Âm nhạc

Du lịch mở cửa, nhà hát “tỉnh giấc”

31/03/2022, 06:07

Tại Hà Nội, một số nhà hát thường xuyên kết hợp với du lịch bắt đầu “tỉnh giấc” sau một thời gian dài “đóng băng”.

Du lịch mở cửa trở lại cũng là lúc họ tất bật chuẩn bị những sản phẩm mới nhất, đặc sắc nhất để biểu diễn ngay khi có khách.

Nghệ sĩ háo hức sau thời gian dài xa sân khấu

Tranh thủ bán hàng online, làm đồ ăn, đi ship hàng là cách anh Hữu Hiệp - diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam kiếm thêm thu nhập trong những tháng phải nghỉ vì đại dịch. Việc biểu diễn phải ngừng nên mất thu nhập biểu diễn, anh chỉ còn lương cố định hơn 4 triệu đồng/tháng.

img

Nhà hát Múa rối Thăng Long đã bắt đầu những suất diễn cuối tuần

Bởi thế, ngay khi được nhà hát gọi đi tập luyện, anh Hiệp vô cùng phấn khởi. Với anh, nỗi lo cơm áo gạo tiền là một phần, nhưng “thèm” nhất là được trở lại sân khấu sau một thời gian dài.

“Thật sự thì tôi u uất vì nhớ sân khấu! Gần Trung thu năm ngoái, tôi còn mang bộ đồ Chú Cuội ra treo để đỡ nhớ nghề. Sau đó được đi tập lại, tôi với mấy anh em hồ hởi, tập xuyên trưa mà không quan tâm đến thời gian. Lúc mở cửa ra mới biết trời đã xẩm tối”, anh kể và cho hay, bản thân cảm thấy may mắn hơn một số đồng nghiệp, bởi đã có nhiều người phải nghỉ việc do tinh giản biên chế, giảm gánh nặng chi phí của nhà hát.

Việc các suất diễn có thể trở lại thế nào phụ thuộc vào lượng khách và phụ thuộc vào nội dung sản phẩm của nhà hát có hấp dẫn, đặc sắc hay không. Bởi, trên địa bàn Hà Nội, một số nhà hát khác cũng cạnh tranh, biểu diễn cho khách du lịch.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam


Phấn khởi, háo hức cũng là tâm trạng của hầu hết các nghệ sĩ khi sân khấu Thủ đô khi được trở lại biểu diễn. Thời gian qua, các nhà hát như: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam – những đơn vị nghệ thuật thường xuyên phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, đã rục rịch chỉnh trang cơ sở vật chất, bắt tay luyện tập, dàn dựng những chương trình mới.

Theo đó, Nhà hát Múa rối Thăng Long đang chọn kịch bản, lên kế hoạch dựng vở và các trích đoạn múa rối truyền thống, khai thác các làng rối để chọn các tiết mục đặc sắc nhất nhằm phục vụ khách quốc tế.

Theo nghệ sĩ Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát, khách quốc tế trước đây chủ yếu quen với 17 tích trò cổ nên với lần trở lại này, đơn vị muốn làm mới để có điểm hấp dẫn hơn, thay đổi từ kịch bản, nâng cao tạo hình con rối…

Đồng thời, thay vì lấy thế mạnh rối nước như trước đây, nhà hát cũng bắt đầu khai thác và kết hợp rối cạn.

Ngay bên cạnh, Nhà hát Múa rối Việt Nam đang tích cực dàn dựng chương trình “Âm vang đồng quê” kết hợp múa rối nước, rối cạn, dàn nhạc dân tộc và múa.

Dự án này chủ yếu chắt lọc các tiết mục biểu diễn đặc sắc từng dàn dựng, sưu tầm những trò diễn cổ của các phường rối, kết nối lại thành một chương trình và nâng cấp tạo hình con rối, âm thanh, ánh sáng, décor sân khấu, phục trang… để tạo diện mạo mới.

Trong khi nhiều nghệ sĩ liên tục trở thành F1 hoặc F0 thì 2 đoàn của Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn sắp xếp tập luyện, chuẩn bị 2 chương trình để phục vụ khách quốc tế tại rạp Hồng Hà khi có thể.

Đây là hai chương trình theo dự án diễn cho khách quốc tế từng được diễn những năm qua. Những trích đoạn tuồng biểu diễn tại khu phố cổ giờ đây sẽ có các màn tương tác với khán giả, giới thiệu nhiều hơn về ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này.

