Nổi tiếng với hàng loạt phóng sự điều tra như: Hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên, phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum, thâm nhập điểm pha chế xăng dầu trái phép... nhưng khi gặp nhà báo Liên Liên (Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam) ngoài đời, nhiều người sẽ bất ngờ bởi vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, dung dị của chị.

Trở về Hà Nội sau chuyến đi công tác dài ngày, Liên Liên nhanh chóng sà vào đám cỏ cây, hoa lá ngoài ban công. “Yêu hoa lá, điệu đà, lãng mạn, nữ tính” là điều mà bạn bè thường nói về chị. Hình ảnh ấy, khác hẳn với nữ phóng viên điều tra gai góc, giọng nói trầm khàn, hành động dứt khoát trong các thước phim điều tra mà công chúng thường thấy. “Mình là người có rất nhiều tính cách trái ngược nhau”, nữ nhà báo cười chia sẻ.

Đặc thù công việc nên chị thường xuyên có những chuyến đi công tác hoặc vùi đầu vào nghiên cứu những chồng hồ sơ, tài liệu dày cộm. Nhưng cứ có thời gian rảnh, chị lại đắm mình vào những công việc thiên về sự tỉ mỉ, khéo léo như trồng cây cối, cắm hoa, chơi nhạc, nấu ăn và... múa.

“Tôi cũng rất thích ẩm thực, thích nấu ăn và nghiên cứu món lạ. Tôi thích nhất những bữa ăn gia đình. Những ngày không đi công tác, tôi cố gắng đi làm lúc sáng sớm và tranh thủ về nhà để ngủ”, Liên Liên chia sẻ.

Dường như, những sở thích không liên quan đến nghề nghiệp ấy được Liên Liên duy trì như một cách để giảm áp lực của nghề báo, nhất là báo chí điều tra. Liên Liên kể, mỗi khi tiếp nhận một vụ việc điều tra, chị cảm thấy áp lực từ thời điểm đầu đến lúc hoàn thành tác phẩm. Thời điểm đầu là áp lực việc đối phó và xử lý tình huống, cuối cùng là đảm bảo tính pháp lý, tránh kiện tụng.

“Có nhiều vụ việc phức tạp khiến tôi phải đọc tài liệu rất nhiều, đầu óc rất dễ căng thẳng. Có khi phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì sợ sai. Cũng có khi đọc xong lại quên đi để đọc lại, phòng việc mình có viết câu nào bị “hở sườn” hay không. Nhưng có thể, do tôi có nhiều đam mê khác trong cuộc sống nên việc giải toả áp lực rất nhanh”, Liên Liên chia sẻ.

Ngày đầu đến với thể loại điều tra, Liên Liên cũng bỡ ngỡ, non nớt. Một lần chị đang bò lổm ngổm dưới đất, bí mật rình đối tượng để ghi hình, ngẩng lên đã thấy người cầm một con dao to và rất dài. Cố khống chế cơn sợ hãi, chị bảo người đàn ông to cao, hung dữ đang chĩa dao vào mình: “Anh bình tĩnh, em có chạy đằng nào được đâu, chúng ta vào nhà nói chuyện đã”.

Thế là sau khi nói chuyện, họ lại quay ra ủng hộ công việc của phóng viên, cùng nhau chống lại cái xấu.

“Nhà báo nữ điều tra là vậy, sẽ có những khó khăn hơn so với nam giới nhưng cũng thuận lợi hơn vì phụ nữ có sự điềm tĩnh, sự rụt rè và kiềm chế hơn”, Liên Liên cho hay.

Chia sẻ thêm về lĩnh vực điều tra, nữ nhà báo cho biết, làm phóng sự điều tra phải chịu được áp lực, những khó khăn, vất vả cùng sự nguy hiểm luôn cận kề.

“Việc điều tra là vô cùng nguy hiểm đối với phóng viên, thậm chí với cả người thân của mình. Còn áp lực lớn phải chịu đựng ở đây là trường hợp bị kiện. Do đó, khi mình viết phải chú ý đến từng câu, từng chữ xem có bị “hở” không, tài liệu như thế nào. Tác phẩm điều tra hoàn thiện là “âm thầm đoạn đầu, kết thúc êm đẹp”, nữ nhà báo chia sẻ.

Nhà báo Liên Liên cũng lấy ví dụ khi thực hiện loạt phóng sự “Cưỡng đoạt tiền của tiểu thương chợ Long Biên”, khi đó chị cùng ekip đã nghiên cứu luật rất kỹ. Lường trước vụ việc sau khi phát sóng, nếu người ta kiện ngược lại thì mình sẽ đưa ra những bằng chứng gì tiếp theo. Việc hai bên đưa tiền cho nhau (tiểu thương đưa cho các đối tượng bảo kê), dù chị cùng ekip đã ghi hình nhưng sau khi phát sóng, có thể họ lại thoả thuận với nhau là tự nguyện “giúp đỡ nhau” thì nhà báo sẽ thua.

“Đã có trường hợp, nguồn tin của mình sau này vì sợ hãi, áp lực nào đó mà đổi ý, không giữ quan điểm ban đầu nữa nên phải tính tất cả tình huống có thể gây ra bất lợi về sau”, Liên Liên nói.

17 năm gắn bó với các tác phẩm báo chí điều tra, Liên Liên bảo, có đôi lúc chị cũng thấy mệt mỏi. Nhưng rồi, thông tin, tư liệu cứ như mối lương duyên tìm đến, khiến chị “thấy đề tài mà ham”, lại lao vào.

“Tôi thường xuyên nhận được nhiều thông tin mà khán giả gửi công khai qua mạng xã hội, email… Dù tất nhiên, không phải thông tin nào cũng xử lý được, nhưng khi bạn đọc cho mình cơ hội tiếp nhận thông tin, mình sẽ nỗ lực khai thác để xem có thể triển khai không. Hiện nay, tôi chỉ làm được khoảng 20 - 30% thông tin mà bạn đọc gửi, còn 70 - 80% không thể khai thác được”, Liên Liên cho hay.

Khi đã có thương hiệu với một số tuyến bài điều tra, nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều người tìm cách liên hệ với nữ nhà báo Liên Liên. Tuy nhiên, chị cũng có nguyên tắc và lý do riêng của mình, nên không nhận thông tin qua việc gọi điện hay gặp trực tiếp.

“Việc gửi thông tin thì người dân có thể gửi qua email, Facebook... hoặc trực tiếp gửi đến cơ quan. Sau đó, tôi sẽ đọc lướt qua, nếu đề tài nào phù hợp thì tôi sẽ liên hệ lại để xác minh và kiểm tra thông tin. Đề tài nào không phù hợp tôi sẽ phản hồi lại sau.

Còn việc gặp trực tiếp để trao đổi thì tôi sẽ từ chối bởi 2 nguyên nhân, thứ nhất là khi gặp trực tiếp thì tôi còn phải xem hồ sơ, bằng chứng… để có thể xác minh nên cuộc gặp không mang lại hiệu quả, lại mất thời gian. Thứ 2 là tôi không loại trừ trường hợp đối tượng không ưa mình trước những việc từng làm hoặc đang làm với họ, họ tìm cách tiếp cận mình”, chị nói.

Dù đã thận trọng đến như vậy, nhưng vẫn có lần, chị nhận được một bức thư qua bưu điện. Khi mở thư ra thì thấy có thêm 2 triệu đồng kèm lời nhắn mong sự việc được phản ánh và xử lý thông tin. Chị đã phải vất vả tìm lại thông tin của người gửi, gọi điện lại và gửi lại họ tiền. “Đó cũng là lần duy nhất tôi nhận được và cũng là kỷ niệm tôi nhớ mãi”, Liên Liên trải lòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.