Hạ tầng

EVN đề xuất tăng độ sâu chạy tàu trên luồng sông Hậu

31/05/2016, 21:35

EVN đề xuất Bộ GTVT cho tăng độ sâu luồng sông Hậu để chở nguyên vật liệu vào Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

 

Tàu tới 30.000DWT sẽ vào luồng sông Hậu giai đoạn

Tàu tới 30.000DWT sẽ vào luồng sông Hậu giai đoạn tới đây.

Ngày 31/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chủ trì họp xử lý đề xuất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) về việc cho phép nghiên cứu tận dụng lớp bùn loãng, xác định độ sâu để cho tàu lớn hơn có thể đi vào luồng sông Hậu, vận chuyển nguyên vật liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải.

Theo Thứ trưởng Công, luồng sông Hậu mới được đầu tư, đưa vào khai thác song cả luồng chung và luồng riêng vào trung tâm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải bồi lắng rất lớn, chi phí cho nạo vét rất tốn kém, trong khi nhu cầu đưa tàu trọng tải lớn vận chuyển than phục vụ hoạt động của nhà máy rất cao. Do đó, việc nghiên cứu tận dụng lớp bùn loãng để xác định độ sâu chạy tàu là cần thiết, cấp bách.

Cũng theo Thứ trưởng Công, mỗi năm Bộ GTVT bỏ ra tới 700 tỉ đồng để nạo vét các tuyến luồng hàng hải, nhiều biện pháp hữu hiệu khác cũng được áp dụng để duy trì độ sâu, bảo đảm an toàn chạy tàu. Song nhu cầu thực tế luôn lớn hơn khả năng đáp ứng. Do đó, Thứ trưởng chấp thuận đề xuất của EVN, nghiên cứu tận dụng lớp bùn loãng, xác định độ sâu để cho tàu lớn hơn có thể đi vào luồng sông Hậu. Với dự án này, EVN sẽ tổ chức và bỏ kinh phí thuê tư vấn nghiên cứu, cho áp dụng chạy thử nghiệm trong khu vực luồng chung và luồng riêng vào nhà máy nhiệt điện. Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ nghiên cứu. Khi có kết quả, sẽ triển khai thử nghiệm trong phạm vi luồng sông Hậu và nghiên cứu cho các tuyến luồng khác để khai thác tốt luồng tàu và giảm chi phí nạo vét.

Theo ông Nguyễn Tiến Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVN), luồng sông Hậu mới đưa vào vận hành từ tháng 12/2015, thông báo hàng hải là -6,5m song sa bồi rất lớn, đến nay vào khoảng 1,4 triệu m3, lớp bùn loãng duy trì từ 2-4m. Như vậy, giai đoạn 2 sẽ nạo đến -9,5 để tiếp nhận tàu đến 30.000DWT thì sa bồi còn lớn hơn.

“Tính chi phí 100.000 đồng/m3 nạo vét tại luồng riêng của nhà máy đã phải bỏ 200 tỉ đồng/năm để nạo vét. Để tiết kiệm chi phí nạo vét hàng năm, EVN sẵn sàng bỏ kinh phí, mua thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu tận dụng lớp bùn loãng để có thể chạy tàu”, ông Khoa cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.