Nguy cơ núi lở, đá đè
Trên tuyến đường liên xã Húc Động - Hoành Mô - Đồng Văn (đường liên xã – PV), huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) mới mở rộng rãi xuyên qua dãy núi Cao Xiêm hùng vĩ, nhiều điểm có nguy cơ sạt trượt vùi kín xuống mặt đường.
Từ trung tâm xã Húc Động theo tuyến đường liên xã về hướng xã Hoành Mô, Đồng Văn, PV Báo Giao thông gặp một mái taluy cao hàng chục mét dựng đứng, những mảng đất, đá khổng lồ luôn chực chờ đổ ụp xuống vùi kín mặt đường.
Tại một số điểm trên tuyến đường liên xã này, mái taluy sau mấy trận mưa lớn đã bị xói lở văng xuống phía dưới.
Anh Trần A Hải, ở xã Húc Động cho biết: "Sườn núi thì cao hàng trăm mét, nhưng lại làm mái ta luy dựng đứng, không có hệ thống kè chống trượt như này thì quá nguy hiểm. Lo sợ bị núi lở, đá đè, chúng tôi chạy xe qua khu vực này đều phải phóng với tốc độ rất nhanh".
Dù phía trên là những ngọn núi cao, nhưng tuyến đường liên xã lại thiết kế một chiếc cống ngang đường có khẩu độ quá hẹp. Nếu như mưa lớn, đất, đá bịt kín miệng cống thì nước sẽ bị tràn qua mặt đường, gây ách tắc cục bộ.
Hệ thống hộ lan của tuyến đường nhiều khu vực được thiết kế, lắp đặt cũng còn thiếu. Tại một số điểm, để đảm bảo an toàn, người dân đã lấy cây gỗ làm hộ lan tạm để cảnh báo nguy hiểm vì phía dưới là vực sâu.
Ngoài ra, quá trình triển khai tuyến đường, tại nhiều điểm, nhà thầu đã để hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống phía vực. Hậu quả là đất đá bị vùi lấp xuống các dòng chảy, có nguy cơ vùi, lấp xuống hạ lưu, tràn vào vùng canh tác nông - lâm nghiệp của đồng bào.
Trên tuyến đường liên xã, tại ngã ba ở thôn Khe Tiền giao cắt đường Đồng Văn (huyện Bình Liêu) sang xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) hiện có vòng xuyến rất rộng khiến cho đường bị thắt lại, gấp khúc. Do đó, xe đi từ đường liên xã rẽ xuống gặp sự cố rất dễ lao thẳng vào nhà dân.
Anh Chìu Văn Thành, người dân tộc Dao, chủ căn hộ nằm ngay phía dưới lối rẽ ở thôn Khe Tiền cho biết, lúc thi công đoạn đường này, bà con đã có ý kiến xây dựng tuyến kè để đảm bảo an toàn cho mấy hộ gia đình, nhưng không được xem xét, xử lý.
Khắc phục bất cập
Dự án đường liên xã kết nối quốc lộ 18C dài 43,27km, rộng 6,5m, là công trình giao thông cấp V miền núi, có tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng.
Dự án được triển khai từ ngân sách, do UBND huyện Bình Liêu thực hiện trong 699 ngày, tính từ 28/6/2022 và do liên danh nhà thầu gồm Công ty CP đầu tư phát triển GMC – Công ty CP xây dựng Quang Thảo – Công ty TNHH Hoàn Hảo triển khai.
Dự án gồm 2 tuyến là: Tuyến Húc Động đi Đồng Văn dài 28,82km đã hoàn thành 100% hạng mục theo hợp đồng. Tuyến Cao Ba Lanh kết nối với quốc lộ 18C dài 14,45km gồm 2 nhánh là tuyến nối quốc lộ 18C ở thôn Phật Chỉ (xã Đồng Văn) nối với đỉnh Cao Ba Lanh dài 8,88km và nhánh nối đường Húc Động - Đồng Văn với đỉnh Cao Ba Lanh dài 5,59km đều đang thi công.
Mục đích đầu tư tuyến đường nhằm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc ở khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Liêu gắn với củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề các điểm sạt trượt đã và đang có nguy cơ uy hiếp tuyến đường, ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Công ty CP xây dựng Quang Thảo cho biết, doanh nghiệp thực hiện theo hợp đồng và theo thiết kế.
"Vấn đề khắc phục các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phải do chủ đầu tư xây dựng phương án triển khai, doanh nghiệp sẽ phối hợp thực hiện những hạng mục phát sinh", ông Quang cho biết.
Làm việc với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Liêu thừa nhận hiện nay trên tuyến đường đã xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt trượt, tiềm ẩn nguy cơ chia cắt cục bộ…
"Nguyên nhân của vấn đề này là do quá trình khảo sát thiết kế không đánh giá hết được những phức tạp của địa chất, địa hình. Khi triển khai thực tế đã phát sinh những điểm còn bất cập", ông Minh nói.
Theo ông Minh, ngay sau khi đoạn tuyến được hoàn thành thi công, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh và huyện đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ tuyến để tìm giải pháp khắc phục. Đối với các điểm có mái taluy dựng đứng như hiện nay không thể phân tầng, cắt lớp được do phía trên là những núi cao, nếu triển khai phân tầng sẽ tiếp tục tạo ra những điểm yếu hơn.
"Sau khi kiểm tra thực địa, mới đây, Sở GTVT đã có công văn thẩm định hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của tuyến đường. Theo đó, chủ đầu tư sẽ nghiên cứu triển khai hệ thống bờ kè đá để đỡ những điểm sạt trượt, hoàn thiện thêm hệ thống rãnh thoát nước, hộ lan", ông Minh nói.
Trao đổi thêm về vị trí giao cắt ở ngã ba thôn Khe Tiền, ông Minh thừa nhận nếu để thực trạng này sẽ có nguy cơ mất an toàn cho các hộ sinh sống phía dưới, nên đang nghiên cứu, thiết kế hệ thống bờ kè để chắn phương tiện lao vào nhà dân khi có sự cố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận