Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2020, đại dịch Covid-19 và hệ lụy phong toả/ giãn cách xã hội trên toàn cầu khiến 114 triệu người mất việc làm.
Trong khi đó, nghiên cứu của hãng phân tích Oxford Economics chỉ ra, đến năm 2030, robot có thể thay thế đến 20 triệu việc làm trong ngành sản xuất, tương đương 10% số việc làm trong ngành này trên toàn thế giới. Trước sự thay đổi của thời cuộc, giới trẻ Việt Nam làm thế nào để đứng vững và vươn tầm thế giới?
Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn Chính phủ Pháp, chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo nhiều tập đoàn đa quốc gia… đã có những kiến giải của riêng mình về vấn đề này, qua buổi trò chuyện cùng Báo Giao thông.
Giáo sư Phan Văn Trường
Vấn đề chính là giáo dục
Thưa Giáo sư, là một chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn trên nhiều lĩnh vực (quản trị, kinh doanh, giáo dục…), trong bối cảnh hiện nay, ông nhận thấy giới trẻ Việt Nam đang và sẽ đối mặt với những thách thức gì?
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn đối mặt với vô vàn thách thức. Thời cổ xưa, khi chưa tìm ra lửa, chưa có kim khí… con người phải đối mặt với thú dữ, phải đi chân đất, leo rừng, trèo núi để hái lượm, săn bắn và xé thịt sống để ăn. Như vậy là thách thức hay là cuộc sống bình thường? Tôi gọi thế là bình thường.
Thế kỷ trước, may lắm mỗi gia đình mới có một điện thoại bàn, số đông chưa có tivi. Mình ăn cơm rau và đi bộ hoặc may lắm có xe đạp đi học. Gọi thế là thách thức hay cuộc sống bình thường? Tôi gọi đó là bình thường.
Trong đại dịch hiện nay, cả nước đang cùng chung sức. Mọi người đều bắt tay, đóng góp không ngừng suốt nhiều tháng. Những hành động thiện nguyện, đóng góp đó quá đẹp và đáng trân trọng. Nó cũng cho thấy, chúng ta có sự đoàn kết, kỷ luật, tự giác. Đây là những bằng chứng cho năng lực của một dân tộc bất khuất và thông minh.
Giáo sư Phan Văn Trường
Còn ngày nay, chỉ nằm nhà, từ trên giường, mình có thể gọi shipper mang đồ ăn tới với giá rẻ bèo, liệu có nên gọi thế là thách thức?
Dưới con mắt của tôi, không phải đến khi có Covid-19 hay Cách mạng công nghệ 4.0, cuộc sống luôn tiềm ẩn thách thức. Chúng ta luôn phải nỗ lực, nhưng chỉ có vậy mới tạo ra giá trị.
Còn với viễn cảnh con người lo sợ bị mất việc vào tay robot, nếu dùng lý luận hệ thống sẽ thấy, sự xuất hiện của robot sẽ tạo ra hàng triệu cơ hội mới để tạo giá trị mới. Chỉ có điều con người phải nâng cấp mình lên!
Tóm gọn lại, tất cả bài toán mà xã hội, thời cuộc đặt ra chỉ vỏn vẹn là nội lực của con người, khả năng và sự linh hoạt tuỳ biến.
Theo Giáo sư, giáo dục tại Việt Nam nên đi theo hướng nào để thế hệ trẻ có thể nhìn nhận, giải quyết vấn đề, dễ ứng phó, thậm chí đi trước với thời cuộc?
Đúng! Vấn đề chính của chúng ta là giáo dục. Tôi ít gặp người trẻ nào hiện nay mang tư duy hệ thống và biết lý luận hệ thống.
Tư duy hệ thống nghĩa là mọi sự việc đều là mắt xích, liên kết với nhau, trong một thể thống nhất, không thể tách rời.
Tư duy này chưa được dạy tại Việt Nam. Thậm chí, tôi đã được nghe nhiều giáo viên giảng bài, chỉ nhắn nhủ học sinh phải thuộc lòng và ghi nhớ bề nổi, không tạo động lực để học sinh/sinh viên tìm hiểu sâu về gốc rễ, bối cảnh liên quan.
Thời gian tham gia giảng dạy tại các trường như Đại học Kiến trúc TP HCM (2004-2011), Viện John Von Neumann (Đại học Quốc gia TP HCM), tôi luôn cho phép mọi người mang máy tính, điện thoại thông minh, sách vở vào khi làm bài thi.
Khi mở đề, các bạn học sinh mới biết, tôi thử thách và đánh giá dựa trên lý luận hệ thống, không thể mò được câu trả lời sẵn có trên Google hay sách giáo khoa.
Tôi xin cảnh báo: Không có tư duy hệ thống thì khó có tương lai! Đây là lời cảnh báo cho tất cả mọi ngành nghề, lứa tuổi chứ không riêng giới trẻ.
Với nhiều người, đại dịch Covid-19, thời đại công nghệ 4.0… là bước ngoặt. Vậy ở thời của mình, bước ngoặt lớn nhất buộc Giáo sư bứt phá là gì?
Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ gặp bước ngoặt! Vấn đề là mình có sẵn sàng đối mặt hay không thôi.
