ở Đồng Tháp rất khó đi, lương của nhân viên công ty lại không nhiều. Trong khi công việc trồng hoa kiểng là nghề truyền thống của gia đình ở làng hoa Sa Đéc", ông Xuân nói.

Bén duyên với cây chà là

Với đôi bàn tay khéo léo cùng bộ óc sáng tạo của người làm điện ảnh, công việc trồng hoa kiểng với ông Xuân không khó. Khó nhất là tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra.

Nhờ mối quan hệ với đồng nghiệp cũ, ông Xuân được giới thiệu đầu mối mua bán hoa kiểng lớn bên Thái Lan.

Sau những chuyến hàng xuất ngoại thành công và được thị trường đón nhận, ông vẫn đau đáu mong muốn làm phong phú thêm các loại giống hoa kiểng ở xứ mình và đã tìm đến cây chà là. Ông đem về 30 cây từ 4 đến 5 năm tuổiđang mang trái về trồng thử nghiệm tại làng hoa Sa Đéc.

Bỏ nghề điện ảnh, bén duyên với cây chà là - Ảnh 2.

Chà là trồng 2 năm là đã bắt đầu cho trái, mỗi cây cho khoảng 100 ký trái tươi.

Tuy nhiên, khi về Việt Nam trồng một thời gian cây không phát triển, chỉ mang trái được vụ duy nhất rồi "im re". 

Không nản lòng, một thời gian sau ông Xuân tiếp tục nhập chà là về trồng và những lần sau này cây chà là thích nghi tốt, đặc biệt là khu vực đất cát pha.

"Chà là rất ưa khí hậu nóng ẩm và muốn cây phát triển tốt phải chăm tưới nước. Cây sinh trưởng tầm 3 năm sẽ cho trái chín, rất ít sâu bệnh, chỉ đề phòng đuông dừa phá hoại phần đọt cây", ông Xuân chia sẻ.

Bỏ nghề điện ảnh, bén duyên với cây chà là - Ảnh 3.

Ông Xuân trồng thành công chà là Khonaizy có nguồn gốc từ Iran.

Hiện tại, vườn chà là của ông Xuân có trên 200 cây tầm 4 năm tuổi, trong đó hơn 180 cây chà là Barhi có nguồn gốc Ả Rập.

Mỗi năm, chà là cho trái một vụ, từ thời điểm ra hoa đến thu hoạch mất 6 tháng. Khi chín, trái chuyển từ sắc xanh sang vàng rất đẹp mắt.

Khi trồng nhà vườn có thể tự thụ phấn cho cây để tăng khả năng đậu trái. Trọng lượng mỗi ký chà là dao động từ 80 đến 100 trái, giá bán tại vườn 350.000 đồng/ký.

Trong khi đó, số còn lại thuộc giống chà là Khonaizy có nguồn gốc từ Iran, khi chín có màu đỏ và giá bán tại vườn 450.000 đồng/ký.

"Mỗi cây chà là như vậy cho khoảng 100 ký trái, với số lượng hiện tại, nhiều người đặt mua mà không đủ bán", ông Xuân nói.

Bỏ nghề điện ảnh, bén duyên với cây chà là - Ảnh 4.

Chà là Khonaizy khi chín có màu đỏ rất đẹp mắt.

Chà là rất khó nhân giống bằng các kỹ thuật chiết, ghép, giâm thậm chí ươm từ hạt lên đều không cho trái chất lượng như mong muốn. 

Chỉ duy nhất phương pháp nuôi cấy mô và hiện tại chỉ có Thái Lan là thực hiện thành công nên đây cũng là khó khăn khi cây giống ông Xuân cũng phải phụ thuộc vào thị trường nước bạn với số lượng nhập về tương đối nhỏ giọt.

Thế nên, giá thành cây giống ông cung cấp ra thị trường cũng khá cao, cây từ 2 năm tuổi có giá khoảng 8 triệu, còn cây đã mang trái giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.

Sản phẩm du lịch mới ở làng hoa Sa Đéc

Những năm gần đây, vườn chà là của ông Xuân luôn là lựa chọn của khách tham quan mỗi khi đến làng hoa Sa Đéc. 

Khu vườn được bố trí khá ấn tượng với hàng cây thẳng tắp, mỗi cây cách nhau khoảng tầm 2-3 mét. Điều này tạo cảm giác cho du khách như bước vào thế giới Ả Rập với vườn chà là chín mọng, vàng tươi.

Bỏ nghề điện ảnh, bén duyên với cây chà là - Ảnh 5.

Khách đến tham quan vườn chà là của ông Xuân ở xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).

Trung bình mỗi ngày, vườn chà là của ông Xuân đón khoảng 100 lượt khách đến tham quan. Riêng vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, tết nơi đây có hơn 1.000 lượt khách đến trải nghiệm và check-in. 

Đến đây, du khách không cần trả tiền mua vé vào cổng. Đó cũng là cách ông Xuân làm thương hiệu để quảng bá hình ảnh làng hoa Sa Đéc đến với du khách gần xa.

Chị Lương Kiều Diễm - du khách đến từ TP.HCM nói: "Tôi đến làng hoa Sa Đéc và cũng ghé vườn chà là này nhiều lần. 

Mỗi lần ghé thấy vườn luôn được chăm sóc cẩn thận nên cảm giác rất dễ chịu. Nhiều tấm ảnh chụp với vườn chà là cũng tạo nên sự khác biệt so với các điểm tham quan khác".

"Từ khi có vườn chà là thì làng hoa Sa Đéc cũng có thêm sản phẩm du lịch mới. Điều này tạo nên sự phong phú thu hút khách tham quan nhiều hơn. 

Chúng tôi luôn khuyến khích các hộ dân đổi mới và tìm ra các loại cây mới lạ nhằm tạo nên sự đa dạng chủng loại hoa kiểng tại làng hoa", bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.