Hồ sơ tài liệu

Evergrande không phải vấn đề lớn nhất của Trung Quốc

02/10/2021, 10:57

Có thể, tác động lâu dài và lớn nhất với kinh tế Trung Quốc không đến từ khủng hoảng của tập đoàn bất động sản này mà là hai chính sách kép.

Những ngày gần đây, thông tin liên quan đến Tập đoàn China Evergrande của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm thế giới.

Nhưng theo nhận định của ông Stephen S Roach, giảng viên chính tại Đại học Yale, cựu Chủ tịch Công ty Tài chính Morgan Stanley khu vực châu Á, tác động lâu dài và lớn nhất với kinh tế Trung Quốc không đến từ khủng hoảng của tập đoàn bất động sản này mà là hai chính sách kép - tái phân phối và tái quy định mà Bắc Kinh đang thực hiện.

img

Khách tham quan mô hình chung cư của Evergrande tại showroom ở Hồ Bắc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc thừa sức cứu China Evergrande

Đây là nhận định được đưa ra trong một phần bài bình luận của nhà kinh tế Stephen S Roach được đăng trên báo Channel New Asia (Singapore).

Theo ông Stephen S Roach, mặc dù Evergrande đang nợ hơn 300 tỷ USD, có thể tác động tới thị trường Trung Quốc và toàn cầu nhưng có 3 yếu tố cho thấy đây chỉ là khoảng thời gian thị trường khủng hoảng sau giai đoạn tăng giá kéo dài với đầu cơ thị trường bị thổi phồng cao và tăng trưởng không bền vững.

Điều này còn được gọi là “khoảnh khắc Minsky” và Chính phủ Trung Quốc đã có sự chuẩn bị để hạn chế ảnh hưởng xấu.

Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nguồn lực để ngăn chặn China Evergrande vỡ nợ và lan sang các thị trường khác.

Với 7,5 nghìn tỷ USD tiết kiệm trong nước và hơn 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc có thừa năng lực để xử lý khủng hoảng China Evergrande. Những động thái bơm tiền vào hệ thống Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thời gian qua là một minh chứng.

Thứ hai, China Evergrande không phải là cuộc khủng hoảng “thiên nga đen” (hiện tượng kinh tế cực hiếm và không thể dự đoán trước, gây ra những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế) mà là hệ quả từ chính sách có ý thức và có chủ ý của Bắc Kinh nhằm xoá bỏ đòn bẩy, giảm thiểu nguy cơ, cân bằng tài chính ổn định.

Đặc biệt, nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã giảm tình trạng hoạt động tài chính ngoài ngân hàng, từ đó có thể giảm thiểu nguy cơ lây lan sang các mảng khác trong thị trường tài chính.

Không giống như khủng hoảng tài chính Lehman Brothers tại Mỹ năm xưa, vấn đề của Evergrande vẫn nằm trong tầm kiểm soát của giới chức Trung Quốc.

Thứ ba là nguy cơ với nền kinh tế thực sự không quá nhiều. Vì nhu cầu đối với thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn dồi dào nhờ có dòng dân di cư thường xuyên của lao động từ các tỉnh ra các thành phố lớn.

Đây là điểm khác biệt lớn so với sự sụp đổ của những hiện tượng bong bóng nhà đất khác tại các nước như Mỹ và Nhật Bản vì ở những quốc gia này, nhu cầu mua nhà không thể cao để có thể nhanh chóng vượt qua tình trạng cung vượt cầu.

Vấn đề lớn nhất là gì?

Vấn đề lớn nhất ảnh hưởng tới đất nước tỷ dân đó chính là việc Bắc Kinh thay đổi suy nghĩ về mô hình phát triển, cũng theo phân tích của chuyên gia Stephen S Roach.

Nhà kinh tế Mỹ cho rằng, hai chính sách kép - tái phân phối và tái quy định - của Trung Quốc đã đánh thẳng vào “trái tim” của nền kinh tế dựa trên cải cách và mở cửa, vốn là động lực làm nên sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình những năm 80 của thế kỷ XX.

Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã chú trọng phát triển nền kinh tế ưu tiên cho một số đối tượng trước để kéo nền kinh tế đất nước rồi mới đến thịnh vượng chung.

Chính sách kép được thể hiện qua việc Trung Quốc thực hiện một loạt biện pháp quản lý mới từ đầu tháng 7, nhắm vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ, kiềm chế những lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế như game, âm nhạc trực tuyến, chia sẻ xe, gia sư tư nhân, giao hàng…

Tiếp đó, chính quyền Bắc Kinh mạnh tay hơn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dốc toàn lực với chủ trương tạo ra thịnh vượng chung, giải quyết sự bất bình đẳng, tái phân phối thu nhập và của cải.

Việc giải quyết bất bình đẳng song song với ổn định xã hội là điều mà đất nước nào cũng mong muốn. Đó thực chất cũng đang là vấn đề được hướng đến nhưng vẫn gây tranh cãi gay gắt tại Mỹ.

Nhưng chuyên gia Stephen S Roach cho rằng, vấn đề của Trung Quốc là ở chỗ, cách tiếp cận mới của họ có thể đi ngược lại động lực của nhiều xu hướng kinh tế mạnh mẽ nhất tại nước này như: Hoạt động khởi nghiệp, văn hoá khởi nghiệp thịnh vượng, cơ chế năng động và đổi mới của lĩnh vực tư nhân.

Nếu hoạt động khởi nghiệp vốn là yếu tố quan trọng tạo động lực của ngành tư nhân năng động bị thui chột có thể để lại hậu quả lâu dài cho giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo dựa trên định hướng sáng tạo, đổi mới của Bắc Kinh.

Báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) cũng từng có bài viết về thịnh vượng chung và nhiều nhà đầu tư chủ trương này khiến giới đầu tư, các nhà kinh doanh, tỷ phú… lo ngại và có tâm lý cảnh giác vì cảm thấy không chắc chắn về những hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Trung Quốc đang hướng tới thịnh vượng chung

Trong bài phát biểu trước đại hội đảng đánh dấu nhiệm kỳ thứ 2, thịnh vượng chung là chủ trương mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã lấy làm trọng tâm và trở thành thông điệp chính của nhiều cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân trong năm 2021.

Trung Quốc hy vọng sẽ thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giàu nghèo - vấn đề đang ngày càng trở nên trầm trọng - bằng cách kết hợp giữa chính sách, các yếu tố thị trường và hoạt động từ thiện.

Đây cũng được coi là lời cảnh báo đến giới tỷ phú của Trung Quốc rằng đã đến lúc họ phải san sẻ của cải, sự thịnh vượng có được với các tầng lớp khác.

Theo Viện Nghiên cứu Credit Suisse, tuy giới siêu giàu tại Trung Quốc chỉ chiếm 1% dân số nước này nhưng lại sở hữu gần 31% tài sản của cả nước, tăng cao so với mức 21% vào năm 2000.

Trong khi đó, theo SCMP, Trung Quốc có khoảng 200 triệu người sống với mức thu nhập hàng tháng dưới 2.000 nhân dân tệ (tương đương 309 USD).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.