Xã hội

Đua nhau “xẻ thịt” dòng sông đẹp nhất Hải Phòng

09/08/2023, 06:09

Ngang nhiên lập hàng loạt bãi tắm, xây nhà, các công trình lấn chiếm hành lang sông là thực trạng đang diễn ra tại sông Giá, Hải Phòng.

Lấn chiếm lòng sông làm bãi tắm

img

Người dân tự ý làm kè, bơm cát tạo thành những bãi tắm tự phát ở sông Giá.

Những ngày đầu tháng 7/2023, khảo sát dọc bờ sông Giá và các kênh thủy lợi đấu nối với dòng sông này, PV Báo Giao thông phát hiện nhiều đoạn sông, kênh mương đang bị xâm lấn.

Sông Giá qua địa bàn xã Ngũ Lão (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một trong những đoạn bị lấn chiếm nhiều nhất. Chỉ trên một đoạn sông dài khoảng 500m nhưng có tới 3 bãi tắm tự phát.

Theo tìm hiểu, những địa điểm trên đều là đất đấu thầu của một số hộ dân với chính quyền địa phương. Ban đầu, các hộ gia đình trên trồng rau màu và cây ăn quả trên những bãi bồi ven sông.

Tuy nhiên, do nhu cầu vui chơi, giải trí và bơi lội của người dân, các hộ dân đã thuê người bơm, hút cát trái phép tạo thành những bãi tắm tự phát để thu tiền dịch vụ.

Họ hạ những ống cống với đường kính 40 - 50cm rồi đổ cát vào đó để tạo thành những bờ kè vững chắc, tránh sạt lở và tiến hành xây bờ kè, đổ bê tông tạo thành những khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông để bày bàn ghế phục vụ nhu cầu vui chơi của khách.

Theo quan sát, mỗi bãi tắm trên đều xâm lấn ra lòng sông hàng trăm hoặc cả ngàn m2. Một người bán hàng tại bãi tắm của bà N ngay sau nhà máy nước Ngũ Lão cho biết: “Gia đình họ phải bỏ tới 400 triệu đồng để thuê hút bùn, cát và xây bờ kè để tạo nên bãi tắm này. Chính quyền có xuống kiểm tra nhưng chỉ xử phạt hành chính và những bãi tắm này đã tồn tại nhiều năm nay”.

Hiện dọc hai bờ sông Giá, có khoảng gần 10 điểm lấn chiếm lòng sông bằng việc bơm hút cát để hình thành bãi tắm.

Cơi nới bờ sông làm công trình kiên cố

img

Hàng loạt công trình lấn chiếm hành lang sông Giá.

Ngoài việc lấn chiếm dòng chảy sông Giá, những điểm vui chơi trên còn xây dựng những công trình tạm hoặc nhà ở kiên cố để phục vụ những hoạt động kinh doanh tự phát.

Các công trình đều có diện tích khá lớn, từ vài chục đến cả trăm m2 nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Sau một thời gian hoạt động, lượng khách đông, họ lại mở rộng diện tích xây dựng và lấn chiếm.

Tại xã Minh Tân, trên một nhánh sông thuộc sông Giá gần đập Minh Tân, một số hộ dân có đất ở sát bờ sông cũng cơi nới, mở rộng ra lòng sông.

Sau khi xây nhà trên phần diện tích được cấp sổ đỏ, họ tiếp tục xâm lấn ra lòng sông với những công trình phụ trợ để phục vụ kinh doanh hoặc nhu cầu sinh hoạt gia đình.

Trong khi đó, tại xã Quảng Thanh, công trình xây dựng trị giá hơn chục tỷ đồng cũng ngang nhiên xâm chiếm kênh Hòn Ngọc với diện tích khoảng 200m2.

Sau khi công trình trái phép trên sắp được đưa vào sử dụng đã bị chính quyền huyện Thủy Nguyên phát hiện và thực hiện cưỡng chế vào cuối tháng 6 vừa qua.

Sau đó, UBND huyện Thủy Nguyên xử lý cách chức chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, những công trình trái phép, xâm lấn dòng chảy, xâm lấn công trình thủy lợi tại địa phương vẫn diễn ra tràn lan.

Tại thôn Hà Phú 3, xã Hòa Bình, nhiều năm trước, sông Giá có một nhánh sông được người dân địa phương gọi là sông Con. Trước đây, thuyền bè hàng chục tấn có thể di chuyển dễ dàng tại nhánh sông này nhưng do bị lấn dần, hiện lòng sông bị thu hẹp, bé như một cái rãnh thoát nước nhỏ.

Ngay ở đầu nhánh sông nối với sông Giá, có hộ gia đình còn tự ý xây cống, xây tường bao để chiếm mặt sông thành khuôn viên vườn.

Hiện nay, xuất hiện trào lưu mua đất ở dọc bờ sông Giá làm nhà ở, nhà hàng và các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí. Với cảnh quan hai bên sông đẹp, thơ mộng nên nhiều người đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhà, nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

Tình trạng này khiến dọc bờ sông Giá và các kênh thủy lợi bị lấn chiếm lòng sông càng diễn ra sôi động hơn.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, huyện đã nắm được thông tin về các bãi tắm tự phát ven sông Giá và lập nhiều đoàn kiểm tra. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã ra nhiều văn bản yêu cầu các xã có các bãi tắm tự phát nhanh chóng chấn chỉnh.

“Địa phương cũng rất lo lắng về các bãi tắm tự phát này vì nếu chẳng may để xảy ra tai nạn đuối nước thì hậu quả sẽ khó lường. Tuy nhiên, địa phương cũng không thể canh gác, ngăn chặn 24/24h được nên người dân vẫn lén lút ra các khu vực bãi sông này tắm”, ông Hoàng nói.

Trước thông tin chủ các bãi tắm tự phát này thu tiền người đến tắm, ông Hoàng cho biết, theo báo cáo của các xã, không có hiện tượng thu tiền vào bãi tắm mà là một số người thu tiền gửi xe, nước uống của người đến tắm.

Cha chung không ai khóc?

Đại diện Trạm Quản lý đường sông sông Giá cho biết: “Nhiều năm nay, chúng tôi gần như bó tay với những trường hợp lấn chiếm lòng sông. Vì sự chồng chéo giữa các đơn vị quản lý, lại hạn chế về năng lực xử lý, nên khó có thể ngăn chặn hoàn toàn hiện trạng này”.

Ngay trước mặt trụ sở trạm quản lý đường sông là một nhà hàng nổi đã tồn tại hơn chục năm qua, khiến nhiều người dân bức xúc, phản ánh rất gay gắt. “Chúng tôi không đủ thẩm quyền để xử lý. Hiện nay sông Giá có 4 - 5 cơ quan cùng tham gia quản lý nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ môi trường”, ông Phượng nêu thực trạng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên thông tin thêm, việc quản lý sông Giá được thành phố giao cho trạm quản lý đường sông và Công ty Khai thác công trình thủy lợi, chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm phối hợp xử lý vi phạm.

Về quản lý địa giới hành chính, sông chảy qua địa bàn xã nào, thuộc quyền quản lý của xã đó. Về quản lý mặt nước thuộc Công ty Khai thác công trình thủy lợi, chức năng quản lý về lĩnh vực khai thác, nuôi thả thủy sản trong hồ sông Giá lại thuộc Trung tâm Giống nuôi trồng thủy sản. Một đơn vị khác cũng quản lý sông Giá là trạm quản lý đường sông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.