Hỏi - Đáp

Gây tai nạn không dừng lại, xử lý thế nào?

24/10/2019, 06:35

Hành vi của tài xế xe ô tô gây tai nạn mà không dừng lại có thể bị xử lý theo Nghị định 46/2016 quy định tại Khoản 7 điểm b.

img
Ảnh minh họa

Hỏi:

Ngày 20/10, vợ chồng anh chị tôi đèo cháu nhỏ đi xe máy trên đường với tốc độ khoảng 30km/h, đi đúng làn và chiều đường. Bỗng nhiên, một xe ô tô chạy tốc độ khá nhanh từ phía sau quẹt vào đuôi xe máy, khiến anh chị tôi cùng cháu nhỏ ngã văng ra đường, may mắn, cả ba người chỉ bị xây xước nhẹ.

Nhưng điều khiến gia đình bức xúc là chiếc ô tô gây tai nạn không hề dừng lại, vẫn chạy tốc độ khá nhanh và mất hút. Camera hành trình của ô tô phía sau đã ghi lại toàn bộ vụ va chạm, có cả biển kiểm soát của chiếc xe gây tai nạn.

Vậy tôi xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có thể mang đoạn clip ghi lại vụ tai nạn tới đâu để trình báo? Thực tế, anh chị và cháu tôi chỉ bị đau, điều trị tại nhà, thì tài xế xe ô tô gây ra tai nạn có thể bị coi là có lỗi không? Lỗi đó là gì, mức xử phạt ra sao và anh chị, cháu tôi có được bồi thường gì không?

Nguyễn Văn Tùng (Quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời:

Bạn cần mang dữ liệu ghi hình đó tới cơ quan công an nơi gần nhất của vị trí xảy ra va chạm: Phòng CSGT, đồn công an, công an xã, huyện... trình báo theo hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận đơn thư, tin báo tố giác và lập biên bản giao nộp niêm phong tang vật, chứng cứ này theo quy định tại khoản 4 điều 38 Luật GTĐB.

Hành vi của tài xế xe ô tô có thể bị xử lý theo Nghị định 46/2016 quy định tại Khoản 7 điểm b về vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe ô tô. Cụ thể như sau: Quy định xử phạt từ 5-6 triệu đồng khi gây tai nạn không dừng lại, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, tài xế ô tô này có thể xử phạt theo khoản 8 điều 5 Nghị định 46 vì lái xe có dấu hiệu chạy quá tốc độ quy định, không chú ý quan sát, tránh vượt không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe, mức phạt là 7- 8 triệu đồng.

Thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này là của Trưởng công an cấp huyện hoặc Trưởng phòng CSGT.

Về mức bồi thường, căn cứ thiệt hại thực tế là tiền thuốc có hoá đơn chứng từ, mất thu nhập ngày công lao động, bồi dưỡng sức khỏe, tổn thất tinh thần nếu có theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong luật dân sự. Các bên được khuyến khích thỏa thuận mức bồi thường cụ thể nếu không thỏa thận được thì gửi ra toà án có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.