Xã hội

Ép người khác uống rượu bia, ai đi phạt?

08/10/2020, 06:23

Nhiều ý kiến lo ngại về tính thực thi của quy định phạt tiền người ép người khác uống rượu, bia.

img
Từ ngày 15/11 hành vi ép người khác uống rượu có thể bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Ảnh: Tạ Hải

Nhiều ý kiến cho rằng quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia và hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia là thể hiện sự tiến bộ, nhưng lại lo ngại về tính thực thi của quy định này.

Chứng minh vi phạm cách nào?

Trao đổi với PV Báo Giao thông về những quy định mới trong Nghị định 117/2020 của Chính phủ, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 15/11, sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.

“Trên thực tế, mức độ tiêu thụ rượu, bia của người dân Việt Nam khá cao, người dân thường uống rượu, bia không theo khuyến cáo khiến gây hại cho sức khỏe, gây nguy hiểm cho người khác khi sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện. Do đó, quy định mới sẽ dần kiểm soát việc sử dụng rượu, bia”, ông Quang nói.

Đồng tình đây là một quy định tiến bộ, song luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) vẫn băn khoăn, để hiểu đúng, áp dụng đúng quy định này thì cần cụ thể hóa thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc uống bia, rượu, từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm, tránh tình trạng luật “nằm trên giấy”.

“Rất khó để xử phạt nếu không quy định cụ thể. Ví dụ, trường hợp anh A. tham gia tiệc nhậu, sau đó gây ra tai nạn hoặc bị ngộ độc mà nguyên nhân là do bị ông B. ép uống. Như vậy, nếu muốn xử lý thì phải có người làm chứng hoặc trích xuất camera, những hình ảnh, video trong bàn nhậu đó thì mới mong có căn cứ để xử lý trách nhiệm”, luật sư Lực phân tích.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm, như xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia… Và Nghị định 117 đã cụ thể hóa Luật này với những mức xử phạt cụ thể cho các hành vi. Tuy nhiên, việc xử phạt không hề đơn giản, vì đây là việc rất tế nhị.

Ai xử phạt?

Theo ông Hòa, với hành vi uống rượu, bia rồi lái xe, việc xử phạt sẽ dễ dàng, hiệu quả, vì chỉ cần đo nồng độ cồn là chứng minh được. Nhưng với hành vi xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia để xử lý vi phạm không hề đơn giản, bởi ai cũng sẽ nói “vì quý nhau nên mời nhau uống thôi”.

Qua bao đời nay, việc mời rượu được xem như là một văn hóa, lễ nghi khi giao tiếp trên mâm cỗ, bàn ăn, bữa tiệc. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng như hiện tại vẫn còn tình trạng mời chào người khác uống rượu theo kiểu ép buộc.
Thời xa xưa, việc di chuyển của con người chủ yếu là đi bộ, cưỡi ngựa… sau khi uống có di chuyển thì không quá ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Nhưng thời điểm hiện tại phương tiện là xe máy, ô tô… tốc độ di chuyển cao, việc uống rượu rồi điều khiển những phương tiện này là rất nguy hiểm. Vì thế, nghiêm cấm việc ép buộc người khác uống rượu, bia là rất cần thiết.
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)


“Thực tế cũng không ít những trường hợp uống rượu, bia say mèm, rồi đánh lộn, hay gây TNGT thì chỉ xử phạt trực tiếp đối tượng gây ra hành vi đó. Nay Nghị định 117 ra đời, có thể truy ngược lại và xử phạt người ép rượu, bia, dẫn đến hậu quả như vậy”, ông Hòa nói và cho rằng, để luật thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống, toàn bộ các hành vi đó đều phải được quy định rạch ròi, đồng thời quy định rõ việc giao cho cơ quan nào, đơn vị nào kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm.

Trước những thắc mắc này, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, việc quy định hành vi lôi kéo xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia bị xử phạt hành chính trước hết có tác dụng giáo dục và thuyết phục; sau đó có tác dụng răn đe.

“Khi có Luật và Nghị định, người dân biết được mức xử phạt, từ đó họ ý thức rằng nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Và khi biết được rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm thì lúc đó người thực thi công vụ có cơ sở pháp lý để xử phạt”, ông Quang nói.

Về câu hỏi cơ quan nào sẽ thực hiện việc xử phạt hành vi này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay: “Nội dung này được quy định rất cụ thể, đó là cơ quan công an, UBND các cấp, UBND cấp xã, cấp quận, huyện và Thanh tra Sở Y tế, Bộ Y tế”.

Ông Quang cho biết thêm, sau khi Nghị định ban hành, việc đầu tiên là Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các địa phương, Sở Y tế các tỉnh phải tổ chức triển khai thực hiện. Thậm chí, sẽ có các đoàn kiểm tra đi đến các quán bar, quán nhậu. Sẽ thực hiện song song việc xử lý vi phạm và tăng cường tuyên truyền cho người dân để nâng cao tính khả thi của quy định.

Một cơ sở nữa để xử lý vi phạm liên quan đến rượu bia, theo ông Quang, là thông qua các vụ TNGT và một số các vụ án khác, nếu nguyên nhân do người sử dụng rượu, bia gây ra thì cần phải truy vết người uống rượu, bia này có bị ép buộc không? Nếu có thì cần phải xử lý người ép buộc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.