Hai khu nhà công vụ chỉ để… bán cá cảnh, cà phê, trong khi hành khách phải đứng ngoài trời, có những khi tràn cả ra đường để đợi lên tàu.
Đội nắng mưa chờ tàu
Gần 12h trưa ngày 18/9, nhiều hành khách đứng ngoài sân xi măng cạnh đường ray chờ tàu ở ga Dĩ An (tọa lạc trên trục đường Nguyễn An Ninh, phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dưới trời nắng gắt.
Trong số đó có cả những người già và trẻ nhỏ đầu không mũ nón, mồ hôi nhễ nhại vật vã đón tàu về quê. Hơn 12h, chuyến tàu mang số hiệu SE22 (từ TP HCM đi Đà Nẵng) dừng lại trong khoảng 5 phút rồi tiếp tục hành trình, để lại phía sau những tiếng thở dài ngao ngán của những thân nhân đưa tiễn người nhà.
Chị Tống Thị Vân (38 tuổi, quê Đà Nẵng, ngụ tại phường Dĩ An) cho biết, nhà chị cách đây vài trăm mét nên thường xuyên ra ga Dĩ An đi tàu mỗi dịp về quê.
“Mỗi năm nhà tôi về dăm bảy bận, mà đi lên ga Sóng Thần thì bất tiện, nên ra đây bắt tàu. Biết là ga không có đủ chỗ chờ, phải đứng ngoài trời cả nửa giờ (vì sợ chậm tàu - PV) cũng đành chịu. Nếu ga có mái che, có chỗ cho khách ngồi đợi tàu thì cũng đỡ cực”, chị Vân nói.
Theo tìm hiểu, ga Dĩ An là ga hạng 4, trước đây chỉ dùng để đón, tiễn và tránh tàu. Tuy nhiên, từ năm 2016, sau sự cố sập cầu Ghềnh (ở Biên Hòa, Đồng Nai) ngành đường sắt trưng dụng ga Dĩ An làm ga trung chuyển và đón khách. Kể từ đó, lượng khách dồn về đây ngày một đông do ga nằm ở vị trí đắc địa, bỏ xa lượng khách của ga hạng 2 Sóng Thần.
Số liệu của Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, năm 2019 (khi chưa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19) sản lượng hành khách lên tàu tại ga Dĩ An lên tới hơn 52,5 nghìn lượt, doanh thu đạt gần 30 tỷ đồng; trong khi số lượng khách lên tàu tại ga Sóng Thần chỉ bằng 1/10 (tương đương 5,3 nghìn lượt), doanh thu chỉ đạt gần 1,7 tỷ đồng.
Đơn vị quản lý nói gì?
Khách về đông nhưng trớ trêu thay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của ga Dĩ An hầu như chả có gì ngoài vài phòng bán vé, phòng công vụ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, đến nay chưa một lần được cải tạo, tu sửa.
Đã vậy, hai khu nhà nhỏ lẽ ra nên làm chỗ che mưa nắng cho khách đợi tàu thì lại bị “chiếm dụng” làm cửa hàng bán cá cảnh, bán cà phê, tạp hóa.
Chỗ đợi tàu của khách chỉ vỏn vẹn chừng vài chục ghế, ngay trên lối đi vào sân ga. Vào mùa cao điểm lễ Tết, hành khách quá đông nên không chỉ đứng ngoài trời mà tràn cả ra vỉa hè, lòng đường Nguyễn An Ninh khiến chính quyền sở tại nhiều lần có văn bản kiến nghị không cho đón khách ở ga này vì lo ngại mất ATGT…
Trao đổi với PV, ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, ga Dĩ An có diện tích gần 13.000m2, có 2 đường đón tiễn và 1 đường đón xe.
Đây là ga “3 không” (không phòng chờ, không mái che, không ke ga) là những điều kiện tối thiểu để phục vụ hành khách. Để quy hoạch lại ga này cần tháo dỡ toàn bộ, xây dựng mới nhà chờ rộng khoảng 200m2, nhà bán vé, ke ga và mái che ke ga, thêm đường đón tiễn thay vì đường chứa xe.
Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn bày tỏ, mong muốn của ngành đường sắt là có nhà ga Dĩ An khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, thời gian qua do hạn chế về nguồn lực nên đầu tư cho ga này chưa được như mong muốn. Các công ty vận tải chỉ đầu tư khai thác vận chuyển, còn hạ tầng do nguồn vốn từ nguồn sự nghiệp kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận