Các VĐV điền kinh quốc gia tham dự Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2018. Ảnh: Tuổi trẻ |
Có thể kể ra một vài cái tên nổi bật như Nguyễn Thị Oanh - HCĐ ASIAD, 2 HCV SEA Games; Quách Thị Lan - VĐV số 1 cự ly 400m và 400m rào; Dương Văn Thái - VĐV số 1 của 800m và 1.500m.
Thực tế, những VĐV này đều đang theo học chương trình Đại học TDTT. Tuy nhiên, có hai vấn đề được đặt ra ở đây. Thứ nhất, các VĐV trọng điểm được ngành Thể thao đầu tư để hướng tới những kỳ cuộc đỉnh cao như SEA Games, ASIAD hay cao hơn là Olympic chứ không phải đi tranh huy chương ở một giải đấu dành cho sinh viên đơn thuần. Thứ hai, việc tham dự một sân chơi dưới tầm không giúp các VĐV có tích lũy về mặt chuyên môn.
Câu chuyện này khiến người viết liên tưởng tới việc các địa phương đua nhau đưa các VĐV đỉnh cao dự Đại hội Thể thao toàn quốc để vơ vét huy chương. Ở đây, hai vấn đề nêu trên cũng khiến giới chuyên môn trăn trở. Sự chênh lệch giữa VĐV chuyên nghiệp, quanh năm ăn tập để hướng tới đấu trường quốc tế với VĐV bán chuyên hoặc phong trào khiến Đại hội Thể thao gần như không có điểm nhấn chuyên môn.
Dễ dàng nhận thấy, việc để VĐV đỉnh cao dự hai Đại hội vừa nêu không nằm ngoài mục đích vơ vét huy chương. Đó là biểu hiện của căn bệnh thành tích và phải nhấn mạnh rằng nó không hề cũ, lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Những nhà quản lý, người có trách nhiệm không phải không nhận ra, chỉ là họ không đủ dũng cảm để thay đổi. Thể thao, suy cho cùng chỉ mang tính chất giải trí, cộng đồng. Nhưng trong một xã hội thể thao được đề cao như Việt Nam, thể thao lại có thể giải quyết được nhiều thứ. Hình dung đơn giản, một vị Giám đốc Sở TDTT địa phương nếu muốn tiến lên một vị trí cao hơn thì buộc phải có thành tích. Có lần tâm sự với tôi, một cựu VĐV nổi danh chia sẻ rằng, thể thao ở Việt Nam nói riêng, ở những nước đang phát triển nói chung luôn gắn liền với chính trị, chức quyền. Vậy nên, chẳng ngạc nhiên khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) luôn tồn tại việc nước chủ nhà tìm mọi cách vơ vét huy chương, thậm chí xử ép trắng trợn các đoàn bạn.
Quay trở lại với căn bệnh thành tích tại Việt Nam, ngoài ngành Giáo dục hay ngành Thể thao sẽ còn nhiều “tệ nạn thành tích” khác nữa. Đặt trong môi trường như thế, muốn triệt tiêu căn bệnh thành tích quả thực không dễ, nếu không muốn nói là cực khó. Nhưng để có một nền thể thao phát triển, chúng ta không thể trông chờ vào những tấm huy chương vô bổ như trong các kỳ Đại hội Thể thao sinh viên hay Đại hội Thể thao toàn quốc. Cái thể thao Việt Nam cần là thành tích ở các đấu trường quốc tế xứng tầm. Mà để có được điều này, các VĐV cần có sự chuyên biệt trong định hướng thi đấu, chứ không phải lăn xả vì… bệnh thành tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận