Nhìn hình ảnh cây xăng Thanh Nhã tại Km 1578+800 thuộc địa bàn xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) không ai nghĩ nó được đấu nối trái phép vào QL1. Bà Đỗ Thị Yến Nhi, Đội trưởng Đội TTGT Cục QLĐB IV khẳng định, nếu không có giấy phép đấu nối, kiên quyết không cho cây xăng này đi vào hoạt động. Nhưng cơ quan cấp phép đấu nối không phải Cục QLĐB IV.
Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ việc đấu nối trái phép ra QL1 đang tồn tại ở nhiều địa phương. Ngang nhiên hơn, có những đoạn QL1 được rào chắn bằng dải hộ lan tôn sóng bị người dân, doanh nghiệp tháo dỡ để mở lối đi đấu nối ra quốc lộ.
Điều đáng nói, những điểm đấu nối trái phép này phần lớn được “bật đèn xanh” của địa phương. Một dự án đầu tư với quy mô hàng nghìn mét vuông, chủ doanh nghiệp tháo cả chục mét hộ lan, đổ hàng nghìn mét khối đất đấu nối trực tiếp ra quốc lộ rầm rộ thi công mà địa phương không biết gì? Có trường hợp Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với địa phương đi kiểm tra, lập biên bản đình chỉ thi công, nhưng khi lực lượng rút, bàn giao lại cho địa phương, việc san lấp lại tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Khi dự án đã hoàn thành, chủ doanh nghiệp mới làm các thủ tục để xin đấu nối ra quốc lộ. Địa phương vin cớ là vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nên đề nghị cấp phép đấu nối. Điều này đặt ngành quản lý đường bộ trước tình thế sự việc đã rồi.
Nhà nước đã bỏ ra hơn 100.676 tỷ đồng để thực hiện và hoàn thành đại dự án nâng cấp mở rộng QL1 lên 4 làn xe, có dải phân cách giữa, hộ lan 2 bên, hành lang an toàn 7m. Tổng diện tích đất phải GPMB phục vụ các Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ lên đến khoảng 1.500ha, với khoảng 7.500 hộ dân phải tái định cư. Vốn dành cho GPMB lên đến khoảng hơn 8.600 tỷ đồng. Thực tế cũng chứng minh, các dự án nâng cấp mở rộng QL1 sau khi hoàn thành đã góp phần đáng kể xóa các điểm nghẽn giao thông tại các địa phương; giao thương, đi lại được thuận tiện hơn, giảm chi phí vận tải và TNGT.
Thế nhưng gần đây các địa phương lại cấp phép một cách vô tội vạ cho việc xây dựng cây xăng, nhà hàng, thậm chí là cả khu dân cư dọc tuyến nhưng không mở đường gom mà để dân mở đường đấu nối tràn lan ra QL1. Nhiều đoạn đứng trước nguy cơ bị “đô thị hóa”, kéo theo những hệ lụy về sau nếu ngay từ bây giờ không có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Một công trình quốc gia có ý nghĩa quan trọng bị xâm phạm, nếu việc xử lý chỉ dừng ở phạt hành chính, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu dường như chưa đủ sức răn đe. Chính quyền địa phương không thể lấy lý do phát triển kinh tế - xã hội để “hợp thức hóa” những vi phạm đấu nối, bởi suy cho cùng điều này không chỉ gây nguy cơ tiềm ẩn TNGT mà còn lãng phí nguồn lực khổng lồ chúng ta phải bỏ ra để đầu tư. Và trên hết là tình trạng “nhờn” luật, bắt cơ quan Nhà nước phải chạy theo cái sai của doanh nghiệp đang tạo ra những tiền lệ rất xấu.
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận