Theo đại diện Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, từ nay đến hết tháng 1, dự kiến có 6 chuyến bay charter của Vietjet từ Trung Quốc đến Cam Ranh.
Chuyến bay đầu tiên từ sân bay Song Lưu Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đến sân bay Cam Ranh ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Quý Mão).
Chiếc nón lá miền Trung tạo ấn tượng thu hút du khách Trung Quốc
Khách đi trên các chuyến bay charter của Vietjet đa phần là người Việt bị kẹt lại ở Trung Quốc, đại diện các đơn vị lữ hành Trung Quốc quay trở lại Khánh Hòa để khảo sát sản phẩm du lịch, kết nối lại việc kinh doanh. Vì thế, sẽ không có nhiều khách du lịch trong những chuyến bay đầu tiên này.
Với việc Trung Quốc “mở cửa” trở lại trong dịp cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 2/1, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa đã có văn bản gửi Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh bố trí một đường line riêng phân luồng du khách Trung Quốc, 100% hành khách phải mang khẩu trang và được kiểm soát thân nhiệt bằng máy đo tự động.
Đối với trường hợp nghi ngờ sốt, ho, khó thở thì được kiểm dịch viên đưa vào cách ly tạm thời làm mẫu xét nghiệm xử lý theo quy trình chống dịch.
Các nhân viên làm việc tại bộ phận xuất nhập cảnh, kiểm dịch được yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn.
Bà Lê Thị Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Du lịch, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa, công ty đã tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch; chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế… để sẵn sàng cho mọi tình huống.
Theo ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Nha Trang - Khánh Hòa, dù lượng khách chưa nhiều song việc khách Trung Quốc quay trở lại sau 3 năm gián đoạn là tín hiệu vui đối với du lịch Khánh Hòa nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.
Với cơ sở vật chất hiện có, cùng kinh nghiệm phục vụ khách Trung Quốc trước đây, du lịch Khánh Hòa đã sẵn sàng đón khách trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cần rà soát lại dịch vụ lưu trú, nhà hàng, huy động và đào tạo thêm nhân sự…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần khảo sát, điều chỉnh sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu du khách.
Ngay sau khi có thông tin khách Trung Quốc sẽ trở lại, nhiều khách sạn đã lên kế hoạch kiểm tra hệ thống phòng ốc để đảm bảo chất lượng; rà soát lại phương án phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đón khách.
“Khách Trung Quốc sẽ được phục vụ như các đối tượng khách khác, không có sự phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, khi khách quốc tế ngày càng đông, dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ nên chúng tôi sẽ siết chặt các giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19”, ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa (thuộc HHDL Nha Trang - Khánh Hòa) chia sẻ.
Tương tự tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhận định, khách Trung Quốc là một thị trường lớn về du lịch của Đà Nẵng trong thời gian qua.
Do đó, việc có những tín hiệu tích cực về thị trường khách du lịch Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy khôi phục du lịch thành phố trong thời gian tới.
Ngành du lịch thành phố sẽ chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong việc phục vụ các thị trường trọng điểm khách quốc tế trong đó có khách Trung Quốc.
Năm 2022, du lịch Đà Nẵng đã phục hồi và tăng trưởng tích cực: Tổng lượt khách lưu trú đạt 3,69 triệu lượt (tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 đạt 50%).
Trong đó, khách quốc tế đạt 483.000 lượt, (tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 đạt 20%). Doanh thu đạt 21.300 tỷ đồng, phục hồi tương đương bằng 100% so với năm 2019.
Năm 2023 phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15%-20% so với năm 2022.
Để thu hút du lịch, thời gian tới, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển và quảng bá các nhóm sản phẩm có lợi thế, làm mới các sản phẩm phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm.
Trong đó theo thứ tự ưu tiên với 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc trưng (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp - gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch M.I.C.E, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái); sản phẩm chính (du lịch đêm, du lịch đường thủy, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (gồm du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục).
Khách du lịch Trung Quốc tham quan biển, đảo Khánh Hòa trước dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Xoang - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho hay, từ năm 2015- 2019, thị trường chính của đơn vị là Trung Quốc, nên khi có thông tin, chính sách mở cửa trở lại thì đơn vị không khỏi vui mừng.
Hiện chúng tôi đang có sự chuẩn bị trở lại đó là hướng dẫn viên, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, xe…sẵn sàng đón khách.
“Thị trường Trung Quốc là thị trường quốc tế mở cửa sau cùng nhất; đơn vị chúng tôi đang xem xét cùng đối tác ở Trung Quốc lên kế hoạch sẽ mở các đường bay thuê chuyến vào khoảng giữa tháng 3/2023", ông Xoang nói.
Ông Nguyễn Văn Duẩn - Giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury cho biết: "Về cơ bản, đón dòng khách Trung cần chuẩn bị thêm về khâu ẩm thực là chính, ngoài ra cần đào tạo nghề cho lao động, còn vấn đề phòng ốc, cơ bản không có gì khác biệt. Nói chung các khách sạn sẵn sàng đón khách khi có tín hiệu mở cửa”, ông Duẩn chia sẻ.
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, với điểm đến Đà Nẵng năm 2019, khách Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường khách quốc tế và đa phần đi theo tour, giá rẻ.
Tuy nhiên, hiện nay khách đa phần chuyển qua đi lẻ, theo gia đình. Hệ sinh thái cho tour giá rẻ sẽ không còn nữa.
Các doanh nghiệp lữ hành đang chuyển hướng tạo nhiều hoạt động, trải nghiệm, chất lượng hơn cho du khách thay vì đánh vào giá cả như trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận