Bất động sản

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nguyên tắc lập quy hoạch cũ?

17/02/2023, 07:00

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũ, chưa đúng tinh thần NQ18-NQ/TW.

Điều 60, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 8 nguyên tắc để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, các quy định có nhiều điểm chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương.

img

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (ảnh minh hoạ)

Ông Nghiêm cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 18, quy hoạch Quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Nhưng khoản 1, Điều 60 của dự thảo về Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại quy định: "Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất Quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất". Hay khoản 4 nêu quy hoạch "được lập từ tổng thể đến chi tiết".

Như vậy, dự thảo đang giữ nguyên tắc quy hoạch từ trên xuống, chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 18.

Hay nói cách khác, Nghị quyết 18 đặt ra yêu cầu quy hoạch ngang "đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển", quy hoạch phát huy được lợi thế đặc trưng từng vùng, địa phương; thì dự thảo giữ nguyên tắc quy hoạch cũ, áp từ trên xuống, yêu cầu các quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên, thiếu tính linh hoạt, chưa phát huy tính thế mạnh, đặc trưng vùng, địa phương trong quy hoạch.

Nghị quyết 18 cũng có nêu: "Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất". Điều này nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là trong thời gian qua có hiện tượng doanh nghiệp xin tài trợ quy hoạch xong "tranh thủ" đăng ký luôn dự án đầu tư.

Thì Điều 72 dự thảo lại quy định: "Cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thuê tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất".

Như vậy, nguyên tắc này cũng chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết, bởi nhà nước hoàn toàn có nguồn lực về kinh tế, tổ chức bộ ngành, vụ viện, chuyên gia...có thể chịu trách nhiệm quy hoạch.

Do đó, ông Nghiêm cho rằng, cần phải sửa nguyên tắc chung theo đúng tinh thần của NQ18, từ đó làm nền tảng cơ sở để chỉnh sửa các quy định liên quan.

Được biết trước đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.

Một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách địa phương eo hẹp, việc xã hội hóa kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đánh giá một quy hoạch do doanh nghiệp tài trợ để địa phương lập có minh bạch hay không là không hề dễ. “Nếu hoạt động này núp bóng “lợi ích” dưới dạng này hay dạng khác, thì cơ quan có trách nhiệm và người dân địa phương cũng khó phát hiện”, chuyên gia này chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.