Tôi không dám thiếu khiêm nhường, nhưng trong những lĩnh vực tôi từng kinh qua, dù đã về hưu gần 20 năm nhưng không có một hiện tượng nào mà tôi không hiểu, giải thích được và thậm chí dự báo.
Nói vậy để nhấn mạnh, dù còn làm việc hay đã về hưu, chúng ta luôn luôn phải cập nhật kiến thức. Tự học là việc phải duy trì suốt đời để kịp thời xoay chuyển nếu có vấn đề ập đến.
Hiện tại, mỗi sáng, từ 4h - 6h, tôi vẫn luôn đọc nghiêm túc 5 tờ báo quốc tế. Vừa đọc, tôi vừa ngẫm nghĩ tại sao sự việc xảy ra như thế.
Năng lực của thế hệ trẻ luôn có thừa!
Giáo sư Phan Văn Trường phát biểu trong một cuộc hội thảo
Được biết, Giáo sư học kỹ sư cầu đường tại Pháp nhưng lại rẽ ngang sang kinh tế, quy hoạch đô thị... và từng được giao những trọng trách ở những lĩnh vực chưa hề được học qua như điện lực tại Pháp, cấp nước tại Malaysia... Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi đối mặt với những thử thách quá lớn và quá mới như vậy?
Thử thách nào cũng sẽ vô cùng khó khăn khi mình nhìn vấn đề một cách cục bộ.
Chẳng hạn, thời điểm tôi đảm nhiệm chức Phó TGĐ Alstom Power (điện lực) và Phó TGĐ Alstom Transports (vận tải đường sắt), những dự án thiết kế nhà máy điện, đường sắt cao tốc rất khó. Khó cả cho chuyên gia, chứ không riêng gì tôi.
Việc của tôi là thuyết phục các chuyên gia ngồi lại với nhau, tập hợp trí thông minh của những con người đã nắm rõ những vấn đề đó.
Mấu chốt chính là quản trị con người. Làm sao để những người giỏi trong lĩnh vực đó đi theo và tuân thủ. Muốn làm được vậy, cần có kỹ năng và khả năng lãnh đạo. Ngoài ra cần có khả năng lý luận hệ thống, phân tích chi tiết, đúc kết tròn trịa, khuyến khích những bộ óc sáng tạo, điều chỉnh lương bổng công bằng…
Tôi không ngại học hỏi, bồi đắp kỹ năng. Tất cả những gì tôi học được đều là học từ sau khi mình tốt nghiệp.
Ở Giáo sư luôn toát lên sự vui tươi, lạc quan nhưng có lúc nào trên con đường sự nghiệp, ông vấp phải thất bại, cảm thấy đuối sức và chán nản?
Tôi đã từng vấp 100 lần, nghe 100 lời chê trách, thậm chí bị mắng mỏ nặng nề khi còn là một kỹ sư non trẻ, nhưng chưa bao giờ mình thấy mình may mắn hơn vào những lúc ấy.
Đời vui lắm nếu mình mang nội lực và sự liêm khiết của mình để nhận lỗi, để xin học các giải pháp từ những người thầy có tài, có đức và có tâm.
Việt Nam đang trên đà phát triển, mang khát vọng hùng cường có thể lột xác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Vậy, Giáo sư nhận định như thế nào về năng lực bứt phá của giới trẻ Việt Nam?
Nói về năng lực của thế hệ trẻ, có lẽ tôi không cần phải giải thích nhiều. Luôn có thừa!
Giáo sư đã ở tuổi 75 nhưng vẫn miệt mài làm việc, cống hiến, vậy ông có lời khuyên nào để duy trì động lực và năng lượng làm việc?
Lời khuyên duy nhất là các em hãy miệt mài tạo giá trị, to/nhỏ không quan trọng. Trước mắt có hàng triệu việc làm cần các em. Chỉ là mình có nhìn thấy cơ hội hay không.
Hãy nhớ rằng, đầu vào của những tấm bằng đại học, tiến sĩ sẽ chỉ là một phần. Đừng nhìn cuộc đời xoay quanh tấm bằng đó. Hãy mở rộng tư tưởng ra ngoài, thử làm mọi thứ, giải quyết vấn đề mà xã hội đặt ra.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư Phan Văn Trường là một trong số ít công dân Pháp gốc Việt được phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh bậc Hiệp sĩ (bậc cao nhất). Hiện ông là Cố vấn thường trực Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.
Ông từng tham gia vào nhiều dự án giao thông hàng tỷ đô trên thế giới như: Nghiên cứu hệ thống giao thông đô thị cho Thủ đô Brasilia (Brasil), hệ thống cảng biển sâu tại quần đảo Fiji; tham gia vào Tập đoàn đa quốc gia Alstom (Pháp); giúp ký kết thành công rất nhiều dự án nhà máy điện và hệ thống đường sắt cao tốc tại Tây Ban Nha, Hàn Quốc…; nhiều dự án tàu điện tại đô thị Cairo, Santiago, Hong Kong...
Tại Việt Nam, ông cống hiến hết sức cho nền giáo dục quê nhà trên cả hình thức trực tiếp và trực tuyến từ năm 2004 đến nay, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” vào đầu năm 2010 tại Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận