Xã hội

Gặp Anh hùng phá bom nổ chậm trên tuyến lửa

22/10/2023, 06:45

Được phong Anh hùng nhờ các chiến công rà phá bom trên các tuyến đường "lửa", giờ đây cựu cán bộ ngành giao thông vận tải - ông Nguyễn Xuân Lứ (SN 1942, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang có cuộc sống bình dị bên gia đình nơi quê nhà.


Sự sống và cái chết trong gang tấc

Những ngày giữa tháng 10, PV Báo Giao thông tìm về xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh và gặp ông Nguyễn Xuân Lứ, Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Gặp Anh hùng phá bom nổ chậm trên tuyến lửa   - Ảnh 1.

Ông Lứ bên danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước ký tặng.

Gặp chúng tôi khi vừa đi bứt cỏ lác cho luống rau sau nhà về, ông Lứ chia sẻ, hiện ông làm bí thư chi bộ, xóm trưởng xóm 7, xã Hồng Lộc. Hằng ngày, ngoài công việc của chi bộ, của xóm, ông vẫn luôn chân luôn tay với việc nhà cửa, đồng áng, ruộng vườn…

"Tôi còn sức khỏe, còn cống hiến được thì còn lao động. Đấy là trách nhiệm, nhưng cũng là niềm vui", ông Lứ bộc bạch.

Người đàn ông với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi, nghị lực kể, đầu thập niên 60 thế kỷ trước, ông bắt đầu theo học ngành giao thông vận tải (GTVT). Năm 1964, cuộc chiến chống đế quốc Mỹ chuyển sang giai đoạn khốc liệt, ông được đơn vị cử đi học lớp rà phá bom.

Sau 6 tháng huấn luyện, ông Lứ nhận chức vụ Đội trưởng Đội Rà phá bom ngành GTVT Hà Tĩnh. Nhiệm vụ lúc bấy giờ là quan sát và phá bom nổ chậm ở khu vực ngã ba Đồng Lộc, đường 15A và quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Can Lộc, Đức Thọ.

Tất cả đều được mệnh danh là những tuyến đường "lửa", nổi tiếng ác liệt vì bị máy bay Mỹ bắn phá suốt ngày đêm hòng cắt đứt tuyến đường vận tải từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Suốt 5 năm trên cương vị đội trưởng, ông cùng đồng đội không ít lần đối mặt tử thần, khi lằn ranh sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Nhưng ông Lứ cũng nhiều lần đau đớn nhìn đồng đội của mình vĩnh viễn ra đi và chính ông trực tiếp khâm liệm thi thể đồng đội.

"15 đồng đội năm xưa của tôi thì có đến 8 người đã chôn vùi máu xương khi phá bom không thành. Công việc phá bom có thể nói chết lúc nào không hay nên đòi hỏi phải gan dạ, tỉnh táo, nhạy bén trong mọi trường hợp", ông Lứ hồi tưởng.

Trong vô số lần rà phá bom mìn trên các cung đường để xe thông, ông Lứ nhớ như in thời điểm rạng sáng 25/1/1967. Lúc đó, có đoàn xe 6 chiếc từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, qua ngã ba Đồng Lộc thì bị máy bay địch phát hiện, ném bom dữ dội.

Sau những làn bom trút xuống, hệ thống giao thông tắc nghẽn, nhiều chiến sĩ bị thương. Trên trận địa lúc này chỉ còn ông Lứ và ông Phan Văn Ngọc làm nhiệm vụ gác chắn barrier và theo dõi từng địa điểm ném bom.

Trong lúc cấp bách, ông Ngọc cấp tốc về báo cho lãnh đạo xã Đồng Lộc điều động lực lượng và thanh niên xung phong ra ứng cứu. Còn ông Lứ một mình cõng từng người bị thương ra Trạm Y tế xã Đồng Lộc cấp cứu, sau đó chỉ huy các lực lượng ứng cứu khắc phục hậu quả cho xe thông tuyến.

Ít giờ sau, địch lại thả pháo sáng và bắn đạn 12 ly 7 làm một lái xe hy sinh. Tiếp đó, địch thả 36 quả bom nổ chậm ở Cầu Tối làm giao thông tiếp tục tắc nghẽn, đoàn xe vẫn không thể đi qua.

Để thông xe kịp thời trong đêm, ông Lứ cùng ông Ngọc phải mò mẫm rà phá bom, nhưng không may khi vừa tiếp cận đến quả cuối cùng thì bom phát nổ khiến ông Ngọc hy sinh, ông Lứ bị thương.

