Chuyện dọc đường

Đừng để thêm nhà tù và bệnh viện vì rượu bia

29/05/2019, 09:39

Khi bia rượu trở thành vấn nạn quốc gia thì nghiễm nhiên nhà tù và bệnh viện sẽ thêm quá tải...

img
Lạm dụng rượu bia sẽ gây tai họa, đỏ mặt dễ đen nhân cách. Ảnh minh họa

1. Cách đây mấy ngày, một người bạn của tôi tổ chức cuộc nhậu. Mọi người đang rôm rả vui cười chúc tụng thì cháu bé hai tuổi, con trai của chủ nhà lăng xăng chạy tới. Cậu bé ngồi lọt thỏm trong lòng cha.

Thấy cha cầm ly, đứa bé thò tay tới kéo chiếc ly của bố. Ông bố hào hứng cầm ly đưa vào miệng con, đứa bé theo phản xạ cũng ngậm vào một đôi giọt. Miệng cháu bé chu lên, mắt nhắm lại. Nhìn cảnh tượng ấy, người lớn vỗ tay đôm đốp.

Một người bạn nói đùa: “Đằng nào sau này lớn lên nó cũng uống như anh em mình. Bây giờ “luyện” là vừa”. Dứt câu, tất cả cười khoái chí.

Thấy không tốt cho cháu bé, tôi lên tiếng: “Cháu còn nhỏ, cho thử một chút xíu cũng không được. Lần sau không nên cho cháu thử uống bia nữa”. Thấy tôi nghiêm túc nên một người bạn nói đỡ: “Thôi, bảo vợ bế cu con ra ngoài chơi đi”. Tôi không nói thêm lời nào, cuộc nhậu lại tiếp tục trong không khí vui vẻ. Hẳn chuyện lớn lên, cậu bé cũng nhậu tràn cung mây như cha chú nó bây giờ là chuyện đương nhiên, đàn ông không biết nhậu tới bến mới là có vấn đề?

2. Năm ngoái, anh trai tôi nhập viện sau một vụ tai nạn giao thông. Hôm ấy, có một cuộc nhậu ở thị trấn cách nhà tầm chục cây số. Sau khi uống hết hơn 1 lít rượu ngâm, cả nhóm 6 người đi karaoke rồi uống thêm bia.

Anh tôi nhậu xong chạy xe máy về nhà. Quãng đường dài, nhậu say buồn ngủ, khi đến một đoạn cua thì đâm vào cột mốc phía bên kia đường. Nằm viện hơn nửa tháng mới khỏi nhưng phải nghỉ ở nhà thêm nhiều ngày vì những vết thương trong xương cứ âm ỉ đau chưa khỏi hẳn.

Tôi bắt xe từ Tây Nguyên về miền Trung thăm. Ngồi nói chuyện trước sự đã rồi, anh trai tôi chỉ biết cười. Lúc anh nằm viện, cả nhà xúm lại để chăm sóc, những đứa con ở nhà bị bỏ bê. Mẹ tôi ngày nào cũng đến thăm, ngồi bên giường bệnh bà chỉ biết trách móc: “Uống cho lắm vào. Con nằm viện, bạn con có xót như mẹ không? May mà bị nhẹ. May mà không tông trúng người khác".

Chỉ vào hai đứa cháu nội đang vô tư cười đùa, mẹ tôi khóc: “May mà hai đứa cháu không phải mồ côi cha. Con mà có mệnh hệ gì thì ai nuôi chúng?”.

Bạn bè anh đến thăm đều an ủi: “Trong cái rủi có cái may. May vì gặp tai nạn chỉ bị nhẹ”. Người quý lắm cũng chỉ ghé được đôi lần, chỉ có mẹ và vợ suốt ngày túc trực cho đến ngày anh xuất viện.

3. Thật may mắn khi quá chén mà vẫn về nhà bình an. Nhưng những may mắn ấy thật chẳng bền. Người Việt chúng ta gặp nhau vẫn hay rủ nhậu. Từ bàn cúng tổ tiên đến những việc lớn bé trong gia đình đều có chén rượu, ly bia. Những người bạn lâu lâu lại tổ chức cuộc nhậu để thêm ấm tình bằng hữu.

Nhiều khi chẳng có điều gì làm cũng rủ nhau nhậu. Bàn nhậu cũng là để bàn công việc, bàn nhậu cũng là nơi để những kẻ tham nhũng lợi dụng để dấm dúi đưa phong bì.

Nhiều người vẫn vui vì ép một ai đó uống say đến mức nôn mửa, gục trên bàn nhậu không biết trời đất. Sẽ là một chút hào hứng khi vỗ ngực uống được nguyên thùng bia. Ép bạn mình say có thực sự làm bạn thấy mình ra dáng đại ca? Bao được bữa nhậu hoành tráng tẹt ga có thực sự đáng tự hào?

4. Những ngày qua, Quốc hội đang bàn, góp ý vào dự Luật phòng chống tác hại của bia rượu, ý kiến vào ra trái chiều khá nhiều trong khi những vụ ẩu đả, tai nạn giao thông do những “ma men” vẫn diễn ra. Đâu đó trong những phòng bệnh, những căn nhà, những người đàn ông vẫn đang đau đớn, kiệt sức vì các bệnh gan, thận, tiểu đường... hậu quả từ nghiện rượu mà ra.

Danh sách những vụ tai nạn giao thông vì bia rượu vẫn ngày một tăng. Biết bao nhiêu vụ xét xử về tội giết người mà nguyên nhân là do quá chén. Để khi quan toà cho nói lời cuối cùng thì bị can chỉ biết quay mặt về phía nạn nhân mong tha thứ. Còn những người thân chỉ biết nai lưng ra làm để đền bù cho phía nạn nhân. Thử hỏi, biết bao ly rượu như thế đã khiến các gia đình rơi vào cảnh bần cùng khốn khổ.

Đánh thuế bia rượu đang là nguồn thu lớn với đất nước. Nhưng mức thu từ bia rượu càng cao trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nếu nhìn rộng ra lại là một nỗi lo. Quy luật kinh tế cung - cầu nhưng đó cũng là một phần nhân tố khiến quốc gia phải mở rộng nhà tù và bệnh viện.

Đã đến lúc xem bia rượu là một vấn nạn. Đã đến lúc cần phải siết chặt việc quản lý tiêu thụ rượu bia, hạn chế tác hại bia rượu, để thay đổi bằng được tập tục "mọi chuyện được giải quyết trên bàn nhậu" đã ngấm vào lớp trẻ từ khi còn nhỏ. Vì thế, Quốc hội cần phải đưa ra những chế tài pháp luật mạnh mẽ để răn đe, trừng trị và ngăn ngừa kẻ lạm dụng rượu bia trở thành tội phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.