Nhà hát còn phục dựng vở diễn mang tên “Không còn đường nào khác” nói về cuộc đời hoạt động của nữ tướng Nguyễn Thị Định và phong trào Đồng khởi Bến Tre, để chuẩn bị ra mắt thời gian tới.

Nơi le lói hy vọng, nơi vẫn hắt hiu

img

Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có một số đơn vị đặt lịch biểu diễn cho tour khách nước ngoài

Từ khi các nhà hát khác còn im ỉm, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chính thức mở cửa đón khách từ tháng 2 vừa qua.

Hiện tại, nhà hát đã sáng đèn vào thứ 7 hàng tuần, biểu diễn các show múa rối nước cổ truyền và các chương trình múa rối tạp kĩ.

Số khách dù chưa kín rạp nhưng đã đạt khoảng 40 - 50% với khoảng 50 - 60 vé/suất diễn (giá vé dao động từ 100.000 - 200.000 đồng). Đáng chú ý, khách đến có khoảng 1 nửa là những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Bà Thanh Hiền vui mừng tiết lộ, từ trước khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch vào ngày 15/3, nhà hát đã nhận được một số hợp đồng đặt lịch diễn cho khách tour của các đơn vị du lịch.

Những ngày qua, công tác dọn vệ sinh, phun khử khuẩn thường xuyên, dọn bể nước, sửa chữa con rối… cũng khiến các nghệ sĩ tất bật.

“Khán giả của nhà hát 100% là khách có yếu tố nước ngoài. Khi dịch bệnh, đóng cửa thì không hoạt động với rối nước, chỉ hoạt động với rối cạn nên cũng túc tắc. Năm qua, chúng tôi thất thu nặng. Doanh thu từ mảng du lịch xuống 0%”, bà Thanh Hiền thổ lộ. Để có thể thu hút khách trở lại dịp này, đơn vị đang tích cực quảng bá hình ảnh vở diễn, nhà hát trên website, fanpage, Zalo… và các nền tảng mạng xã hội, có những cơ chế ưu đãi cho khách tour du lịch.

Cũng không khá hơn là bao, từ một nhà hát 365 ngày “đỏ đèn”, Nhà hát Múa rối Việt Nam “âm” nguồn thu từ mảng khách du lịch trong hai năm qua. Trước đây, mỗi ngày nhà hát có 2 - 7 suất diễn/ngày, 1.500 buổi diễn/năm cho khách du lịch nhưng giờ là số 0. May thay, mảng nội địa vẫn khai thác được dù không quá nhiều. Năm 2021, sân khấu thiếu nhi diễn được khoảng 200 buổi, còn năm 2020 được khoảng 300 buổi.

Theo chia sẻ của NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, nguồn thu từ khách du lịch là nguồn thu chính của nhà hát nên hai năm dịch bệnh, đơn vị bị tổn thất nặng nề. Hiện tại, đơn vị đã có một số ngày diễn được các công ty du lịch đặt đến tháng 7, tháng 8 nhưng chưa nhiều.

“Dịch bệnh còn phức tạp nên chúng tôi mới tái khởi động và khai trương lại vào đầu tháng 4, nhưng xác định chưa có khách ngay. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải chờ xem lượng khách vào Việt Nam như thế nào”, ông Dũng chia sẻ.

Không may mắn được như những đơn vị bạn, Nhà hát Tuồng Việt Nam chưa có được hợp đồng nào với khách du lịch cho đến thời điểm này. Nhà hát cũng tham gia những buổi xúc tiến du lịch, đi phát tờ rơi, nhờ các cơ quan quản lý định hướng cho các công ty du lịch, cũng như sẵn sàng chương trình, địa điểm, giảm giá vé cho tour du lịch… nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Ông Tạ Văn Sốp, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam thừa nhận, một trong những lý do khiến tình cảnh vẫn ảm đạm bởi khâu marketing còn hạn chế. Do kinh phí không có quá nhiều nên khó tìm được nhân lực làm marketing giỏi.

“Hiện tại, đơn vị đã ký kết với Sở Văn hóa Hà Nội để tái khởi động chương trình biểu diễn thường xuyên vào cuối tuần ở khu phố cổ. Khi nào có thông báo, các nghệ sĩ sẽ đi biểu diễn ngay”, ông Sốp nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.