Gánh hàng xôi đi khắp phố phường
Nhiều năm nay, người dân quanh khu vực phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) đã quen với gánh xôi sớm trên vỉa hè của bà Công Thị Bảo Ngọc - đến từ “làng xôi” Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). “Nhà hàng” của bà Ngọc tuy đơn sơ nhưng thực đơn đầy đủ các món từ xôi xéo, xôi gấc, đỗ, lạc, ngô… Món ăn kèm cũng đầy đủ thịt, trứng, giò, chả, ruốc, lạp xường… Khách của bà Bảo có người già đi tập thể dục về, trẻ con đi học, công nhân, nhân viên văn phòng… Người ngồi ăn tại chỗ chỉ cần một cái ghế, một bát một đũa; người vội có thể gói mang đi.
Địa phương có khoảng 600 hộ nấu xôi, trông đó trung bình mỗi nhà thổi 15 cân gạo tương đương với việc tiêu thụ ra thị trường 9 tấn mỗi ngày. Thương hiệu là của tập thể nhưng người thụ hưởng lại ở từng cơ sở sản xuất, do đó, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và niềm tin của khách hàng. Nếu làm không tốt sẽ dẫn đến tự đánh mất mình.
Ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng
Từ 6h sáng đến trước 8h30, gánh xôi của bà Ngọc lúc nào cũng đông khách, nhiều thời điểm còn phải xếp hàng chờ đến lượt.
Anh Ngọc Hân (trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, làm việc tại văn phòng trên phố Giảng Võ cho biết: Anh thường đi sớm cho khỏi tắc đường, tới cơ quan mới ăn sáng và tuần nào cũng phải “làm gói xôi” bà Ngọc.
“Vẫn nghe xôi Phú Thượng lâu nay, ăn rồi mới hiểu vì sao hấp dẫn. Xôi mềm, dẻo, thơm, không thừa không thiếu nước. Có bữa tôi mua từ sáng, để bẵng đến trưa mới mở ra mà hạt xôi vẫn dẻo, thơm”, anh Hân nhận xét.
Chia sẻ “bí kíp” chế biến món xôi bình dị mà “danh bất hư truyền” của quê mình, bà Ngọc kể: Sinh ra và lớn lên ở Phú Thượng, được ăn những món xôi của mẹ nấu từ thuở thiếu thời, lên 9 tuổi, bà Ngọc đã biết giúp gia đình thổi xôi, nặn bánh trôi, nấu rượu nếp… Học hỏi từ nhiều người đi trước, kết hợp đúc rút kinh nghiệm qua thực tế, theo bà Ngọc, xôi ngon là khi ăn phải vừa miệng mà tuyệt nhiên không được cho gia vị, mì chính. Gạo để thổi xôi ngon nhất là nếp cái hoa vàng. Những vị đi kèm như đỗ, ngô, lạc… cũng phải loại 1. Rồi đến các phụ liệu khác như vừng, hành phi, mỡ... cũng được lựa chọn rất kỹ càng. Khi gạo được nấu chín bằng hơi nước qua hai lần lửa, hạt xôi phải bóng và căng tròn như được phết một lớp dầu, mỡ. Với kinh nghiệm lâu năm của bà Ngọc, chỉ cần nhìn bằng mắt và ngửi hương bay lên sẽ biết thành phẩm đã đạt hay chưa.
“Điểm đặc biệt của xôi Phú Thượng là dẻo tơi, mềm từ trong mềm ra nhưng không nhão nát. Tôi không nhớ đã chuyển chỗ bán bao nhiêu lần, dù chỉ là vài chục mét. Nhưng gánh hàng đi đến đâu, khách cũng lại tìm theo đến đó. Rồi có người lại xin học nghề chỉ để về nấu cho gia đình ăn”, bà Ngọc tâm sự.
Với bà Phan Thị Ngọc Lý (cụm 3, phường Phú Thượng), cái duyên với nghề làm xôi ban đầu khá “bất đắc dĩ”. Sau khi tốt nghiệp ra trường, đi làm từ điển được 15 năm thì công ty đóng cửa, bà đành phải “về hưu non”. Tiền lương “ba cọc ba đồng” của chồng không thể đủ nuôi 4 miệng ăn, cuộc sống gia đình bà vô cùng nheo nhóc.
“Có thời điểm, trong tay tôi chỉ có 10.000 đồng và 20 ngày tiếp theo, số tiền đó vẫn còn nguyên vì phải đi mua chịu toàn bộ. Trăn trở trước khó khăn của gia đình, muốn làm thêm việc gì đó mà nghĩ mãi không ra. Thấy các chị em hàng xóm tất bật sớm tối với những gánh hàng xôi, tôi quyết định học hỏi nghề truyền thống của làng”, bà Lý nhớ lại.
Năm 2008, người phụ nữ đã hơn 40 tuổi khi đó bắt tay vào “khởi nghiệp” với tâm thế dè dặt, ái ngại với chuyện thương trường. Thời gian đầu, bà chỉ nấu khoảng 5 kg gạo chia thành nhiều loại xôi khác nhau và chạy xe hơn 15 km từ Tây Hồ đến Hoàng Mai để bán vào mỗi buổi sớm. Tuy nhiên, khách quen chưa có, nhiều ngày liên tiếp, cả vốn lẫn lãi chỉ được không quá 150.000 đồng. Không nản chí, bà bảo: “Bất kể nắng, mưa đã ngâm gạo là đều quyết đi cho bằng được”.
Trước lạ nhưng dần dà rồi cũng quen, như có một lực hút vô hình, ngày càng có nhiều người tìm đến hàng xôi của bà, doanh thu cứ thế cũng tăng lên vùn vụt. Bây giờ, không phải vài cân mỗi sáng nữa mà phải 18-20 kg mới đáp ứng đủ, còn ngày rằm, mùng một có thể gấp đôi.
“Vào lúc cao điểm từ 6-7h sáng, khách hàng thường đến đông nhất. Vòng trong vòng ngoài, bán không xuể, ai đến cũng phải xếp hàng mới tới lượt mua và tuyệt đối tôi không cho chen ngang. Chỉ cần nghỉ một ngày, hôm sau khách lại trách, đòi “kiện” nhưng bù lại được khen xôi ngon, bổ, rẻ nên vui lắm”, bà Lý khoe.
Chỉ tay lên ngôi nhà hai tầng khang trang giá trị cả tỷ bạc của mình, bà Lý nhẩm tính, cơ ngơi này hoàn toàn được “đắp” lên bằng 70 tấn xôi trong gần 10 năm qua. Nhắc đến đây, ông Nguyễn Tuấn Vinh tiếp lời vợ: “Chúng tôi lấy nhau từ hai bàn tay trắng, không có một xu, một cắc, đến tiền xây bếp nấu xôi cũng phải đi vay toàn bộ. Và để có được thành quả như ngày hôm nay chính là nhờ vào triết lý kinh doanh của gia đình xuyên suốt những năm tháng gắn bó với nghề. Đó là: Hương xôi ngào ngạt tháng ngày/Người mua kẻ bán trao tay ân tình/Có tâm nghiệp mới phồn vinh/Gần xa khách nhớ đến mình xôi quê”.
Cô bán xôi sẽ có thẻ “chính chủ” làng nghề
Còn nhớ, xưa kia, người dân ở Phú Thượng chỉ bán xôi chè, rượu nếp, bánh đa kê… vào “tháng Ba ngày Tám”, thì nay nghề nấu xôi đã trở thành “mũi nhọn” kinh tế của địa phương. Hàng ngày, vào cuối giờ chiều, các nhà lại rục rịch sửa soạn, ngâm gạo, đồ xôi. Tờ mờ sáng hôm sau, cả làng đã rộn ràng gọi nhau đi chợ. Những thúng xôi từ đây sẽ tỏa đi khắp phố phường của Thủ đô…
Năm 2017, chính quyền địa phương đã cho phép vận động thành lập, tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Số lượng hộ đăng ký tham gia ngày một tăng và hiện tại lên tới 340 hội viên. Trung bình, mỗi cơ sở đều có ít nhất hai lao động còn nhà làm nhiều cần phải thuê thêm người.
Ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết, thời gian vừa qua, Hội đã tham gia hàng loạt các sự kiện như Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội, triển khai gian hàng tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn... Đặc biệt, xôi Phú Thượng là một trong những món ăn của Hà thành vinh dự được chọn tham gia phục vụ hơn 3.000 phóng viên, nhà báo tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Vì vậy, tên tuổi của thương hiệu ngày càng được nhiều người biết tới, doanh thu của các hộ đều tăng từ 10-15% so với trước.
“Do quá trình đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị thu hẹp đáng kể dẫn đến dư thừa một lượng lao động không nhỏ. Nhờ có nghề xôi mà đã cơ bản giúp người dân có thêm công ăn việc làm, đảm bảo được cuộc sống hàng ngày, thậm chí mua được cả xe, xây nhà. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của người làm xôi chính là địa điểm bán không cố định, đa phần ở vỉa hè hoặc ngồi nhờ ở gần cổng trường học, cơ quan, hộ gia đình…”, ông Lượng chia sẻ.
Theo vị Chủ tịch Hội, để duy trì và phát triển thương hiệu xôi Phú Thượng, ngoài lượng khách hàng ngày, cần phải xây dựng hệ thống các chuỗi nhà hàng liên kết để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội cũng đang triển khai làm áo, thẻ có tên, ảnh, logo…cho các hộ viên có hộ khẩu tại địa phương để khẳng định “chính chủ” xôi làng nghề.
“Thương hiệu là của tập thể nhưng người thụ hưởng lại ở từng hộ sản xuất, do đó, quan trọng nhất vẫn là an toàn thực phẩm. Nếu làm không tốt sẽ tự đánh mất mình. Từ khi đón nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, tâm lý của người dân từ tự ti đã chuyển sang tự hào. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ sớm có được một cửa hàng chung để xây dựng quy trình nấu xôi chuẩn nhằm giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với làng nghề Phú Thượng”, ông Lượng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận