Hành khách bức xúc vì mua vé tàu QB2 Hương Phố - Hà Nội nhưng bị hủy chuyến, chuyển sang đi tàu SE2 cùng ngày mà không báo trước khiến hành khách lỡ việc (Trong ảnh: Ga Hương Phố)
Cuối tuần qua, trên một trang fanpage đường sắt, tài khoản Trần Quỳnh Nga bày tỏ bức xúc về dịch vụ của ngành Đường sắt, hủy chuyến tàu mà không thông báo trước, khiến gia đình Facebooker này lỡ việc.
Tài khoản Trần Quỳnh Nga cho biết, gia đình mua 3 vé đi từ Hương Phố - Hà Nội trên tàu QB2 ngày 3/1/2021.
Tuy nhiên, ngành Đường sắt hủy chuyến tàu này nhưng không thông báo trước với khách hàng, chỉ khi ra đến ga mới được thông báo là bỏ tàu và hành khách có vé đi tàu QB2 chuyển sang đi tàu SE2 cùng ngày.
Nhưng tàu SE2 về ga Hà Nội gần 8h30 sáng, nếu đi tàu này sẽ lỡ công việc của gia đình. Vì thế, Facebooker này thử mua vé tàu SE4 cùng ngày nhưng đã hết vé.
“Thực sự mình rất bức xúc và không hài lòng với ngành Đường sắt, vì nếu ngay từ đầu ngành Đường sắt thông báo sớm, gia đình mình sẽ chủ động tìm cách khác. Thực sự rất thất vọng. Sau này dù có thích đi tàu thì mình cũng khó có thể ủng hộ được”, tài khoản Trần Quỳnh Nga bức xúc.
Câu chuyện này nhận được nhiều ý kiến khác nhau của cả nhân viên đường sắt và hành khách đi tàu. Tài khoản Ngược nắng cho hay, đợt tháng 4/2020 cô cũng gặp cảnh tương tự.
“Quá tam ba bận” ra ga đổi vé, vợ chồng cô mới lấy được vé tàu để về quê sinh con. Cô viết: “Giờ vé máy bay rẻ hơn vé tàu. Dễ dàng kiểm tra chuyến bay. Thôi thì chuyển qua đi máy bay cho nhanh, gọn lẹ.”
Nhưng cũng không ít người cho biết, giờ ngành Đường sắt đã áp dụng hệ thống tin nhắn tự động, thông báo trễ tàu, hủy chuyến đến hành khách theo số điện thoại hành khách đã đăng ký khi mua vé tàu.
Vì thế, họ luôn nhận được tin nhắn thông báo này. Một số nhân viên vận tải đường sắt cho hay, đơn vị còn yêu cầu nhân viên phải gọi điện thông báo cho khách vì trên hệ thống đã có số điện thoại của khách hàng.
Rõ ràng, chỉ là là một chuyện nhỏ nhưng đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ và uy tín của ngành Đường sắt. Thực tế, ngành Đường sắt đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, trong đó có thông tin tới khách hàng. Tuy nhiên, chỉ một việc thiếu trách nhiệm ở khâu nào đó, ở một bộ phận hay nhân viên nào đó đã khiến hành khách thiếu thiện cảm, rời bỏ đường sắt.
“Chỉ vì một sự làm ăn tắc trách mà ảnh hưởng đến nỗ lực của biết bao người nhằm thu hút khách đi tàu. Ngành Đường sắt cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sự việc tương tự…”, một nhân viên đường sắt viết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận