Y tế

Đương đầu với thi trượt: Cha mẹ đừng nói với con "có gì mà buồn"

12/07/2022, 08:52

Không ít trẻ sau khi thi trượt vào lớp 10, sốc tâm lý, rơi vào trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực về sự thất bại của mình.

Trẻ dễ tổn thường nếu thi trượt

Những ngày qua nhiều địa phương thông báo về kết quả kỳ thi vào lớp 10, trong khi nhiều cha mẹ vui vì con thi điểm cao nhưng cũng có gia đình đang khổ sở vì con thi điểm kém, thậm chí có trẻ bỏ nhà ra đi hoặc làm điều dại dột vì sốc tâm lý.

Theo PGS. Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục, trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng ở giai đoạn này đứa trẻ rất dễ bị tổn thương khi chúng không thi đỗ, trong khi bạn bè đỗ trường này, trường kia.

img

Trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực sau thi cử

Trẻ nhận ra mình thất bại và chúng thường có xu hướng tìm tới các hành vi tiêu cực. Nhiều trẻ co rút mình lại không thích giao tiếp, trẻ chìm trong game, trong internet, có trẻ lại tìm tới các chất gây nghiện như rượu bia hoặc trẻ tự hành hạ bản thân cứa tay, chân để tìm cảm giác đau đớn của da thịt, xoa dịu cảm giác đau đớn của tinh thần.

"Thời điểm này, cha mẹ đừng nói với trẻ rằng con hãy vui lên, có gì mà buồn. Vì thực chất, cha mẹ càng nói điều đó, con càng buồn. Cha mẹ nên cho con thời gian, không gian riêng để con làm quen với cảm xúc thất bại đó.

Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính nước ta có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần.

Các số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có từ 36.000 đến 40.000 nghìn người tự tử, số nạn nhân ở độ tuổi học sinh, sinh viên không hề nhỏ và phần lớn đều gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, trong đó có trầm cảm.

Sau đó cha mẹ trò chuyện với con, cùng con đưa ra kế hoạch cho thời gian sắp tới. Cha mẹ có thể đưa ra định hướng con không đạt trường này, vẫn có trường kia. Hoặc cho con các ví dụ về các nhân vật nổi tiếng họ cũng từng thất bại trong học đường và họ đã tìm ra giải pháp để thành công.

Khi đứa trẻ tự cho mình là kẻ thất bại, khi đó cha mẹ phân tích cho con đó không phải là đặc tính của trẻ mà đó chỉ là chưa tìm ra giải pháp và khi có giải pháp khác thì con sẽ không còn bi quan", ông Nam chia sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, PGS. Nam cho rằng các gia đình có con điểm cao cũng đừng khoe công khai trên mạng xã hội có thể làm những đứa trẻ chưa đạt được điểm thi như mong muốn có suy nghĩ tiêu cực.

4 điều cha mẹ nên làm giúp con vững vàng vượt qua thử thách

Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, nguyên Giảng viên trường Đại học sư phạm TP.HCM, mỗi người làm cha làm mẹ hãy cố gắng quân bình cảm xúc, buông bỏ những khó khăn, mệt mỏi của bản thân; Đồng thời, chính cha mẹ phải rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc tránh tổn thương cho con trẻ cùng trẻ vượt qua thất bại khi con thấy mình thi không đạt.

Về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, ông Huân cho rằng sự am hiểu về tâm lý lứa tuổi rất quan trọng. Khi cha mẹ thật sự hiểu con thì những lo lắng ở tuổi phát triển của con sẽ nhẹ lại, sau đó sẽ thay đổi cách ứng xử đối với những điều đã xảy ra, từ đó khuyến khích điểm tốt đến từ con. Khi đó, cả gia đình đều “giãn tinh thần”.

Ths. Huân chia sẻ, nếu khi trẻ không đậu nguyện vọng như mong muốn hoặc trượt tất cả các nguyện vọng có nhiều giải pháp cha mẹ nên dành cho con để con không còn cảm thấy mình thất vọng, chán nản.

Thứ nhất: Phụ huynh cần bình tĩnh và dạy con hiểu rằng, không phải lúc nào mọi thứ cũng được như mong muốn, không phải nỗ lực lúc nào cũng có kết quả nhưng muốn có kết quả tốt nhất định phải nỗ lực. Đậu nguyện vọng nào thì mình vui vẻ chấp nhận nguyện vọng đó, học trường nào cũng được, vấn đề là nghị lực của con, từ sức mạnh bên trong chứ không quyết định hoàn toàn bởi trường hay, thầy giỏi...

Cha mẹ giúp trẻ phải là người đầu tiên tự nhận diện, phân tích và giải quyết vấn đề của chính mình. Người lớn chỉ giữ vai trò cố vấn, đồng hành, trừ khi vấn đề đó quá khó khăn vượt quá khả năng hiện tại của trẻ mới nên tham gia trợ giúp.

Thứ hai: Phụ huynh không so sánh con mình với ai khác, không chỉ trích càng không tỏ ra nặng nề chỉ làm sút giảm tinh thần của con và người thân thêm mà thôi.

Thứ ba: Nói với con, học cơ sở giáo dục thường xuyên cũng được, bao nhiêu người thành đạt từ đó, bao nhiêu người nhờ đó mà tiếp tục được sự học. Không cần ngại ngùng, xấu hổ, cứ học tốt là đủ.

Thứ tư: Cả nhà có thể cùng đi ăn tối, cùng đi du lịch để kéo giãn tinh thần và có cơ hội tâm tình, nhìn nhận tích cực ngay cả kết quả không như ý.

Với các em học sinh, ông Huân khuyến cáo nếu cảm thấy vấn đề mình đang gặp phải có vẻ quá sức chịu đựng hay bế tắc, các con hãy thông báo với người lớn và đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý – giáo dục để được kiểm tra, tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.