Xã hội

“Đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông ở xứ Thanh

29/09/2024, 06:30

Kênh nhà Lê hay còn được gọi là sông nhà Lê đã trường tồn qua bao thăng trầm lịch sử, từng là tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa tấp nập phục vụ chiến trường giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể của người dân địa phương.

Tuyến đường thủy chiến lược

Theo Chi cục thủy lợi Thanh Hóa, hệ thống kênh nhà Lê chảy qua địa bàn dài gần 17km, nối từ huyện Thiệu Hóa, qua huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Nông Cống, về huyện Quảng Xương, Nghi Sơn. 

“Đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông ở xứ Thanh- Ảnh 1.

Nhánh sông nhà Lê hay còn gọi kênh nhà Lê chảy qua địa phận huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa.

"Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, vẫn có một dòng sông im lìm dưới những rặng cây phi lao, ôm trọn ký ức hào hùng một thời", ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa chia sẻ.

Hiện nay, hệ thống kênh nhà Lê không còn phát huy giá trị vận tải do lòng kênh hẹp, không thông suốt nên chỉ còn nhiệm vụ tưới tiêu.

Tuy nhiên, những dấu tích, hiện trạng nguyên vẹn của kênh cần được bảo tồn để thế hệ sau biết được giá trị của một công trình đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa

Ông Trung cho biết, các nghiên cứu cho thấy, khởi nguồn từ thời tiền Lê vào những năm cuối thế kỷ X, về sau này, các triều đại nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn (nhất là dưới triều đại nhà Lê) vẫn tiếp tục đào lại, đào mới dòng kênh, tạo nên tuyến đường thủy hoàn chỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Theo TS Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hóa, hệ thống kênh đào nhà Lê được coi là tuyến đường thuỷ nội địa đầu tiên của nước ta, kết nối các trung tâm hành chính, kinh tế nội địa với các thương cảng.

"Về mặt quốc phòng, hệ thống sông đào nhà Lê có vai trò quan trọng trong các cuộc kháng chiến. Rõ nét nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước", TS Lê Ngọc Tạo nói.

Tuyến kênh đào nhà Lê được khôi phục lại bắt đầu từ huyện Yên Mô, Ninh Bình xuyên qua Thanh Hóa, Nghệ An đến huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Đợt nạo vét quy mô lớn hệ thống kênh nhà Lê từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh được Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện. Công trình khởi công vào ngày 25/9/1965, huy động hàng nghìn dân công ở các địa phương có kênh chảy qua. 

Đến ngày 14/1/1966, Hội đồng Chính phủ thành lập Ban khai thác kênh nhà Lê, gọi tắt là Ban KT66, trực thuộc Cục Vận tải đường sông. Ban KT66 vừa chỉ huy các lực lượng nạo vét kênh, tổ chức vận tải, vừa trực tiếp bắn máy bay địch và rà phá bom mìn.

Sau khi được nạo vét, tàu thuyền trọng tải 15 tấn có thể dễ dàng qua lại trên tuyến kênh này. Ba đại đội thanh niên xung phong với tổng số gần 1.000 đội viên được tập kết tại các khúc kênh quan trọng, sẵn sàng khơi dòng khi bị không quân Mỹ đánh phá.

Chiến công của "binh đoàn" thuyền nan

TS Tạo cho biết, năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch đánh phá miền Bắc nhằm phá hủy các tuyến giao thông huyết mạch, cắt đứt con đường chi viện từ miền Bắc vào Nam. 

“Đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông ở xứ Thanh- Ảnh 2.

Sông nhà Lê giờ vẫn còn nhiều đoạn hoang sơ, ẩn mình dưới những rặng phi lao.

Tại Thanh Hóa, cầu Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép... trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, toàn bộ tuyến đường sắt, đường bộ vào Nam gần như bị tê liệt. Chính vì vậy, tuyến kênh nhà Lê đã trở thành con đường huyết mạch. Trong hoàn cảnh ấy, một đơn vị vận tải vô cùng độc đáo nhưng lại rất hiệu quả đã ra đời: "binh đoàn" thuyền nan.

Thanh Hóa được Trung ương giao nhiệm vụ vận chuyển một khối lượng hàng hóa khổng lồ vào miền Nam trong điều kiện phương tiện vận tải thiếu thốn. Bên cạnh các phương tiện vận tải khác, Thanh Hóa đã mở 3 công trường, huy động 1.600 người có tay nghề giỏi để đan thuyền nan. Chỉ trong thời gian ngắn, một "binh đoàn" thuyền nan ra đời với 5.000 chiếc. 

Do được cải tiến, tăng độ lớn hơn so với những thuyền nan truyền thống, nên mỗi thuyền nan phục vụ chiến trường thường phải do 2 thanh niên xung phong điều khiển và có khả năng chở tới 3,5 tấn hàng. 

Từ Thanh Hóa, hàng vạn tấn hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam được thanh niên xung phong dùng thuyền nan chở trên dòng kênh nhà Lê vượt hàng trăm cây số từ Thanh Hóa vào tập kết tại khu vực đền Củi (Hà Tĩnh). Từ đây, những tấn hàng được các đơn vị vận tải chở ngược lên đường Trường Sơn hoặc sang Lào để phục vụ kháng chiến.

Lúc bấy giờ, trên dòng kênh nhà Lê, ngoài lực lượng thuyền nan còn có đoàn thuyền ván K66 và thuyền vận tải của Công ty Vận tải đường sông biển Thanh Hóa hoạt động tấp nập ngày đêm. Chính trên dòng kênh ấy, hàng nghìn người đã ngã xuống, trong đó chỉ riêng lực lượng của ngành GTVT Thanh Hóa đã lên tới trên 1.000 người.

Cùng với Thanh Hóa, tỉnh Thái Bình cũng thành lập Đại đội 206, là một trong ba đại đội thanh niên xung phong với tổng quân số cả nghìn người, chốt chặn các đoạn trọng yếu trên suốt tuyến kênh nhà Lê. Từ năm 1965, Đại đội 206 đảm trách nhiệm vụ chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, có khi tới tận Quảng Bình, Quảng Trị. Có thời điểm cả vạn chiếc thuyền cùng lưu thông trên tuyến kênh đào này.

"Tuyến vận tải thủy này được coi như một "đường mòn Hồ Chí Minh" trên sông", TS Tạo cho biết.

Cần lưu giữ dòng sông lịch sử 

Hiện nay, kênh nhà Lê qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa là công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý, có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 4.500ha đất nông nghiệp và thoát nước cho các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa.  

“Đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông ở xứ Thanh- Ảnh 3.

Một góc sông nhà Lê ở khu vực cầu Hang, bắc qua QL1 thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Chi cục thủy lợi Thanh Hóa cho biết, năm 2016, tuyến kênh đã được sửa chữa, nạo vét, lòng sông cơ bản thông thoáng, đảm bảo nhiệm vụ tiêu thoát của công trình.  

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số cầu giao thông cũ được xây dựng từ lâu, có mặt cắt thông thủy nhỏ nên làm co hẹp dòng chảy, làm xói lở lòng, bờ phía hạ lưu. Tại hạ lưu cầu đường sắt vẫn còn một doanh nghiệp chế biến đá xẻ nên thải nước có bột đá trực tiếp ra sông, gây bồi lấp lòng sông và ô nhiễm môi trường.

TS Lê Ngọc Tạo đánh giá, thời gian gần đây, do quá trình đổi dòng, quá trình đứt gãy nên hệ thống sông nhà Lê đã không còn nguyên vẹn giá trị như xưa. Nhiều nơi, các đoạn sông đã bị vùi lấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi vẫn còn tác dụng như phía Bắc Nghi Sơn đang còn kết nối với kênh Trầm, kênh Hào đến Nghệ An. 

"Dù chủ yếu phục vụ tưới tiêu chứ không có hoạt động vận tải đường thủy như xưa, song rất cần bảo tồn dòng sông lịch sử này. Tuyến sông đã bị đứt gãy nhưng có thể lựa chọn những đoạn đang còn nguyên vẹn để lưu giữ, truyền lại giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau", TS Tạo chia sẻ thêm.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.