"Lúc ấy, nhìn đồng đội hy sinh, chỉ còn một mình mình cũng bị thương và phải tạm rời nhiệm vụ, cảm giác đau đớn, xót xa vô cùng. Chỉ mong chóng khỏe để quay về làm nhiệm vụ của mình, gánh cho cả đồng đội nữa", ông Lứ nghẹn lời.

Được Bộ trưởng Bộ GTVT khen ngợi

Giữa những thời khắc sinh tử cùng đồng đội rà phá bom mìn, trong ký ức người lính trên mặt trận giao thông không thể quên lần được gặp Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ đi công tác ngang qua.

Gặp Anh hùng phá bom nổ chậm trên tuyến lửa   - Ảnh 2.

Ông Lứ và vợ - bà Phạm Thị Hảo trong căn nhà ở xã Hồng Lộc.

Ông Lứ nhớ lại, khi quốc lộ 1A từ cầu Hạ Vàng đến Thượng gia Cọ Ngựa bị bom đạn giặc băm nát, quốc lộ 15A trở thành con đường duy nhất vào Nam, sang Lào.

Ngày 8/3/1968, ông Lứ cùng đồng đội được lệnh thông đường cho 2 đoàn xe 24 chiếc đi qua, nhưng tại eo Truông Kén vẫn còn 2 quả bom nổ chậm nằm chắn ngang đường, mọi biện pháp kích nổ đều bất thành. Cuối cùng, ông Lứ phải cởi áo nhảy xuống dùng đòn bẩy kết hợp với thân đẩy quả bom trượt xuống mái ta luy, thông đường cho xe qua an toàn.

Với hành động dũng cảm, đầy mưu trí này, ông Lứ được đích thân Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ thưởng nóng 100 đồng và đưa đi gặp Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Quang Đạt để tuyên dương, tặng bằng khen.

Suốt những năm tháng trực tiếp tham gia rà phá bom mìn trong chiến tranh, ông Lứ đã 9 lần bị trọng thương ở vùng đầu, tay, chân, vai do sức ép của bom, trong đó có 2 lần bị bom hất văng suýt hy sinh.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhắc đến những năm tháng ở chiến trường Đồng Lộc năm xưa, ông Lứ như sống lại thời trai trẻ: "Ngày đó chiến tranh ác liệt lắm, chúng tôi làm nhiệm vụ có nghĩ đến chuyện sẽ sống sót đâu. Ai cũng quyết tâm làm sao phải tìm và phá cho kỳ hết số lượng bom đạn".

Chiến tranh kết thúc, ông Lứ được đơn vị phân công về công tác tại Đoạn 3 quản lý đường bộ Nghệ Tĩnh, rồi Phòng Hành chính thuộc Công trường hữu nghị Việt - Lào (do Sở GTVT Hà Tĩnh quản lý, trụ sở đóng tại tỉnh Bolykhamxay, Lào). Đến năm 1985, ông nghỉ hưu (hưởng chế độ mất sức 60%), trở về địa phương.

Bà Phan Thị Hảo, vợ ông Lứ tâm sự, ông là người rất có trách nhiệm trong công việc. Những ngày còn công tác, ông gần như dành trọn thời gian cho công việc. Nghỉ hưu đã mấy chục năm nay, ông vẫn nỗ lực với công việc của thôn, xóm.

Ông Lê Viết Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, nhận xét: "Ông Nguyễn Xuân Lứ là hội viên cựu chiến binh mẫu mực, nhiệt tình xây dựng xóm làng đoàn kết, văn minh, là tấm gương sáng để mọi người phấn đấu noi theo. Trong cuộc sống, ông thường tích cực đi đầu trong mọi công việc tại địa phương, hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới".

Ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn ngã ba Đồng Lộc, ông Nguyễn Xuân Lứ đã nhiều lần được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng, 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba...

Năm 1969, ông được đơn vị lập danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng việc xét duyệt tạm dừng giữa chừng do trong đội có đến 2 người được đề nghị mà dự kiến Trung ương chỉ xét duyệt 1 (Đội phó La Thị Tám được công nhận danh hiệu này).

Năm 2011, ngành GTVT Hà Tĩnh tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh, Quân khu 4... trình Chủ tịch nước xem xét quyết định phong tặng.

Tháng 4/2015, sau khi được Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh lập hồ sơ, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.