Chiều 7/3, Đoàn Giám sát Quốc hội do ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn đầu có chuyến khảo sát một số công trình quan trọng Quốc gia và công trình dự án tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ở thành phố Cần Thơ.
Cùng tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm. Theo đó, đoàn đã đến khảo sát dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đề cập đến vấn về cát biển, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT cũng đã thí điểm sử dụng cát biển trên đoạn đường gom hoàn trả của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Kết quả có thể khẳng định tính chất cơ lý của cát biển là có thể sử dụng cho nền đường hữu cơ cao tốc. Thí điểm này đã được gửi cho các địa phương.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đề án nghiên cứu, đánh giá trữ lượng, tính chất cát biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó đã bàn giao kết quả giai đoạn 1 cho tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng 145 triệu m3.
Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ sớm làm việc với Sóc Trăng, Trà Vinh (hai tỉnh có trữ lượng cát biển lớn) để có thể đưa cát biển vào sử dụng trong thời gian tới.
Báo cáo tiến độ thi công dự án, ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư) cho biết, trong hôm nay, UBND tỉnh An Giang đã ký biên bản xác nhận giao mỏ cát trên sông Tiền, trữ lượng gần ba triệu m3 ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới cho dự án.
"Nhà thầu là Tập đoàn Định An sẽ đại diện để khai thác mỏ cát theo quy định. UBND tỉnh An Giang cũng đã mời chủ đầu tư dự án sang tuần đến để tiếp nhận mỏ cát. Dự kiến, cuối tháng 3 này sẽ bắt đầu khai thác cát", ông Cường báo cáo với đoàn giám sát.
Theo ông Cường, dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 7 triệu m3 cát đắp nền. Khi được An Giang bàn giao mỏ cát Bình Phước Xuân, dự án vẫn cần hơn bốn triệu m3 cát nữa.
"Ban cũng đã làm việc với các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang để giải quyết nhu cầu cát còn lại, nhưng những địa phương này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một số dự án giao thông ở Đồng Tháp cũng lâm vào cảnh thiếu cát", ông Cường cho biết.
Ngoài ra, hồi cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo về kết quả đánh giá cát biển để san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông. Trên cơ sở này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố cũng đã có công văn giới thiệu các nhà thầu đến làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để đăng ký nhu cầu sử dụng và thực hiện các thủ tục khai thác cát biển phục vụ dự án.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.
Dự án gồm bốn dự án thành phần, đồng loạt khởi công hồi 17/6/2023. Trong đó, dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, dài hơn 57km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn Cần Thơ, chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng.
Và dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận