Duy trì tàu an sinh: Cần cơ chế mở

30/05/2018, 06:35

Vấn đề Nhà nước có nên trợ giá tàu an sinh, nói cách khác là bù lỗ cho doanh nghiệp vận tải hay không...

2311_duongsat

Ảnh minh họa

Nhiều người cho rằng, cần theo cơ chế thị trường, chạy tàu không hiệu quả thì dừng chạy; Hơn nữa, giao thông đường bộ bây giờ thuận tiện không cần chạy tàu an sinh nữa.

Vấn đề càng quan ngại hơn khi tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Hoan thẳng thắn công bố, năm 2017 lỗ 20 tỷ đồng khi chạy các mác tàu khu đoạn mà người dân thường gọi “tàu dân sinh”, tàu chợ. Chưa kể khoản lỗ này các năm trước đó mà doanh nghiệp này phải è ra gánh, khiến SXKD vận tải đường sắt đang kỳ khó khăn lại càng thêm thất thu. Nhà nước không bù lỗ. Việc chạy tàu vẫn phải chạy. Cứ rục rịch định dừng chạy là người dân địa phương, các cấp có ý kiến, gửi văn bản kiến nghị khắp nơi.

Theo các chuyên gia đường sắt, dừng chạy tàu thì dễ, nhưng giải quyết hệ lụy kéo theo đó mới là vấn đề. Phải sắp xếp, bố trí công việc thế nào cho hàng trăm nhân viên trên tàu, nhân viên phục vụ dưới ga trên các tuyến không chạy tàu khách như: Long Biên - Quán Triều, Hà Nội - Đồng Đăng, từ tiếp viên, khách vận, thư ký bán vé, nhân viên bảo vệ, nhân viên áp tải kĩ thuật? Kinh phí đâu bù đắp cho các toa xe dù dừng chạy tàu vẫn phải bảo trì, sửa chữa định kỳ khi đến hạn theo quy định?

Nếu được Nhà nước trợ giá thì quá tốt, vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và kết nối được các tuyến, từ đó có thể “kích cầu” các tuyến chính, tăng lượng khách liên tuyến, đồng thời thu hút được nhiều đối tượng hành khách. Ví dụ: Khách đi tàu từ Quán Triều tuyến Thái Nguyên có thể về ga Hà Nội, sang tàu Thống Nhất đi tiếp.

Ở góc độ khác, ông Phạm Thanh Quang, chuyên gia Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam chia sẻ, gốc rễ của những khó khăn trong vận tải đường sắt hiện nay là cơ sở hạ tầng xuống cấp, quá tụt hậu so với hàng không, đường bộ. Thời gian chạy tàu dài nên không thu hút được khách.

“Từng làm ở Bộ Tài chính nhiều năm, phụ trách lĩnh vực đường sắt, tôi biết trong nhiều năm qua vẫn loay hoay chưa có cơ chế trợ giá cho lĩnh vực này. Nghị định số 65/2018 của Chính phủ vừa ban hành quy định trình tự, cách thức thực hiện việc chạy tàu an sinh và bù lỗ cho doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để chạy tàu an sinh. Tuy nhiên, để thực hiện được lại là cả câu chuyện dài”, ông Quang nói và cho rằng, phải xác định, hỗ trợ chi phí hay trợ giá cho tàu an sinh, thực chất không phải hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải đường sắt mà hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng cần vận chuyển là người dân vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa đi tàu. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế mở và các thủ tục thông thoáng hơn khi thực hiện trên thực tế, khi đó quy định về chạy tàu an sinh trong Luật Đường sắt 2017, Nghị định 65 mới thực sự đi vào cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.